Vì sao Putin thăm Iran lúc này?

Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 23/11, tới thủ đô Iran để tăng cường sự chú ý vào liên minh giữa hai nước ở Syria, sau loạt vụ khủng bố của IS ở Pháp.
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tiếp Tổng thống Putin ở Tehran hồi tháng 10/2007. (Ảnh: Reuters)
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tiếp Tổng thống Putin ở Tehran hồi tháng 10/2007. (Ảnh: Reuters)

Chuyến công du của ông Putin trùng với thời điểm diễn ra một hội nghị quan trọng tại thủ đô Iran giữa các nước xuất khẩu khí đốt. Tuy nhiên, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga với nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nhiều khả năng sẽ là sự kiện chủ đạo.

Chiến sự leo thang ở Syria, nơi Nga yểm trợ Tổng thống Bashar al-Assad chống lại IS bằng các cuộc không kích, đang kéo nước này tiến gần tới Iran, quốc gia cũng ủng hộ các lực lượng trung thành với chính quyền Damascus.

Thêm vào đó, Nga hiện đang nổi lên là một đối tác cung cấp vũ khí lâu dài cho Iran. Việc chuyển giao một hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến S-300, vốn bị trì hoãn đã lâu, dự kiến được Nga hoàn thành vào cuối năm 2015.

Moscow cho biết, thỏa thuận hạt nhân mới đây giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ và Trung Quốc cùng với Đức) sẽ cho phép hợp đồng này được thực hiện.

Yury Ushakov, một trợ tá ngoại giao cấp cao của Tổng thống Nga, cho biết đây là lần đầu tiên ông Putin công du Iran kể từ 2007. Hội đàm sẽ tập trung vào 'các vấn đề về quan hệ song phương, gồm năng lượng nguyên tử, dầu lửa, khí đốt, hợp tác kỹ thuật - quân sự".

Cuộc chiến ở Syria, nơi hơn 250.000 người đã thiệt mạng trong gần 5 năm xung đột, đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tương lai của ông Assad vẫn là một rào cản lớn để các bên liên quan đạt tới một sự đồng thuận.

Mỹ và nhiều nước Ảrập Sunni đòi ông Assad phải từ chức và cáo buộc Nga tấn công cả "quân nổi dậy ôn hòa" ở Syria để yểm trợ cho chính quyền Damascus. Tuy nhiên, Tehran ủng hộ Moscow, khẳng định rằng chính người Syria chứ không phải nước nào khác tự quyết về lãnh đạo của họ trong một cuộc bầu cử tiếp sau một thỏa thuận ngừng bắn.

Hôm 20/11, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cho phép các nước "dùng mọi biện pháp cần thiết" để chống IS, theo một nghị quyết mà Pháp soạn thảo. Văn bản này nhận được sự ủng hộ của tất cả 5 nước thành viên thường trực, trong đó có Nga.

Theo VNN