Video sức mạnh tiêm kích Typhoon của châu Âu “đồn” Việt Nam muốn mua

Trang tin của Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (TSAMTO, Nga) ngày 18.1 dẫn nguồn tin truyền thông Mỹ cho rằng Việt Nam đang quan tâm và đàm phán mua loại tiêm kích Typhoon của tập đoàn Eurofighter (châu Âu).
Tiêm kích Typhoon của Không quân Đức - Ảnh: Eurofighter
Tiêm kích Typhoon của Không quân Đức - Ảnh: Eurofighter

Trang tin TSAMTO cho biết tạp chí Mỹ The National Interest mới đây có bài viết nói rằng nếu đạt được thoả thuận với Eurofighter, Việt Nam có thể sẽ mua một số tiêm kích Typhoon để thay thế các máy bay chiến đấu đã cũ kỹ có từ thời Liên Xô, gồm 144 chiếc MiG-21 và 38 máy bay tiêm kích ném bom Su-22.

Loại tiêm kích hiện đại của châu Âu sẽ bổ sung cho phi đội tiêm kích hiện đại của Việt Nam là Sukhoi Su-27 (12 chiếc) và Su-30MK2 (32 chiếc, còn thêm 4 chiếc sẽ giao trong năm 2016).

The National Interest cho rằng việc Việt Nam quan tâm chiến đấu cơ của phương Tây cho thấy nước này đang giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí Nga cũng như đối phó với các hành động quân sự gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hồi năm ngoái, hãng tin Reuters cho hay nửa đầu năm 2015 đã có nhiều đoàn doanh nghiệp quốc phòng Mỹ và châu Âu đến Hà Nội, giới thiệu các sản phẩm quốc phòng như tiêm kích JAS-39E/F Gripen (hãng Saab, Thuỵ Điển), Typhoon của Eurofighter, F-16 của Lockheed Martin và F/A-18E/F Super Hornet của Boeing (Mỹ).

Mẫu máy bay chiến đấu hạng nhẹ F/A-50 của Hàn Quốc liên doanh với Lockheed cũng được xem xét.

Tuy vậy theo The National Interest, quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Việt Nam chưa đạt tới mức Mỹ có thể bán chiến đấu cơ cho Việt Nam, nhưng với châu Âu thì có thể. Do vậy theo Reuters, Việt Nam đang thương lượng để mua tiêm kích Typhoon của tập đoàn Eurofighter.

Video sức mạnh tiêm kích Typhoon của châu Âu “đồn” Việt Nam muốn mua ảnh 1

Typhoon là máy bay chiến đấu chủ lực của nhiều nước châu Âu - Ảnh: BAE Systems

Không chỉ tiêm kích, Việt Nam còn quan tâm máy bay trinh sát biển và cảnh giới trên không, nên đang đàm phán với Thuỵ Điển về loại máy bay cảnh báo sớm Saab 340 hoặc Saab 2000.

The National Interest cũng cho hay Việt Nam cũng đàm phán mua loại máy bay C-295 của Airbus, phiên bản bay tuần biển (Việt Nam đã mua C-295 loại vận tải cơ); C-130 loại tuần biển của Lockheed. Boeing cũng được cho là chào hàng loại máy bay thương mại trang bị phương tiện trinh sát điện tử như loại máy bay tuần biển và săn ngầm P-8 Poseidon, nhưng loại Boeing chào hàng Việt Nam lại không có chức năng chống tàu ngầm.

Eirofighter là một tập đoàn gồm các công ty BAE Systems (Anh), Alenia Aermacchi (Ý) và Airbus. Tập đoàn này sản xuất loại tiêm kích Typhoon đang là máy bay chiến đấu chủ lực của không quân hoàng gia Anh, không quân Đức, Ý, Tây Ban Nha. Đến nay đã có 444 chiếc Typhoon trong tổng số 599 chiếc đặt hàng được giao cho Anh, Áo, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Kuwait, Oman, Ả Rập Xê Út, theo tạp chí FlightGlobal.

Loại tiêm kích Typhoon gần đây được trang bị nhiều khí tài điện tử hiện đại, ứng dụng nhiều cải tiến khí động học đã cải thiện đáng kể khả năng nhanh nhẹn của nó, được Defense News xem là loại máy bay chiến đấu tốt nhất so với các chiến đấu cơ khác đang hoạt động trên thế giới, trừ loại tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ.

Video sức mạnh tiêm kích Typhoon của châu Âu “đồn” Việt Nam muốn mua ảnh 2

Ty[hoon tại một triển lãm hàng không - Ảnh: Eurofighter

Tiêm kích Typhoon bay lần đầu năm 1994, sản xuất từ năm 2003, có 2 động cơ, 1 chỗ ngồi, tốc độ tối đa 2.495 km/giờ, bay cao 19,8 km; tầm hoạt động 2.900 km, bán kính chiến đấu từ 601 - 1.389 km. Máy bay này vũ trang 1 pháo 27 mm, 13 giá treo vũ khí gồm 8 ở hai bên cánh và 5 ở dưới bụng, khối lượng bom và tên lửa mang theo là 7,5 tấn.

Clip giới thiệu sức mạnh tiêm kích Typhoon

 Theo Thanh Niên