Như khá nhiều bài báo trên chuyên mục thể thao của VietTimes chúng tôi đã đề cập, có thể Xuân Trường và Công Phượng chưa thành công ở Buriram United (Thái Lan), Công Phượng sang Incheon United (Hàn Quốc) nhưng xuất khẩu cầu thủ vẫn là hướng đi mà bóng đá Việt Nam cần làm. Có chăng là làm như thế nào để thành công, nhất là Công Phượng đã 2 lần ra đi rồi lại phải quay về.
Phượng đi, Trường về
Xuân Trường rời Buriram United (Thái Lan) và nhanh chóng được bổ sung vào hàng tiền vệ của HAGL. Thực ra, cùng thi đấu ở hàng tiền vệ, đá vị trí tiền vệ trung tâm nhưng Tuấn Anh sở hữu những đường chuyền dài thì Xuân Trường thi đấu gần khung thành hơn.
Công Phượng lại đi nhưng Xuân Trường đã về với Phố Núi thân yêu (ảnh CLB HAGL)
|
Sở trường của cầu thủ gốc Tuyên quang này là các đường chuyền sáng tạo, bất ngờ ở đoạn ngắn và những cú đá phạt thần sầu. Đây là những miếng đánh HAGL rất cần trong giai đoạn lượt về V.League 2019.
Trong khi đó, Văn Toàn khi thay chân Công Phượng đang làm rất tốt cả 3 khâu khâu ghi bàn, kiến tạo, quấy rối với tốc độ đi bóng đáng kinh ngạc.
Sau lượt đi, Văn Toàn với 5 bàn thắng đã lột xác, cùng với Hà Minh Tuấn (Quảng Nam), Hải Huy (Quảng Ninh) là cầu thủ nội hay nhất V.League 2019.
3 trong 7 bàn thắng của Walsh Chevaughn đến từ sự phối hợp với Văn Toàn. Nhìn chung, cùng với sự thay đổi HLV trưởng thì lối đá của đội bóng phố Núi có vẻ như cân bằng hơn giữa tấn công và phòng ngự. Tốc độ đi bóng nhanh hơn, một sự chuyển biến lớn của HAGL dù họ vẫn chỉ đứng thứ 10 BXH và cơ hội có huy chương gần như đã chấm dứt.
Như vậy Công Phượng tiếp tục xuất ngoại sẽ tốt hơn là trở về sân Plei-ku, cả về phương diện cá nhân lẫn tập thể. Bầu Đức vẫn kiên định việc đưa “những đứa con của phố Núi” ra nước ngoài thi đấu để nâng cao trình độ, đảm bảo vị trí chắc trên đội tuyển.
Với những phân tích như trên thì khi có cơ hội CP10 lại khoác ba lô sang châu Âu để Văn Toàn, Tuấn Anh, Minh Vương, Hồng Duy…sớm thoát khỏi cái bóng quá lớn của Công Phượng.
Thực ra, nếu tìm được CLB phù hợp thì có lẽ Xuân Trường cũng không về lại HAGL, hay nói chính xác rất có thể Xuân Trường cũng chỉ tạm trú chân tại sân Plei-ku một thời gian.
Vì sao lại là CLB Sint-Truiden?
Có điều tại sao lại chọn là CLB Sint-Truiden thuộc giải VĐQG Bỉ Jupiler Pro League chứ không phải các đội bóng hạng 2 Pháp như tin đồn?. Có vẻ như lần này bầu Đức và ban tham mưu của HAGL đã chuẩn bị kỹ hơn rất nhiều, cân nhắc, tính toán đủ bề.
CLB Sint-Truiden mà CP10 sang thi đấu năm ngoái đứng thứ 7 trên bảng xếp hạng Jupiler Pro League (ảnh VietTimes)
|
Đơn giản CLB Sint-Truiden năm ngoái chỉ đứng thứ 7 trên bảng xếp hạng Jupiler Pro League, áp lực thành tích ít hơn 2 đội bóng hạng nhì Pháp mà VietTimes đã đề cập.
Thứ nữa, Công Phượng được mời để thay thế tiền đạo người Nhật là Kamada do hết hạn hợp đồng cho mượn.
Do CLB Sint-Truiden hiện thuộc quyền sở hữu của ông chủ người Nhật Bản nên đội bóng có đến 5 cầu thủ người Nhật: Yohan Boli, Nazon, Kosuke, Janssens và Kamada vừa về nước.
Theo quan sát của chúng tôi Kamada cũng đá ở vị trí trung phong cắm hoặc hộ công trong sơ đồ 3 hậu vệ mà đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park Hang-seo thường áp dụng. Việc đội bóng có đến 5 cầu thủ châu Á cũng là điều mà bầu Đức và các chuyên gia bóng đá HAGL cân nhắc kỹ. Bởi ngoài sinh hoạt thì lối đá trên sân cũng có những nét tương đồng, dễ hòa nhập hơn rất nhiều.
Việc Sint-Truiden áp dụng lối đá la-tinh, ban chuyền ngắn, sệt sẽ giúp cho Công Phượng không mất thời gian làm quen. Kinh nghiệm cho thấy với những đội sử dụng nhiều đường chuyền dài, bổng như Incheon United (Hàn Quốc) thì thể lực, tầm vóc như Công Phượng luôn luôn gặp bất lợi.
Sự kỳ vọng lớn
Tờ Walfoot của Bỉ viết: "Công Phượng chính là 'Messi của Việt Nam. Anh ta năm nay 24 tuổi và là tài năng số 1 của bóng đá Việt Nam. Công Phượng thuộc biên chế HAGL và được cho mượn đến Incheon từ đầu mùa. Tiền đạo này là một phần không thể thiếu của ĐT Việt Nam, khi ghi được 8 bàn thắng sau 33 lần khoác áo ĐTQG”.
“Công Phượng được HAGL nhắm đến chơi ở Pháp, tuy nhiên báo chí Nhật Bản khẳng định anh ta đã ký hợp đồng với Sint-Truidense VV. Công Phượng sẽ trở thành cầu thủ đầu tiên thi đấu tại Bỉ và giúp quảng bá giải đấu của chúng ta tại Đông Nam Á".
Tờ Walfoot của Bỉ viết: "Công Phượng chính là 'Messi của Việt Nam.Anh ta năm nay 24 tuổi và là tài năng số 1 của bóng đá Việt Nam.
|
Thi đấu ở nước ngoài, chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với bất cứ cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nào chứ không chỉ riêng với Công Phượng. Những ngày đầu tiên bao giờ các cầu thủ cũng được chào đón bằng những lời có cánh nhưng nếu không có bàn thắng thì “Messi của Việt Nam” cũng sẽ bị chìm ngay vào lãng quên.
24 tuổi nhưng đã 2 lần xuất ngoại, cơ hội không còn nhiều cho chàng trai xứ Nghệ. Hy vọng Công Phượng sẽ nắm bắt cơ hội mới này để tạo dựng thương hiệu cá nhân và bóng đá Việt Nam.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu