Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Theo truyền thống văn hóa chính trị của Mỹ, các tân tổng thống sau khi nhậm chức thường ít khi thực hiện tất cả những cam kết đưa ra trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bởi những cam kết đó chỉ để vận động nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri, còn thực thi như thế nào lại là một câu chuyện khác. Tuy nhiên, phần lớn sự thay đổi những cam kết thường liên quan tới chính sách đối nội, còn trong chính sách đối ngoại, các tân Tổng thống Mỹ ít khi thay đổi quan điểm.
Donald Trump là trường hợp đặc biệt. Ông là một sự lựa chọn có một không hai trong lịch sử Hoa Kỳ. Trong một bài phát biểu trước các cử tri, ứng cử viên Donand Trump đã từng nhấn mạnh, cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 không đơn thuần là cuộc bầu cử 4 năm một lần như thường lệ, cũng không phải là sự chuyển giao quyền lực từ một đảng này sang đảng khác, mà là cuộc bầu cử trong một thời khắc có tính bước ngoặt trong lịch sử của nước Mỹ. Trong bối cảnh đó, thậm chí ông còn tuyên bố “sẽ tuyên chiến với bộ máy cầm quyền ở Washington” và đe dọa “sẽ xóa sổ 90% di sản của tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama”.
Trong chính sách đối ngoại, Donald Trump đưa ra những tuyên bố chưa từng có về quan hệ với Trung Quốc, với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương và với Nga. Thế nhưng, trong những ngày cầm quyền đầu tiên, ông đã lật ngược hoàn toàn quan điểm của mình được đưa ra trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng về những mối quan hệ này.
Những thay đổi 180 độ quan điểm của Donald Trump
Về quan hệ với Trung Quốc. Khi tranh cử, Donald Trump tuyên bố: “Tôi không thể gọi Trung Quốc bằng một từ nào khác là kẻ thù của nước Mỹ bởi họ đang cướp công ăn việc làm của người Mỹ, đang cướp đoạt tương lai của các thế hệ người Mỹ. Trung Quốc đang ra sức đẩy chúng ta vào nguy cơ phá sản,họ do thám hòng ăn cắp công nghệ của ta, và hủy hoại lối sống của ta đây! Đối với tôi, đó là kẻ thù”. Donald Trump còn cho biết, Mỹ sẽ xem xét lại chính sách “một Trung Quốc” từng tồn tại suốt hàng chục năm qua.
Nhưng sau khi đắc cử, Donald Trump lại tuyên bố sẽ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, muốn thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc để mang lại lợi ích cho cả hai nước. Sau cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6/4/2017, Donald Trump nói: "Đây là cuộc gặp tuyệt vời để bàn về an ninh và thương mại. Hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ là mối quan hệ rất, rất tuyệt vời trong dài hạn”.
Về quan hệ với Nga. Trong chiến dịch tranh cử, trên Twitter cá nhân, ứng cử viên Donald Trump viết: "Quan hệ tốt đẹp với Nga là điều tốt chứ sao. Chỉ có những kẻ ngu mới cho rằng quan hệ tồi tệ với Nga là tốt cho chúng ta!". Trong cuộc nói chuyện điện thoại đầu tiên ngay sau khi đắc cử, Donald Trump khẳng định, sẽ phối hợp với Nga tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố ở Syria, sẽ coi Nga là một đối tác chứ không phải là kẻ thù như dưới thời cầm quyền của các đời tổng thống Mỹ sau khi Liên Xô tan rã.
Donald Trump còn đề xuất chủ trương thành lập liên minh quân sự với Nga và nhà nước Syria. Sau khi nhậm chức, tổng thống Donald Trump bổ nhiệm những nhân vật chủ chốt có quan điểm chống Nga, trong đó có ông Rex Tillerson - người được Donald Trump đề cử vào cương vị Bộ trưởng Bộ ngoại giao, từng đưa ra cảnh báo về “nguy cơ từ nước Nga” trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ứng cử viên Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ James Mattis nhận định: “Nga là đe dọa lớn nhất đối với Mỹ”.
Về cuộc chiến chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) và về Syria. Ứng cử viên Donald Trump nói: "Tôi có nhiều quan điểm ngược lại đa số mọi người về vấn đề Syria. Chúng ta không thể chống nhà nước Syria, trong khi họ đang chống lại sự khủng bố từ tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xựng (IS). Nếu cứ như vậy chúng ta khó mà diệt trừ được IS”. Donald Trump còn nói: “Việc củng cố chế độ của tổng thống Bashar al-Assad là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan đã trỗi dậy mạnh mẽ tại Trung Đông. Nga bây giờ đang tóm gọn hoàn toàn Syria và còn có thêm Iran vốn mới trỗi dậy nữa bởi vì họ đang hợp tác với chính phủ Syria. Nếu Mỹ tấn công ông Assad, chúng ta sẽ kết thúc mọi chuyện bằng một cuộc chiến với Nga".
Sau khi trở thành tổng thống, Donald Trump đã 4 lần thay đổi quan điểm về Syria, cuối cùng ông chốt lại: “Để tiêu diệt IS, cần loại bỏ tổng thống Syria Bashar al-Assad”. Quyết định tấn công sân bay Shayat của Syria - đồng minh then chốt của Nga vào ngày 6/4/2017 đã buộc Nga phải chấm dứt thỏa thuận với Mỹ cùng bảo đảm an toàn cho khí tài bay của 2 nước trong khi hoạt động trên bầu trời Syria. Sự kiện này đã làm tiêu tan hy vọng Mỹ sẽ hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS.
Về quan hệ giữa Mỹ với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Khi là ứng cử viên, Donald Trump tuyên bố: “NATO là một tổ chức đã lỗi thời”. Sau khi trở thành tổng thống, trong cuộc hội đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng hôm 12/4/2017, Donald Trump lại nói: “Tôi từng nói NATO lạc hậu. Nhưng bây giờ họ không còn lạc hậu nữa. Ngài Tổng thư ký NATO và tôi đã có một cuộc thảo luận khá tích cực về những điều mà NATO có thể làm để chống chủ nghĩa khủng bố”
Về sự can thiệp của Mỹ vào chủ quyền của quốc gia khác. Ứng cử viên Donald Trump tuyên bố: “Kỷ nguyên Mỹ can thiệp vào quyền của các quốc gia khác đã kết thúc. Giờ đây nước Mỹ phải tự thay đổi chính mình chứ không phải dính líu vào chuyện của các nước khác”. Sau khi trở thành tổng thống, Donald Trump tuyên bố: “Mỹ đã hết kiên nhẫn chiến lược và sẵn sàng sử dụng giải pháp quân sự để thay đổi chế độ của CHDND Triều Tiên, xem xét khả năng đưa Triều Tiên vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố”.
Ở Syria, Donald Trump tuyên bố không chấp nhận vai trò của tổng thống Bashar al-Assad và sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để thay đổi thể chế chính trị ở Syria. Sau sự kiện mà Mỹ gọi là “vụ tấn công vũ khí hóa học của quân đội Syria”, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson tuyên bố: “Mỹ sẵn sàng trừng phạt bất cứ những kẻ nào phạm tội chống lại dân thường vô tội ở bất cứ nơi nào trên thế giới”. Thậm chí, đại diện thường trực của Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley, tuyên bố: “Mỹ sẽ không từ bỏ vai trò là “lương tâm của thế giới”. LHQ là công cụ hữu hiệu để Mỹ xúc tiến các giá trị của mình trên toàn thế giới” [1].
Do đâu chính quyền Donald Trump lại đảo chiều quan điểm?
Theo giới phân tích chính trị quốc tế, những gì ứng cử viên Donald Trump nói và tuyên bố về quan hệ với Trung Quốc, với Nga, về cuộc chiến chống IS, về chính sách can thiệp của Mỹ, về NATO…là hoàn toàn đúng với thực trạng nước Mỹ và thế giới. Rất nhiều người Mỹ nhận thấy đó là quan điểm khách quan, trung thực và chính vì thế mà các cử tri Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump, hy vọng ông sẽ làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại”. Rõ ràng, Donald Trump chỉ có thể làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại” một khi nhận diện đúng vị thế của nước Mỹ để từ đó đưa ra chính sách đối ngoại đúng hướng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng ứng cử viên Donald Trump là “người ngoại đạo”, không xuất thân từ tầng lớp tinh hoa chính trị nằm trong cái gọi là “nhà nước ngầm”, đang kiểm soát toàn bộ hệ thống chính trị Mỹ. Sở dĩ ứng cử viên Donald Trump đắc cử, một phần quan trọng là vẫn được một số thế lực có ảnh hưởng trong chính giới Mỹ ủng hộ bởi họ cũng có quan điểm tương đồng với ông.
Thế nhưng, sau khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump không thể hành động như một người “ngoại đạo” nữa. Khi bắt đầu được tiếp xúc với những tài liệu tối mật của “nhà nước ngầm”, ông đã phải thốt lên kinh ngạc:“Lẽ nào lại có thể như vậy!”. Có ý kiến nhận định, lúc này dường như Donald Trump đã là người của “nhà nước ngầm”, nhất cử nhất động ông phải hành động theo các quy tắc của những thế lực này, nếu không ông có thể gặp nguy cơ lớn. Cựu tổng thống Mỹ John Kennedy đã từng là một người tuyên chiến với “nhà nước ngầm” và vì thế ông ta đã bị họ loại bỏ ngay lập tức.
Nhiều nguồn tin cho biết, “nhà nước ngầm” này đã từng xây dựng nên mạng lưới khủng bố mang tên Al-Qaeda để chống Liên Xô trong những năm 1980 ở Afghanistan và hiện nay đang lợi dụng khẩu hiệu “chống khủng bố” để chống phá Nga.
Dư luận Nga đã tỏ ra phấn khích và đề cao vai trò cá nhân của Donald Trump trước những tuyên bố của ông trong chiến dịch tranh cử mà không biết rằng, quan hệ Mỹ-Nga không phụ thuộc vào việc ai là chủ nhân Nhà Trắng, mà là phụ thuộc vào chiến lược toàn cầu của “nhà nước ngầm” ở Mỹ nhằm mục tiêu chưa bao giờ thay đổi kể từ trước khi bùng phát Chiến tranh thế giới lần thứ II tới nay là làm tan rã Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Zbigniev Brzezinski, cựu Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời tổng thống Mỹ Jimmy Carter và là chuyên gia nghiên cứu địa chính trị hàng đầu của Mỹ từng nhận định: “Trật tự thế giới mới sau Chiến tranh lạnh sẽ được xây dựng trên các mảnh vỡ từ sự tan rã nước Nga”. Vì thế mà NATO không những không bị giải thể mà còn mở rộng tới sát biên giới Nga [2].
Vừa qua, cựu cố vấn của tổng thống Mỹ Ronald Reagan, ông Paul Craig Roberts, cảnh báo: Mỹ có kế hoạch tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Nga và Trung Quốc. Theo kế hoạch trên, trước hết Washington sẽ ám hại các nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc, sau đó sẽ giáng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu vào hai quốc gia này. Theo tính toán của Lầu Năm Góc, Nga và Trung Quốc sẽ không có khả năng giáng trả hạt nhân nhằm vào Mỹ [3].
Nhận định về phản ứng của bộ máy truyền thông Mỹ về cuộc gặp đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump với Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov vừa qua, chuyên gia phân tích chính trị Nga Dmitry Drobnhiskij chia sẻ quan điểm: “Donald Trump là vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ không thể làm bất cứ điều gì khi chưa được phép của “nhà nước ngầm”. Vì thế, bộ máy truyền thông khổng lồ của Mỹ-công cụ hữu hiệu của “nhà nước ngầm”, ngay lập tức chĩa mũi dùi vào Donald Trump một khi ông Trump “làm trái quy tắc” và cáo buộc ông “chia sẻ tin tức tình báo với Nga”[4].
Về quan hệ với Trung Quốc, “nhà nước ngầm” ở Mỹ đã bắt tay làm ăn với Bắc Kinh từ năm 1972 - thời điểm cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon và cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ký Thông cáo chung Thượng Hải. Vì thế, nếu nói Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1989 sau khi Bức tường Berlin được dỡ bỏ là nói về quan hệ Mỹ-Xô, còn giữa Mỹ và Trung Quốc thì Chiến tranh lạnh đã kết thúc trước đó 17 năm - vào năm 1972.
Từ đó, hai nước hợp tác với nhau và trở thành như mối quan hệ của “hai anh em sinh đôi dính liền thân”: sống chung thì cảm thấy rất khó chịu, nhưng nếu giải phẫu để tách ra thì cả hai có thể khó tồn tại. Vì thế mà Donald Trump không thể phát động “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc mà vẫn phải hợp tác cùng nhau. Đó là chưa kể tới toan tính của “nhà nước ngầm” ở Mỹ, một mặt ve vãn Trung Quốc, mặt khác đối đầu với Nga, để chia rẽ mối quan hệ Trung Quốc-Nga như họ đã từng thành công trong việc chia rẽ quan hệ Trung-Xô trong Chiến tranh lạnh.
Tài liệu tham khảo:
[1] Захарова ответила Хейли, назвавшей США «совестью мира». http://mogol.info/zaxarova-otvetila-xejli-nazvavshej-ssha-sovestyu-mira.html
[2] Алексей ФЕНЕНКО о будущем отношений США и России. https://www.pravda.ru/world/northamerica/usacanada/08-04-2017/1329500-rossija_i_amerika-0/
[3] Paul Craig Roberts warns Washington plans to nuke Russia and China. https://personalliberty.com/paul-craig-roberts-warns-washington-plans-nuke-russia-china/
[4 ] Политолог об ответе Трампа на скандал "с секретами": тут все чисто. https://ria.ru/radio_brief/20170516/1494415897.html