Hơn 4 triệu người Syria buộc phải rời bỏ nhà cửa vì chiến sự kéo dài trong hàng chục tháng qua, trong khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng tranh thủ thời cơ này để giành lấy các khu vực ở biên giới. Dòng người tị nạn từ Syria đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ, Li-băng, Gióc-đa-ni, Ai Cập và Iraq rồi tìm đường tới châu Âu ngày càng nhiều.
Thực tế nêu trên đang đặt châu Âu vào một cuộc khủng hoảng được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới II. Trong khi có nhiều ý kiến bày tỏ thái độ không hài lòng trước việc không có một quốc gia Vùng Vịnh giàu có, gồm A-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Qatar, Kuwait và Bahrain, nhận người tị nạn nào đến từ Syria.
Sherif Elsayid-Ali giám đốc Cơ quan về quyền của người nhập cư của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho rằng: "Ông chia sẻ và đồng cảm với cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, thực tế nêu trên về các quốc gia vùng Vịnh thật đáng thất vọng".
Ra đi tay trắng, người nhập cư phải trải qua quãng đường hàng nghìn km từ Trung Đông, qua Trung Âu và Địa Trung Hải để tới các quốc gia như Đức và Áo. Cũng có những người lựa chọn phương án khác như bằng thuyền hay tàu để vượt qua eo biển Manche để vào Anh.
Khoảng 3.000 người đã thiệt mạng khi tìm cách vào châu Âu qua đường biển trong năm nay, trong đó có nhiều gia đình đã phải chấp nhận mối nguy hại với con cái của họ để tìm cơ hội tại những nơi an bình hơn. Cái chết thương tâm của bé trai Aylan Kurdi đã làm dư luận thế giới rúng động và chú ý hơn tới con số 313.000 người nhập cư đã tới châu Âu trong năm nay.
Tuy nhiên, thực tế đặt ra câu hỏi tại sao người nhập cư từ Bắc Phi và Trung Đông phải tìm tới châu Âu, thay vì có thể tìm tới vùng Vịnh, nơi các quốc gia nằm trong Top 50 quốc gia có GDP cao nhất thế giới.
Chuyên gia về vấn đề Arập, ông Soud al-Qassemi, cho rằng: " Các nước vùng Vịnh cần phải nhận ra giờ là lúc họ thay đổi chính sách về người nhập cư, đặc biệt là hỗ trợ người di cư từ Syria. Đây là bước đi cần thiết về cả mặt đạo đức, trách nhiệm và chủng tộc".
Hiện chưa có quốc gia vùng Vịnh nào ký vào Công ước về người nhập cư năm 1951, văn bản khẳng định nguyên tắc mọi người đều được hưởng các quyền cơ bản mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Dù người dân Syria có thể phải chi một khoản không nhỏ để xin thị thực và giấy phép lao động tại các quốc gia này, nhưng theo hãngBBC, các hồ sơ từ Syria thường khó được chấp nhận.
Lý do của các quốc gia vùng Vịnh
Trước những ý kiến chỉ trích của dư luận quốc tế, các nước vùng Vịnh cho rằng việc chấp nhận một lượng lớn người nhập cư Syria sẽ là mối đe dọa tới an ninh quốc gia vì những tên khủng bố có thể trà trộn vào dân thường và gây bất ổn. Thay vào đó, các quốc gia này đã cấp các khoản ngân sách để hỗ trợ người nhập cư.
Hình minh họa về lượng người nhập cư đổ vào châu Âu (Ảnh:Dailymail)
Theo trang mạngReliefWeb, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất đã duy trì quỹ cho một trại tị nạn ở Jordan, nơi có hàng trăm nghìn lều tạm cho người nhập cư Syria. Trong khi đó, Arập Xêút và Qatar cũng hỗ trợ ngân sách, lương thực, lều tạm và quần áo cho người Syria tại Li-băng, Thổ Nhĩ Kỳ vàGioocdani . Báo cáo mới nhất của ReliefWeb cho biết các quốc gia vùng Vịnh đã chi 589 triệu bảng để hỗ trợ người nhập cư.
Tuy nhiên, các ý kiến chỉ trích cho rằng con số này chưa thấm vào đâu khi chỉ riêng Mỹ đã chi ra gấp bốn lần số tiền này. Trong khi đó, Anh cũng đã chi tới 918 triệu bảng để giúp các quốc gia giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Thủ tướng Anh David Cameron hôm 4/9 cũng thông báo nước này sẽ tăng khoản viện trợ cho người nhập cư lên hơn 1 tỷ bảng trong thời gian tới.
"Các quốc gia vùng Vịnh nên tập trung xây lều tạm cho người nhập cư, thay vì đuổi theo những dự án về xây các tòa nhà cao chọc trời. Họ đủ sức để làm điều đó. A-rập Xê-út có kinh nghiệm trong quản lý vấn đề về người nước ngoài. Vậy không có lý do gì mà họ trì hoãn việc hỗ trợ người nhập cư trong thời gian tới", ông Bobby Ghosh, Tổng biên tập trang điện tửQuartzbình luận.
TheoDailymail, Dân trí