Vì sao Mỹ, Nga sẽ không thể “đồng tâm” giải quyết vấn đề Syria

Theo giới phân tích, nếu như Nga và Mỹ đồng tâm bắt tay giải quyết vấn đề xung đột Syria thì đây sẽ là hướng đi vô cùng quan trọng để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay đối với các nước châu Âu. Song, dường như đó là điều "không tưởng".
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria al-Assad
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria al-Assad

Nga và Mỹ dù tuyên bố đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập một kênh liên lạc để tránh xảy ra đụng độ giữa không quân hai nước trên không phận Syria nhưng theo giới phân tích, khả năng Nga và Mỹ sẽ thành lập được một liên minh để cùng nhau bắt tay giải quyết xung đột Syria là điều “không tưởng”.

Thông tin về việc Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận thiết lập kênh liên lạc trực tiếp để tránh xảy ra đụng độ giữa không quân hai nước trong quá trình tác chiến ở Syria đến cùng với thời điểm Tổng thống Nga Putin đón tiếp Tổng thống Syria tại Moscow khi ông này bí mật đến thủ đô nước Nga.

Theo giới phân tích, nếu như Nga và Mỹ đồng tâm bắt tay giải quyết vấn đề xung đột Syria thì đây có thể sẽ là hướng đi vô cùng quan trọng để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay đối với các nước châu Âu.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích Ingo Mannteufel thuộc tạp chí Deutsche Welle của Đức, viễn cảnh trên rất khó có thể được hiện thực hóa vì đối với cả Nga và Mỹ, giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu không phải là ưu tiên của họ. Vấn đề được Nga và Mỹ quan tâm hơn cả là bảo vệ các lợi ích chiến lược của họ tại Trung Đông.

Đối với Nga, nước này muốn tận dụng sự thành công trong chiến dịch không kích vào các vị trí IS tại Syria để dư luận không chú ý đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của Nga. Trong chính sách đối ngoại của mình tại Trung Đông, Nga đang “đặt cược” vào chế độ của ông al-Assad ở Syria nên bằng mọi giá, Nga sẽ bảo vệ chế độ này.

Việc lần đầu tiên ông al-Assad ra nước ngoài sau khi bắt đầu cuộc nội chiến năm 2011 và được đích thân ông Putin đón tiếp tại Moscow là tín hiệu rõ ràng nhất cho chính sách này của Điện Kremlin. Do đó, “thật ngây thơ khi nghĩ rằng ông Putin sẽ từ bỏ ủng hộ ông al-Assad”- Ingo Mannteufel nhận định.

Tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích của mình ở Trung Đông, Nga sẽ không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ chế độ al-Assad ở Syria. Moscow hầu như đã kết nối được với “trục Hồi giáo dòng Shiite” ở khu vực này (gồm Iran, Iraq, Syria và lực lượng Hezbollah) để chống lại lực lượng Hồi giáo dòng Sunni (gồm các nước ở khu vực vịnh Persic và phần lãnh thổ Iraq, Syria do IS kiểm soát).

Không chỉ chính sách đối ngoại của Nga mà cả chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông hiện cũng không được đánh giá một cách chính xác. Giới phân tích, theo “truyền thống” được hình thành trong vài thập kỷ trở lại đây, thường cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện quân sự một cách tích cực trong khu vực này. Nhưng chiến lược đối với khu vực Trung Đông của Mỹ dưới thời ông Obama lại không đi theo “quỹ đạo” này.

Nhà phân tích Ingo Mannteufel thuộc tạp chí Deutsche Welle của Đức,
Nhà phân tích Ingo Mannteufel thuộc tạp chí Deutsche Welle của Đức,

Chính sách của Mỹ đối với Syria là chính sách đã được đúc rút từ những chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ ở Afghanistan, Iraq, Libya và từ sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận trong nước. Do đó, chính sách đối với Trung Đông của ông Obama đã được xem xét lại và nó hướng đến đảm bảo các lợi ích quốc gia quan trọng nhất của Mỹ là đảm bảo an ninh cho Israel, trước hết là ngăn chặn các đòn tấn công hạt nhân Israel từ phía Iran (Hiệp ước về chương trình hạt nhân Iran ký hồi mùa hè năm 2014 chính là nhằm mục đích này).

Xuất phát từ bối cảnh này, vai trò của Arab Saudi đối với Mỹ không còn quan trọng như trước. Hơn nữa, nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến, Mỹ lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng dầu khí những năm 1970 đã có thể tự đảm bảo an ninh năng lượng của mình mà không phải phụ thuộc vào Arab Saudi.

Tất cả những yếu tố này là nền tảng để Mỹ thực hiện một chính sách ở Trung Đông một cách kiềm chế hơn chứ không phải Mỹ đang thực hiện một chính sách một cách “thiếu quyết tâm và yếu đuối” ở khu vực này. Chính vì vậy, sự tích cực của Mỹ trong giải quyết vấn đề Syria sẽ ngày càng giảm xuống trong thời gian tới.

Xuất phát từ các phân tích trên, ông Ingo Mannteufel cho rằng một liên minh Mỹ-Nga để giải quyết cuộc xung đột Syria là điều “không tưởng”. Một kịch bản khác hoàn toàn có thể xảy ra là Mỹ sẽ giảm dần và chấm dứt các chiến dịch quân sự tại Syria, trong khi đó, Nga cần cảnh giác để không bị “sa lầy” vào cuộc chiến tôn giáo giữa Hồi giáo dòng Shiite với dòng Sunni.

Theo Expert, Infonet