Vài năm qua, sau thành công cấp độ đội tuyển, việc các cầu thủ bóng đá Việt Nam xuất ngoại thi đấu không còn là chuyện hiếm. Song nhìn chung Tuấn Anh, Xuân Trường và mới đây là Công Phượng, Văn Hậu, Văn Lâm đều không có được thành công như mong muốn, thậm chí Công Phượng còn phải sớm về nước.
Người Thái chuẩn bị
Nên nhớ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường chính là những cầu thủ ưu tú nhất của lò đào tạo nổi tiếng HAGL JMG, khả năng tiếng Anh khá tốt mà đều thất bại trong những lần sang Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan.
Bao giờ Quang Hải mới xuất ngoại thành công như Chanathip? Ảnh DT
|
Ngay như Công Phượng đã 3 lần xuất ngoại nhưng rốt cuộc cũng không thành công. Trong khi đó, ba mùa bóng ở Nhật, điển hình Chanathip đã tạo ra hiệu ứng tốt qua 70-80 trận ra sân, ghi 10 bàn thắng, chưa kể các đường kiến tạo. Việc Chanathip được bầu chọn vào danh sách đội hình tiêu biểu của J-League 2019 là sự quảng bá về chất lượng cầu thủ Thái tới bóng đá Nhật.
Điều khác biệt của bóng đá Thái Lan và Việt Nam đó là người Thái đã chọn Nhật Bản là cái đích để xuất khẩu cầu thủ, trong khi đào tạo cầu thủ đá cho CLB trong nước và ĐTQG. Cầu thủ nào xuất sắc, được CLB nước ngoài nào mời chào thì chúng ta mới tính đến chuyện xuất khẩu.
Không phải đơn giản từ năm 1976 đến 2020, Thái Lan có tổng cộng 25 lần xuất khẩu cầu thủ sang thi đấu ở Nhật Bản (22 cầu thủ). Là nền bóng đá mạnh bậc nhất Đông Nam Á, khoảng cách giữa cầu thủ Thái Lan và Nhật Bản không quá lớn, nên nếu có thêm sự chuẩn bị thì các cầu thủ Thái có đủ trình độ chơi bóng ở Nhật.
Do hoạt động theo mô hình và phong cách chuyên nghiệp, nên các CLB Thái Lan dễ dàng hơn từ khâu giới thiệu, đàm phán để đưa các cầu thủ sang Nhật Bản thi đấu. Ngoài việc chuẩn bị về chuyên môn thì các cầu thủ Thái chuẩn bị tiếng Anh và văn hóa Nhật bản để sớm hòa nhập tại CLB mới nhanh chóng. Trong khi Văn Hậu đang gặp khó khăn năm đầu thi đấu ở Hà Lan do trở ngại về ngôn ngữ.
Hướng sân cỏ Nhật bản
Các CLB bóng đá Việt Nam thường bắt đầu đào tạo cầu thủ lúc 11 tuổi trong khi Thái Lan họ làm điều đó từ lúc cầu thủ mới chỉ 7 tuổi, nên tư duy chiến thuật, kỹ thuật của các cầu thủ chúng ta chậm hơn họ 1 nhịp. Các cầu thủ Việt Nam khi thi đấu nước ngoài gặp khó khăn so với cầu thủ Thái, vốn tập luyện sớm hơn, lại định hướng nếu ra nước ngoài thì đấu sẽ ưu tiên sân cỏ Nhật Bản.
Nếu thi đấu mãi trong nước Văn Đức khó có cơ hội nâng trình độ. Ảnh VN9
|
Nếu như các chuyến xuất ngoại của chúng ta vẫn đang nằm ở dạng hợp đồng thương mại thì người Thái đã qua giai đoạn này và đang hướng đến hợp đồng chuyên môn thuần túy. Ở Nhật Bản, các HLV không thích những cầu thủ chỉ biết phô diễn kỹ thuật cá nhân. Đó chỉ là một yêu cầu, ngoài ra họ còn phải đáp ứng được yêu cầu về chiến thuật và quan trọng là phải siêng năng, nỗ lực khi ra sân lẫn tập luyện.
Các cầu thủ Việt Nam khi bước chân vào nghề phần lớn chỉ đặt mục tiêu chơi bóng ở trong nước, khoác áo đội tuyển, chứ không phải ra nước ngoài thi đấu. Khi có điều kiện lương, thưởng tốt thì ít có cầu thủ Việt còn khát khao được ra nước ngoài thi đấu. Đặc biệt khi gặp khó khăn, thấy nhiều đồng đội ra đi không thành công, không nhiều cầu thủ dám theo đuổi tận cùng đam mê ra nước ngoài thi đấu để nâng cao trình độ, thành tích.
Muốn nâng cao trình độ bóng đá Việt Nam, xuất khẩu cầu thủ vẫn là con đường không thể nào khác. Những người đi ném đá dò đường chắc chắn sẽ gặp khó khăn, nhưng chúng ta không được nản bước.