Các ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm Văn phòng công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã kết thúc cuộc Đối thoại chiến lược cấp cao Mỹ - Trung lần đầu tiên dưới thời chính quyền Joe Biden mà không đạt được bất cứ kết quả nào.
Hãng CNN ngày 20/3 đưa tin, giới phân tích cho rằng, xung đột ngoại giao căng thẳng và không bình thường giữa các quan chức cấp cao Trung Quốc và Mỹ ngày 18 cho thấy chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn và mối quan hệ giữa hai nước sẽ không dễ dàng hoặc nhanh chóng cải thiện và sẽ càng trở nên khó kiểm soát hơn.
CNN chỉ ra rằng màn dạo đầu thường rất buồn tẻ của một hội nghị ngoại giao đã nhanh chóng mất kiểm soát, một phần là do kỳ vọng của hai bên không phù hợp và các bài phát biểu của cả hai bên cũng có ý nghĩa đối với khán giả trong nước không kém với đối phương.
Các phóng viên chứng kiến toàn bộ quá trình 90 phút "giao tranh" giữa các quan chức cấp cao hai nước (Ảnh: newtalk). |
Theo CNN, chính quyền Joe Biden hy vọng duy trì lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và không mấy khả năng muốn làm dịu quan hệ với Trung Quốc. Bởi vì phe cứng rắn với Trung Quốc trong Quốc hội Mỹ sẵn sàng chỉ trích bất kỳ dấu hiệu mềm yếu nào trước Trung Quốc trong chính quyền Biden. Đồng thời, phía chính phủ Trung Quốc cũng dự định gửi đi một tín hiệu rằng họ không bị Mỹ đe dọa, cũng như không bị ảnh hưởng bởi vị thế lãnh đạo toàn cầu mà Mỹ tuyên bố.
Cailin Birch, nhà kinh tế học toàn cầu tại tổ chức tư vấn Economist Intelligence Unit (EIU), cho biết: “Chúng tôi không mong đợi sẽ thấy bất kỳ cuộc đối thoại thực chất nào trong cuộc họp này, vì vậy họ không làm chúng tôi ngạc nhiên về điều đã diễn ra. Nhưng thực tế mọi thứ đã sụp đổ quá nhanh chóng, khiến người ta ngỡ ngàng”.
Hai quan chức Mỹ đã đề cập đến một loạt vấn đề, nhưng bài phát biểu của họ dành cho cả khán giả Trung Quốc và trong nước Mỹ. Cailin Birch nói: "Nhiều nội dung có thể dành cho khán giả trong nước. Tất nhiên, một số nội dung dành cho khán giả Mỹ, và một số dành cho khán giả Trung Quốc”.
Ông Jake Sullivan mạnh mẽ phê phán Trung Quốc (Ảnh: AP). |
Về bài phát biểu gay gắt của ông Dương Khiết Trì, Cailin Birch nói: "Điều này để thể hiện rằng người Trung Quốc không bị đe dọa. Đây cũng là một dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng - Trung Quốc thể hiện rõ rằng họ sẽ không tuân thủ các quy tắc”.
Một trợ lý cấp cao của Đảng Cộng hòa ám chỉ rằng các ông Blincken và Sullivan có thể biết rằng các nhà lập pháp cũng đang theo dõi cuộc đối thoại. Lúc này bọn họ không thể nhượng bộ, chỉ có thể cứng rắn. Trung Quốc hiện là vấn đề địa chính trị lớn nhất, đặc biệt là đối với chính sách đối ngoại của Quốc hội Hoa Kỳ.
Một yếu tố khác gây ra xích mích là hai bên có kỳ vọng rất khác nhau về cuộc gặp. Cailin Birch nói: "Trung Quốc hy vọng sẽ tái khởi động quan hệ, ít nhất là về mặt lý thuyết, họ hy vọng tổ chức một cuộc họp mang tính nhập đề nhẹ nhàng để thiết lập cơ sở. Rõ ràng, khả năng này đã tiêu tan vì lời lẽ của ông Blinken. Phái đoàn Mỹ đến đây để thảo luận về các vấn đề thực sự nhạy cảm của Trung Quốc - hồ sơ nhân quyền và tham vọng lãnh thổ".
Ông Dương Khiết Trì gay gắt chỉ trích Mỹ (Ảnh: AP). |
Trong phần phát biểu khai mạc cuộc họp đầu tiên vào ngày 18/3, cả 4 ông Dương Khiết Trì, Vương Nghị, Blinken và Sullivan đã đấu khẩu dữ dội trước ống kính của các phương tiện truyền thông toàn cầu. Ban đầu màn phát biểu khai mạc vốn chỉ định dăm phút, nhưng do hai bên lời qua tiếng lại nên đã kéo dài tới 90 phút.
Ngày 19/3, sau khi tất cả các cuộc hội đàm kết thúc. Ông Blinken nói với giới truyền thông rằng trước khi đối thoại, Mỹ biết rất rõ rằng hai bên có những bất đồng cơ bản trong một số lĩnh vực và ông không ngạc nhiên trước phản ứng cứng rắn của Trung Quốc. Blinken nói: “Không có gì ngạc nhiên khi đề cập đến các vấn đề này một cách rõ ràng và trực tiếp, chúng tôi đã nhận được sự phản đối, nhưng chúng tôi cũng có nhiều giờ trò chuyện rất thẳng thắn về một chương trình nghị sự rộng lớn”.
Khi được giới truyền thông phỏng vấn, ông Dương Khiết Trì cũng chỉ ra rằng cuộc đối thoại này là có ích và sẽ giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Hai bên còn có những bất đồng quan trọng về một số vấn đề.
Đoàn Trung Quốc rời phòng họp, không trả lời các phóng viên (Ảnh: AP). |
Trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 21/3 đăng bài phân tích viết, ba vòng (phiên họp) của cuộc gặp cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ ở Alaska đều đã kết thúc. Vòng thứ hai và thứ ba là đàm phán kín, vòng đàm phán công khai đầu tiên thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Hiện tại, sôi nổi nhất trong dư luận vẫn là hoạt động và lời lẽ của hai bên trong vòng hội đàm đầu tiên.
8 phút phát biểu khai mạc theo dự kiến ban đầu của vòng đàm phán đầu tiên đã biến thành hơn 90 phút đấu khẩu với áp lực ngày càng gia tăng, được truyền trực tiếp trên các phương tiện truyền thông. Đây thực sự là một tai nạn ngoài dự kiến của cả hai bên.
Quy trình thông thường của loại cuộc họp này như sau: cả hai bên sẽ vào phòng họp và mỗi bên sẽ có một phát biểu tuyên bố khai mạc. Các phóng viên báo đài có mặt tại thời điểm này và thường sẽ được mời ra ngoài sau khi chụp ảnh ghi hình xong phần này. Sau khi phóng viên rời đi, hai bên sẽ đóng cửa hội đàm kín; kết thúc tất cả các vòng hội đàm sẽ có họp báo chung, có thể công bố tuyên bố chung nếu có.
Hai ông Dương Khiết Trì (phải) và Vương Nghị gặp riêng các phóng viên Trung Quốc sau khi kết thúc đối thoại (Ảnh: AP). |
Mở đầu vòng đàm phán đầu tiên, đại diện Mỹ với tư cách chủ nhà phát biểu trước. Theo băng ghi hình, ông Blinken nói 2 phút 27 giây, ông Sullivan nói 2 phút 17 giây; sau đó ông Dương Khiết Trì có bài phát biểu dài 16 phút 14 giây, ông Vương Nghị nói 4 phút 09 giây. Phía Mỹ cảm thấy rõ ràng các bài phát biểu dài dòng của Trung Quốc có ý gì đó và không muốn chịu nhận thất bại trước truyền thông, vì vậy ông Blinken yêu cầu các phóng viên ở lại và phát biểu bổ sung về lập trường của Mỹ.
Sau bài phát biểu bổ sung của ông Blinken, phía Trung Quốc cũng có thêm phát biểu bổ sung. Màn phát biểu khai mạc giới thiệu đã trở thành một cuộc đấu khẩu ăn miếng trả miếng, không bên nào muốn thể hiện một chút nhượng bộ trước mặt giới truyền thông, quyết không nhân nhượng nhau từ độ dài của bài phát biểu đến số lần phát biểu.
Xét về nội dung, ông Blinken đã đưa ra lời chỉ trích toàn diện về các vấn đề đối nội và đối ngoại của Trung Quốc trong phát biểu khai mạc của mình. Điều này cũng không mấy khi thấy trong các cuộc đàm phán song phương thông thường, không khó để thấy rằng ông Blinken đang phải chịu áp lực chống Trung Quốc phổ biến hiện nay từ Washington, phải thể hiện trong những trường hợp liên quan. Điều này cũng phản ánh bầu không khí “chính trị đúng đắn chống Trung Quốc” hình thành từ thời chính quyền Donald Trump đã không thay đổi đáng kể dù Nhà Trắng đã đổi chủ.
So với Mỹ, áp lực trong nước đối với các nhà đàm phán Trung Quốc cũng không hề nhẹ hơn. Kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 vào năm ngoái, Washington dưới sự phê phán chỉ trích không hạn chế của ông Trump và những cáo buộc đối với Trung Quốc đã khiến thiện cảm của dư luận chính thống của Trung Quốc đối với Mỹ hiện xuống mức thấp kỷ lục. Trong tình huống gần như "toàn dân tiêu cực đối với Mỹ" này, cộng với việc ông Blinken "đổ thêm dầu vào lửa" trong bài phát biểu, phái đoàn Trung Quốc về cơ bản không có chỗ cho sự nhượng bộ.
Hai ông Antony Blinken và Jake Sullivan trả lời báo chí sau khi kết thúc cuộc Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung (Ảnh: AP). |
Kết quả là sự chỉ trích của các ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị đối với Mỹ đã nâng lên một tầm cao mới. "Phía Trung Quốc không chấp nhận kiểu này" và "những tật xấu cũ của Mỹ cần phải được thay đổi"... một loạt những lời lẽ cứng rắn khiến Mỹ rất ngạc nhiên. Không thể tránh khỏi một cuộc cãi vã tuân theo các nguyên tắc "chính trị đúng đắn" của mỗi bên đã dần leo thang, để rồi cuối cùng phát triển thành một "đại hội phê phán lẫn nhau" công khai trước giới truyền thông toàn bộ quá trình.
Đa Chiều cho rằng, tuy nhiên, xét cho cùng đây là một tai nạn và quan hệ Trung - Mỹ trong tương lai chắc chắn sẽ không rơi vào xung đột không thể kiểm soát vì những tai nạn như vậy.
Cần lưu ý rằng vòng đàm phán kín thứ hai và thứ ba mới là cốt lõi của cuộc Đối thoại Trung - Mỹ. Vòng đàm phán công khai đầu tiên là một màn trình diễn đúng đắn về mặt chính trị mà cả Trung Quốc và Mỹ để lại cho công chúng rằng: những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia là không thể nhượng bộ.