Video cuộc đột kích cứu 70 con tin từ IS của đặc nhiệm Mỹ

Cuộc đột kích bất ngờ được tiến hành trong điều kiện khẩn cấp đã giải cứu thành công 70 con tin sắp sửa bị IS hành quyết tập thể.  
Lính đặc nhiệm Mỹ thực hiện nhiệm vụ giải cứu - Ảnh: CNN
Lính đặc nhiệm Mỹ thực hiện nhiệm vụ giải cứu - Ảnh: CNN

Lời bình trong đoạn video cho biết:

Cuộc bố ráp do lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiến hành đã làm một binh sĩ thiệt mạng. Theo các quan chức Mỹ, đây là cái chết đầu tiên kể từ khi Mỹ tiến hành chiến dịch chống lại IS từ năm ngoái. Nhiệm vụ này đã đánh dấu một chiến dịch mà Tổng thống Obama trước đó chưa từng thông qua.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook cho biết hoạt động trên là kết quả của quyết định giúp đỡ lực lượng người Kurd. “Đây là một tình huống đặc biệt, một đồng minh rất thân cận đã đề nghị chúng tôi có mặt” - ông nói.

Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter thông qua nhiệm vụ trên bởi lực lượng người Kurd muốn giải cứu các tù nhân đang đứng trước nguy cơ của một cuộc hành quyết tập thể. Hình ảnh vệ tinh cho thấy một ngôi mộ khổng lồ đã được đào sẵn. Tuy nhiên, không ai trong số các con tin này cho thấy dấu hiệu họ là một người Kurd. 

“Các ông tiến hành một nhiệm vụ giải cứu nhưng không biết có ai trong đó sao?” - một phụ nữ chất vấn ông Peter Cook. Đáp lại, ông chỉ trả lời đơn giản rằng: “Đúng vậy, chúng tôi không biết rõ tất cả mọi người có mặt trong khu nhà đó”.

Lầu Năm Góc khẳng định cuộc bố ráp này không phải là một hành động lén lút và không vi phạm điều cấm của lực lượng do Mỹ dẫn đầu là trực tiếp tham chiến.

Đầu tiên, lực lượng đặc nhiệm Mỹ chỉ có ý định sử dụng máy bay trực thăng quần thảo phía trên lực lượng người Kurd bên ngoài nhà tù của IS phía bắc Iraq.

Tuy nhiên, điều đáng nói là nếu lực lượng IS bắt đầu đáp trả dữ dội, lực lượng do Mỹ dẫn đầu có quyền giúp đỡ và trực tiếp tham gia vào cuộc chiến.

Đó chính xác là những gì đã diễn ra khi cuộc chiến chính thức bắt đầu, chỉ sau khi chiến đấu cơ Mỹ thả bom xuống trại huấn luyện và một vài căn cứ khác của IS ở khu vực.

Sau đó, 5 trực thăng chở theo gần 70 lính đặc nhiệm Iraq và người Kurd tiếp cận khu vực. Họ lao vào cuộc chiến với tiếng súng nổ liên hồi.

Khi nhiệm vụ kết thúc, máy bay Mỹ thả bom tiêu hủy toàn bộ cứ điểm trên.

Một lính Mỹ bị thương nặng trong cuộc chiến đã được máy bay trực thăng đưa đi cấp cứu ở miền bắc Iraq nhưng sau đó chết vì vết thương quá nặng.

Theo Thanh Niên