Giờ đây, sau khi Lầu Năm Góc công bố đoạn băng về cuộc đột kích, ai cũng có thể tự xem nó. Ông Trump hôm đầu tuần này nói rằng Nhà Trắng đang cân nhắc xem có nên công bố thêm bằng chứng về cuộc đột kích hay không. "Chúng tôi có thể công bố một số phần nhất định của nó" - ông Trump nói trước báo giới.
Trong cuộc họp báo tổ chức chỉ 2 ngày sau, tướng Frank McKenzie - người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CentCom) - đã công bố đoạn băng cùng hình ảnh về cuộc đột kích vào khu nhà ở của al-Baghdadi, dẫn tới cái chết của kẻ này. Đoạn băng trên rõ ràng không hề có khung hình nào về thủ lĩnh của IS, mà chỉ có một đoạn đọ súng bên trong khu nhà của hắn.
Hiện vẫn chưa rõ đoạn băng đầy đủ hơn có được công bố hay không. Tuy nhiên, chỉ riêng việc công bố một phần của đoạn băng này cũng cho thấy rõ sự khác biệt giữa cách xử lý vụ tiêu diệt thủ lĩnh IS của ông Trump với Tổng thống Barack Obama sau chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden - kẻ sáng lập tổ chức khủng bố al-Qaeda - trong năm 2011.
Trong vụ việc năm đó, ông Obama đã từ chối công bố hình ảnh thi thể của bin Laden do quan ngại về an ninh quốc gia. Không có đoạn băng nào được chính phủ Mỹ công bố kể từ thời điểm đó.
Hãng CBS News vào năm 2011 từng đưa tin rằng, có 25 camera gắn trên mũ của các binh sĩ Mỹ đã ghi lại toàn bộ chiến dịch đột kích tiêu diệt bin Laden, trong đó có cả khoảnh khắc mà trùm khủng bố chết. Nhưng một bài viết đăng tải sau đó của tờ The New Yorker lại bác bỏ thông tin này, cho rằng giới chức Mỹ chỉ xem trực tiếp cuộc đột kích này theo thời gian thực nhờ một drone không trang bị vũ khí RQ-170.
Có thứ rõ ràng nhất về cuộc đột kích năm đó là một số hình ảnh chụp thi thể bin Laden. Vào ngày 4/5, 2 ngày sau khi cuộc đột kích diễn ra, Tổng thống Obama tuyên bố rằng dù Mỹ nắm giữ nhiều bức ảnh chụp thi thể bin Laden, nhưng sẽ không công bố chúng bởi nó có thể gây "rủi ro về mặt an ninh quốc gia".
"Một nhiệm vụ quan trọng mà chúng tôi phải làm là đảm bảo rằng những bức ảnh chụp ai đó bị bắn vào đầu không trôi nổi để rồi khuấy động thêm tình trạng bạo lực hay bị lợi dụng như một công cụ tuyên truyền" - ông Obama nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình "60 phút" của đài CBS - "Đó không phải điều chúng tôi làm. Chúng tôi không coi những thứ đó như phần thưởng".
Nhiều quan chức chính quyền Obama lúc bấy giờ nói với báo giới rằng thi thể bin Laden được thả xuống biển theo đúng truyền thống của người Hồi giáo. Nhiều hình ảnh về thi thể của trùm khủng bố được chuyển cho các thành viên trong Quốc hội Mỹ. Một số nghị sĩ sau đó tiết lộ với báo giới rằng, những hình ảnh này cho thấy một tử thi bị biến dạng bởi vậy mà không nên được công bố.
Mọi nỗ lực nhằm gây sức ép để chính quyền Obama công bố đoạn băng đều bất thành. Vào tháng 5/2013, một tòa án liên bang ra phán quyết rằng việc công bố những hình ảnh sau khi chết của thủ lĩnh al-Qaeda có thể gây nên "tổn hại đặc biệt nghiêm trọng" tới công dân Mỹ, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi của nhóm Giám sát Tư pháp (Judicial Watch) đòi công khai các bức ảnh trên. Nhiều người còn ngờ rằng mọi bức ảnh chụp thi thể bin Laden đã bị tiêu hủy.
Sự thiếu bằng chứng về cái chết của bin Laden đã dẫn tới làn sóng ngờ vực không mong muốn - và làn sóng này càng gia tăng do những lời kể mâu thuẫn của một số quan chức biết về chiến dịch. Nhiều hình ảnh thi thể bin Laden giả mạo lan tràn trên mạng sau cái chết của hắn. Con trai của Osama bin Laden - Abdullah bin Laden - sau đó còn đòi giấy chứng tử của cha mình, nhưng rồi bị bác bỏ.
Nếu chính quyền Trump quyết định công bố toàn bộ đoạn băng cuộc đột kích al-Baghdadi, họ có thể tránh được làn sóng ngờ vực tương tự. Điều này cũng cho phép ông Trump tiếp tục thực thi chính sách ngoại giao mà ông lấy làm tự hào. Nhưng đối với những người còn nhớ về cuộc đột kích bin Laden, việc công bố đoạn băng có thể dẫn tới những hậu quả mà chính quyền Obama trước đây muốn tránh.
Thể hiện rõ sự quan ngại sau khi nghe ông Trump mô tả về cái chết của al-Baghdadi hôm Chủ nhật tuần trước, bà Dana Shell Smith - thư ký giám sát truyền thông quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ tại thời điểm bin Laden bị tiêu diệt - cảnh báo rằng giọng điệu ăn mừng này có thể "gây tổn hại tới tư cách đạo đức" của chúng ta.
Theo Washington Post