Vì sao ông Putin điều tướng Lục quân chỉ huy chiến dịch ở Syria?

Một ngày tháng 8/2015, ngay trước khi Nga mở cuộc không kích quy mô lớn ở Syria, Tổng thống Vladimir Putin đã chọn Trung tướng Alexander Dvornikov, 54 tuổi, là người chỉ huy chiến dịch quân sự tại Syria và Iraq.
Trung tướng Alexander Dvornikov, người chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga tại Syria. Ảnh: Debka
Trung tướng Alexander Dvornikov, người chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga tại Syria. Ảnh: Debka

Đó là thông tin mà trang Debka (Israel) dẫn lời các nguồn tin tình báo tiết lộ. Theo đó, quyết định cuối cùng được ông chủ Điện Kremlin đưa ra sau cuộc thảo luận “nóng bỏng” với các quan chức, tướng lĩnh Nga về chủ đề rất được quan tâm: Ai sẽ là người chỉ huy một trong những chiến dịch được xem là bước đi mạnh mẽ nhất dưới thời Tổng thống Putin? 

Tại cuộc họp, nhiều người lên tiếng ủng hộ và tiến cử Trung tướng Victor Nikolaevich Bondarev, Tư lệnh Lực lượng Không quân Vũ trụ - đầu mối mới được thành lập 4 tháng trước đó. Lý do là bởi họ cho rằng, chiến dịch chống khủng bố mà Nga thực hiện tại Syria theo yêu cầu của Tổng thống Bashar al-Assad được thực hiện thông qua các đợt không kích và cần phải đặt dưới sự điều hành của một tướng không quân.

Thế nhưng ông Putin đã bác bỏ luận điểm này và nói rằng những nhân tố ngoại giao, tác chiến mặt đất cũng có vai trò quan trọng ngang với chiến dịch không kích sắp được triển khai. 

Tổng thống Nga chọn tướng Dvornikov – người mà ông gặp gỡ lần đầu 26 năm trước khi hai người từng làm việc ở Berlin, tại thời khắc Liên Xô chuẩn bị sụp đổ. Ông Putin xem Trung tướng này là nhân vật phù hợp với nhiệm vụ mà ông đã mường tượng trong đầu.

 Ông chủ Điện Kremlin đã từng chứng kiến bản lĩnh, kinh nghiệm trận mạc dày dạn của ông Dvorinkov – người lúc đó mới mang hàm đại tá và là sư đoàn trưởng bộ binh cơ giới, trong cuộc chiến chống lại các nhóm hồi giáo cực đoan ở bắc Caucasus giai đoạn 2000-2003.

Ở cương vị mới được lựa chọn, tướng Dvornikov được quyền lãnh đạo hai sở chỉ huy của Nga đặt tại Damascus và Baghdad, được điều hành bởi cùng một Phòng Tác chiến. 

Ở Damascus, Tư lệnh quân đội Nga tại Syria có 3 đối tác chính: Tham mưu trưởng Quân đội Syria Abdullah Ayyoub, Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Iran tại Syria Key Parvar và Tư lệnh quân Hezbollah ở Syria Mostafa Bader el-Din. Trước khi biến mất một cách bí ẩn hồi tháng 11/2015, tướng Qassem Soleimani – Tư lệnh quân  đội Iran tại Iraq và Syria là người thường xuyên có mặt tại các cuộc hội họp ở Sở chỉ huy. 

Hai Trung tâm chỉ huy này được điều phối hoàn toàn thống nhất, dưới quyền điều hành của tướng Dvornikov, người được cập nhật tình hình liên tục và chịu trách nhiệm ra quyết định 24 giờ trong ngày. Đó là một cương vị uy quyền, nhưng cũng rất nhạy cảm về ngoại giao vì phải hài hòa giữa lợi ích của Nga với đồng minh chưa hẳn là đã “bằng mặt, bằng lòng” trên mọi vấn đề. 

Chính quyền Saudi Arabia, người chống lưng, cung cấp vũ khí, tài chính cho nhiều nhóm đối lập Syria, xem vị tướng người Nga này là người cản đường lớn nhất cho các toan tính và lợi ích của Riyadh tại Syria, bởi ông là người quyết tâm đánh bại các lực lượng cực đoan ở Syria, dù là khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay các nhóm thánh chiến được bên ngoài hậu thuẫn. 

Máy bay chiến đấu Su-24 của Nga tại căn cứ quân sự Hmeymim, Syria ngày 21/10/2015. Ảnh: THX/ TTXVN
Máy bay chiến đấu Su-24 của Nga tại căn cứ quân sự Hmeymim, Syria ngày 21/10/2015. Ảnh: THX/ TTXVN

Sau khi thủ lĩnh cấp cao Hezbollah Samir Quntar bị ám sát hôm 20/12 vừa qua tại Syria, Saudi Arabia cho tiết lộ thông tin trên báo giới việc tướng Dvornikov không được phép bước vào phòng điều hành tác chiến của Iran ở Damascus để chia buồn về cái chết của một trong những “điệp viên” hàng đầu của Iran. 

Tehran bực bội trước việc Tư lệnh người Nga đã làm ngơ để máy bay chiến đấu của Israel mặc nhiên phóng tên lửa, đánh trúng nơi ẩn náu bí mật của Quntar ở Damascus.

Vụ việc này cho thấy, công việc ông Drvornikov tại Damascus không hề đơn giản, vì có nhiều lúc Trung tướng người Nga phải thực thi các nhiệm vụ tựa như “bước trên vỏ trứng”: Vừa phải điều phối hoạt động quân sự với Iran và Hezbollah, nhưng cũng lại phải tuân thủ nhận thức chung mà ông Putin và Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đạt được trước khi Moskva mở chiến dịch quân sự tại Syria. 

Cụ thể hơn, đó là việc ông Netanyahu tuyên bố sẽ không làm ngơ trước mối đe dọa an ninh quốc gia đến từ Syria, đặc biệt là các hoạt động vận chuyển vũ khí, âm mưu tấn công nhằm vào Israel của nhóm Hezbollah. 

Hoài Thanh - Theo Debka, TTXVN