Việc xây dựng nhà máy chip của TSMC tại Arizona vướng phải phản đối từ chính người Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – TSMC (Đài Loan) cho biết việc mở nhà máy sản xuất chip ở Arizona đã bị trì hoãn do thiếu công nhân lành nghề. Công ty đề xuất đưa công nhân Đài Loan đến Arizona để kế hoạch xây dựng trở lại đúng hướng.

Nhà máy của TSMC đang được xây dựng ở Arizona (Mỹ)
Nhà máy của TSMC đang được xây dựng ở Arizona (Mỹ)

Để đưa việc xây dựng nhà máy chip Arizona của mình trở lại đúng hướng, Công ty sản xuất chip bán dẫn Đài Loan (TSMC) cho biết họ cần nhiều công nhân với chuyên môn kỹ năng cao hơn - điều mà nguồn nhân lực tại Hoa Kỳ chưa thể đáp ứng được. Kể từ tháng 6, công ty đã thảo luận với chính phủ Hoa Kỳ về việc cấp thị thực E-2 cấp tốc cho khoảng 500 công nhân Đài Loan.

Được biết, E-2 là thị thực không định cư, được gia hạn không giới hạn, miễn là nhà đầu tư mở doanh nghiệp tại Mỹ và vẫn duy trì hoạt động. TSMC đạt đủ các điều kiện nhưng đang vướng phải sự phản đối từ chính người Mỹ.

Liên đoàn Union Arizona Pipe Trades 469 (U.A Local 469), đại diện cho hơn 4.000 công nhân, thợ lành nghề và nhân sự kỹ thuật ở Mỹ, đã gửi đơn khiếu nại, kêu gọi các nhà lập pháp từ chối cấp thị thực này. Theo kiến nghị, TSMC đã "cố tình trình bày sai" về kỹ năng của lực lượng lao động Arizona, đồng thời việc cấp E-2 sẽ đặt nền móng cho lao động giá rẻ thay thế nhân công Mỹ.

Tranh chấp đánh dấu bước ngoặt mới nhất trong cuộc đua của Hoa Kỳ nhằm xây dựng sự hiện diện trong ngành công nghiệp chip bán dẫn — điều đang trở thành ưu tiên chính khi thế giới ngày càng phụ thuộc hơn bao giờ hết vào các thiết bị cần chip để vận hành. Các thiết bị đó bao gồm điện thoại thông minh, tivi, tủ lạnh, máy giặt...

Mùa hè năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và Chip, với hơn 52 tỉ USD trợ cấp để thúc đẩy sản xuất chip ở Hoa Kỳ và tạo việc làm cho người Mỹ. Đạo luật này là một trong những lý do TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, đã công bố kế hoạch vào tháng 12 năm ngoái để xây dựng một nhà máy thứ hai ở Arizona.

Nhưng việc xây dựng nhà máy Arizona đầu tiên của TSMC ở khu vực Phoenix vào năm 2021 đã gặp phải một số trục trặc. Theo kế hoạch ban đầu là nhà máy sẽ mở cửa vào cuối năm 2024, nhưng trong một cuộc họp vào tháng 7, công ty cho biết kế hoạch này có thể sẽ bị đẩy lùi đến năm 2025.

"Chúng tôi đang bước vào giai đoạn quan trọng của việc xử lý, lắp đặt thiết bị chuyên dụng và tiên tiến nhất", Chủ tịch TSMC Mark Liu nói hồi tháng 7. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp một số thách thức vì không có đủ số lượng nhân công lành nghề với chuyên môn chuyên sâu cần thiết để lắp đặt thiết bị bán dẫn".

Liu cho biết công ty đã lên kế hoạch đưa công trình trở lại đúng hướng bằng cách "gửi các kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm từ Đài Loan để đào tạo các công nhân lành nghề địa phương trong một thời gian ngắn". Tuy nhiên, để làm được điều này, TSMC cần chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cấp thị thực cho người lao động, điều mà công đoàn tại bang Arizona đang cố gắng ngăn chặn.

U.A Local 469 cho rằng: "Việc thay thế công nhân xây dựng của Arizona bằng người nước ngoài mâu thuẫn trực tiếp với mục đích Đạo luật Khoa học và Chip, đó là tạo việc làm cho công nhân Mỹ".

Tuy nhiên, TSMC đã khẳng định rằng các công nhân Đài Loan sắp tới sẽ không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ công việc nào của Hoa Kỳ — và họ sẽ chỉ có mặt để hỗ trợ quá trình xây dựng.

TSMC cho biết bất kỳ công nhân Đài Loan nào đến Arizona sẽ chỉ ở đó trong một khoảng thời gian giới hạn và không ảnh hưởng đến 12.000 công nhân hiện đang làm việc tại đây mỗi ngày. Công ty cho biết khoản đầu tư của mình vào Arizona là một cơ hội để tạo ra hàng ngàn việc làm được trả lương cao và thúc đẩy sự đổi mới trong tiểu bang và trên khắp Hoa Kỳ.

"Chúng tôi chưa thay thế bất kỳ công nhân địa phương nào bằng công nhân nước ngoài và tiếp tục ưu tiên tuyển dụng công nhân địa phương ở Arizona", TSMC nói với Insider. "Trọng tâm hiện tại của chúng tôi là tuyển dụng lao động địa phương cho các vị trí điện, kim loại tấm và hàn".

TSMC cũng có những căng thẳng khác với người bản địa. Theo American Prospect, hồi tháng 6, công trường nhà máy TSMC ở Arizona bị cho là "thường xuyên xảy ra thương tích và vi phạm an toàn lao động". Ông Luke Kasper, đại diện một hiệp hội về bảo vệ quyền lợi công nhân Mỹ, nói.

Ông Luke Kasper nói thêm : “Đây là nơi không an toàn nhất mà tôi từng khảo sát". Trong khi đó, TSMC phủ nhận cáo buộc.

Khi Tổng thống Biden thông báo vào tháng 12 rằng hơn 3.000 công nhân công đoàn sẽ giúp xây dựng nhà máy ở Arizona, người sáng lập TSMC, Morris Chang, đã nói rằng "hơi đau lòng" khi nghe điều này. Năm 2016, ông Chang cho biết một trong những lý do chính khiến các công ty như Google, Amazon và Facebook thành công là họ không có công đoàn.

Cuộc tranh cãi ở Arizona thậm chí còn sôi sục trở lại ở Đài Loan. Vào ngày 24 tháng 7, một kênh YouTube của Đài Loan với gần ba triệu người đăng ký đã đăng một video cáo buộc công nhân Arizona lười biếng, một trang tin song ngữ về công nghệ, kinh doanh và quan hệ Mỹ - Á đưa tin.

Không rõ khi nào chính phủ Hoa Kỳ sẽ chính thức đưa ra quyết định liên quan đến thị thực Đài Loan. Trong khi đó, việc xây dựng nhà máy hiện vẫn đang tiếp tục.

Theo Business Insider