Kết thúc buổi họp đầu tiên Đối thoại Mỹ - Trung: Bắc Kinh phê Washington không biết cách tiếp khách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc và Mỹ ngày 18/3 đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên tại Anchorage, Alaska, Mỹ, nhưng tranh chấp hiếm thấy đã xảy ra ngay trong phần phát biểu khai mạc của hai bên.
Phien khai mạc cuộc Đối thoại chiến lược cấp cao Mỹ - Trung kết thúc trong cãi vã (Ảnh: Reuters).
Phien khai mạc cuộc Đối thoại chiến lược cấp cao Mỹ - Trung kết thúc trong cãi vã (Ảnh: Reuters).

Theo trang tin Quancha của Trung Quốc, khi phía Mỹ phát biểu thêm họ giữ các phóng viên ở lại trong phòng, còn khi phía Trung Quốc muốn phát biểu thêm thì phóng viên bị yêu cầu ra ngoài. Phía Trung Quốc đã phản ứng về vụ việc: “Phát biểu khai mạc của phía Hoa Kỳ quá giờ nghiêm trọng không phải là phép đối xử với khách và cũng không phù hợp với nghi thức ngoại giao”.

Hai bên đã cực lực lên án chính sách của nhau ngay khi phát biểu khai mạc cuộc gặp, công khai thể hiện quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước khi bước vào hội đàm, các quan chức Mỹ nói rằng nếu Trung Quốc muốn thiết lập lại quan hệ thì cần phải thay đổi hành vi của mình; nhưng Bắc Kinh cho rằng nếu Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ thỏa hiệp thì đó là ảo tưởng.

Đoàn Trung Quốc tiến vào phòng họp, ông Vương Nghị giơ tay chào các phóng viên (Ảnh: Guancha).

Đoàn Trung Quốc tiến vào phòng họp, ông Vương Nghị giơ tay chào các phóng viên (Ảnh: Guancha).

Hãng tin Anh Reuters đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan đã phát biểu khai mạc trước ống kính các phóng viên. Ông Blinken thẳng thắn tuyên bố trước giới truyền thông: "Chúng tôi sẽ thảo luận về các hành vi của Trung Quốc đang được quan tâm sâu sắc, bao gồm các vấn đề Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Mỹ và cưỡng bức kinh tế đối với các đồng minh của Mỹ”. Ông nói: “Các hành động này đều đe dọa đến việc duy trì sự ổn định toàn cầu và trật tự dựa trên luật lệ".

Ông Sullivan nói rằng Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, nhưng sẽ tuân thủ các nguyên tắc của mình và bảo vệ các đồng minh của mình. Ông ca ngợi việc hạ cánh thành công gần đây của tàu thăm dò Sao Hỏa của Mỹ và nói rằng thành công của Mỹ nằm ở khả năng liên tục định hình lại bản thân.

Trong khi Mỹ còn chờ thông dịch viên, ông Dương Khiết Trì đã lập tức có bài phát biểu dài 15 phút bằng tiếng Trung Quốc, chỉ trích nền dân chủ Mỹ và hành vi thô bạo đối với người thiểu số.

Đoàn Trung Quốc tại phiên khai mạc (Ảnh: Reuters).

Đoàn Trung Quốc tại phiên khai mạc (Ảnh: Reuters).

Dương Khiết Trì nói: "Mỹ lợi dụng sức mạnh quân sự và quyền bá chủ tài chính của mình để thực hiện nối dài quyền quản chế và áp chế các nước khác; Mỹ cũng đã lạm dụng cái gọi là khái niệm an ninh quốc gia để cản trở trao đổi thương mại bình thường và xúi giục một số nước tấn công Trung Quốc”.

Dương Khiết Trì cũng nhấn mạnh, Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan là những bộ phận không thể chia cắt của lãnh thổ Trung Quốc, kiên quyết phản đối Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Theo tường thuật của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), trước các phóng viên, hai ông Antony Blinken và Sullivan phát biểu khai mạc (opening statements) mất 10 phút. Tiếp đó ông Dương Khiết Trì nêu quan điểm liên quan của phía Trung Quốc trong phát biểu khai mạc đối thoại chiến lược cấp cao Trung - Mỹ: "Chúng tôi hy vọng rằng cuộc đối thoại này sẽ chân thành và thẳng thắn."

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng trong những năm qua, quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc bị đàn áp một cách vô lý, quan hệ Trung - Mỹ gặp khó khăn nghiêm trọng chưa từng có, tình hình này đã làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân hai nước, làm tổn hại đến sự ổn định và phát triển của thế giới, không nên tiếp tục nữa.

Đoàn Mỹ tại phiên khai mạc cuộc Đối thoại (Ảnh: Reuters).

Đoàn Mỹ tại phiên khai mạc cuộc Đối thoại (Ảnh: Reuters).

Lẽ ra sau khi những phát biểu sau đó của Ngoại trương Vương Nghị thì “màn chào sân” này kết thúc, nhưng phía Mỹ đã lấy cớ “Trung Quốc phát biểu quá dài”, yêu cầu được phát biểu bổ sung.

Trang Guancha dẫn mô tả của mạng tin tức Politico: "Khi các phóng viên đang được nhân viên lễ tân hướng dẫn đưa ra ngoài, các quan chức Mỹ đã vẫy tay gọi các phóng viên ở lại để nghe các nhà ngoại giao Mỹ có bài phát biểu bổ sung".

"Xin vui lòng chờ một lát", ông Blinken nói, "Thưa Chủ nhiệm Dương và Ngoại trưởng Vương, do các vị phát biểu thời gian vượt quá mức quy định, vui lòng cho phép tôi nói thêm vài lời trước khi tiến hành bước tiếp theo".

Theo đoạn video trực tiếp do CNN công bố, ông Sullivan tháo khẩu trang và liên tục làm động tác ra hiệu "quay lại" với các phóng viên, lẩm bẩm điều gì đó. Ông Blinken cũng nhìn về hướng các phóng viên, động tác cơ thể có vẻ nôn nóng.

Các quan chức Mỹ gọi các phóng viên ở lại (Ảnh: CNN/Guancha).

Các quan chức Mỹ gọi các phóng viên ở lại (Ảnh: CNN/Guancha).

Theo bài trên Twitter của phóng viên ngoại giao và quốc phòng Nick Schifrin của hãng PBS, hai ông Blinken và Sullivan lần lượt phát biểu bổ sung.

Sullivan nói, “Một quốc gia tự tin có thể nghiêm túc đối mặt với những thiếu sót của mình và tìm kiếm tiến bộ mọi lúc”, dường như đang đáp lại các vấn đề nhân quyền của Mỹ mà phía Trung Quốc đưa ra.

Sau phát biểu của ông Sullivan, Trung Quốc cũng muốn có phát biểu bổ sung theo nghi thức ngoại giao có đi có lại, nhưng phía Mỹ đã ngăn cản.

Theo bài viết của Kasım İleri, phóng viên Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ, khi phía Trung Quốc muốn đưa ra tuyên bố bổ sung, phía Mỹ muốn "đuổi giới truyền thông ra ngoài". Phía Trung Quốc liền phê phán "như thế không công bằng" và kiên trì yêu cầu được phát biểu bổ sung trên cơ sở đối đẳng.

Phóng viên Nick Shifflin của PBS cũng xác nhận điều này trên Twitter: “Các phóng viên buộc phải rời đi (pool is forced to leave) lúc 18h25 chiều theo giờ bờ Tây. Các nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng như thế là chơi không đẹp. Ông Dương Khiết Trì phản ứng rất cao tay. Ông không chỉ chỉ trích tuyên bố của Mỹ là ‘trịch thượng và tỏ ra chiếm ưu thế’, mà còn nói rằng việc đuổi giới truyền thông ‘chứng tỏ Mỹ không ủng hộ nền dân chủ’, Trung Quốc yêu cầu để giới truyền thông ở lại phòng họp”.

Ông Dương Khiết Trì vung tay khi phát biểu (Ảnh: DJY).

Ông Dương Khiết Trì vung tay khi phát biểu (Ảnh: DJY).

Theo mạng tin Politico, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden khi đó đã đem "nghi thức ngoại giao" ra, chỉ trích Trung Quốc "vi phạm nghi thức ngoại giao và vi phạm quy định về độ dài phát biểu hai phút mỗi người". Nhưng ông này không đề cập đến việc khi phía Mỹ tuyên bố khai mạc cũng đã quá mức thời gian quy định.

CCTV sau đó đưa tin nói: “Trung Quốc đã được mời đến Anchorage với sự chân thành để tiến hành đối thoại chiến lược với Mỹ và sẵn sàng tiến hành đối thoại theo các thủ tục và thỏa thuận mà hai bên đã thống nhất từ ​​trước. Tuy nhiên, phía Mỹ đã có các phát biểu mở đầu đầu tiên của mình quá giờ và chỉ trích Trung Quốc, tấn công vô lý vào các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc, gây nên tranh chấp. Đây không phải là một cách đãi khách, cũng không phù hợp với nghi thức ngoại giao. Trung Quốc đã nghiêm khắc đáp trả”.

Đối thoại chiến lược cấp cao Trung - Mỹ được cả thế giới chú ý được tổ chức tại Anchorage, Alaska vào hai ngày 18 và 19 giờ địa phương. Đây là cuộc tiếp xúc mặt đối mặt đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.

Tuy nhiên, trước thềm đối thoại, Mỹ liên tiếp có các động tác, không chỉ thăm các nước xung quanh Trung Quốc, mà còn trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông, điều này dường như cố tình tạo ra một bầu không khí tiêu cực cho cuộc đối thoại này.

Ông Sullivan phát biểu tại phiên khai mạc (Ảnh: Reuters).

Ông Sullivan phát biểu tại phiên khai mạc (Ảnh: Reuters).

Theo thông tin của ​​CCTV, vào khoảng 17h địa phương ngày 18/3, cuộc họp đầu tiên của cuộc Đối thoại chiến lược cấp cao Trung - Mỹ chính thức kết thúc. Đoàn đại biểu Trung Quốc đã rời khỏi địa điểm và trở về khách sạn nơi họ ở. Theo thỏa thuận giữa hai bên, Đối thoại chiến lược cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tổ chức tổng cộng 3 cuộc họp trong hai ngày 18 và 19/3 theo giờ địa phương.

Một điều được giới truyền thông lưu ý, trên bàn hội nghị ngoài việc không đạt được sự đồng thuận, thậm chí không có bất cứ đồ ăn gì. Trang tin chính trị Mỹ Politico dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết do cân nhắc phòng chống dịch bệnh, các quan chức Trung Quốc và Mỹ sẽ không dùng bữa cùng nhau sau ngày đầu tiên của cuộc họp; các quan chức Trung Quốc cũng tỏ ra không hài lòng với việc bị xét nghiệm SARS-CoV-2 trước cuộc họp.