Sa lầy trong bê bối kế toán, Stark Corporation chứng kiến vốn hóa thị trường ‘bốc hơi’ 99%. Công ty này cũng không thể trả được khoản nợ 39 tỉ Baht (tương đương 1,1 tỉ USD). Từ một hình mẫu thành công, Stark Corporation đang là một trong những nỗi lo lớn nhất trên thị trường tài chính Thái Lan, theo Bloomberg.
Trước đó, Stark Corporation gây nghi ngại trong giới đầu tư khi rút khỏi thương vụ thâu tóm Leoni Business Group Automotive Cable Solutions – hãng cung cấp giải pháp cáp ô tô của Đức.
Tháng 2 năm nay, CEO của Stark Corporation bất ngờ từ chức, viện dẫn lý do cá nhân. Công ty cũng không thể nộp báo cáo tài chính đúng hạn vào ngày 1/3, với lý do “một số thông tin” đang được xem xét bởi kiểm toán viên.
Stark Corporation được thành lập từ năm 1990, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực xuất bản và phân phối truyện tranh với tên gọi Siam Inter Multimedia Public Company Limited (SIMP). Sau khi được doanh nhân Vonnarat Tangkaravakoon thâu tóm, năm 2019, công ty này đổi tên thành Stark Corporation PCL.
Trên trang chủ, Stark Corporation cho biết ông Vonnarat Tangkaravakoon là cổ đông lớn nhất của công ty, với tỉ lệ sở hữu 50,16%. Vị doanh nhân sinh năm 1971 còn nắm giữ lượng lớn cổ phần Stark Corporation thông qua Stark Investment Corporation Limited. Ông Vonnarat là con cả của ông Prachak Tangkaravakoon - nhà sáng lập TOA Paint PCL, hãng sản xuất sơn lớn nhất Thái Lan.
Dưới ‘triều đại’ của Vonnarat, Stark Corporation chuyển hướng sang lĩnh vực sản xuất linh kiện và dây cáp điện và niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan vào tháng 7/2019.
Nhờ sự hậu thuẫn của giới chủ giàu có, Stark Corporation đã mua lại nhà sản xuất cáp Phelps Dodge International (Thailand) Ltd, đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng thông qua hàng loạt thương vụ M&A ở khắp châu Á, trong đó có Việt Nam.
Thượng tuần tháng 4/2020, Stark Corporation cho biết đã mua lại thành công toàn bộ cổ phần của CTCP Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cable) và CTCP Kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam (Dovina) – 2 thành viên thuộc ‘hệ sinh thái’ Thịnh Phát Group của doanh nhân Võ Tấn Thịnh. Thương vụ này, như VietTimes từng đề cập, trị giá 240 triệu USD.
Thipha Cable và Dovina làm ăn ra sao?
Thipha Cable khởi nguồn là một cơ sở nhỏ do ông Võ Tấn Thịnh (SN 1962) thành lập tại Tp. HCM.
Sau 3 thập niên phát triển, Thipha Cable trở thành một trong những nhà sản xuất dây và cáp điện hàng đầu Việt Nam. Trong khi đó, Dovina chuyên nhập khẩu, xử lý đồng và nhôm cho việc sản xuát dây và cáp điện.
Giai đoạn 2017 - 2018, tổng doanh thu của Thipha Cable và Dovina đều đạt hơn 9.000 tỉ đồng. Bộ đôi công ty này cũng đem về hơn 500 tỉ đồng lợi nhuận ròng trong giai đoạn này.
Dữ liệu của Stark Corporation cho thấy, sau khi về tay người Thái, doanh thu của Thipha Cable và Dovina có phần suy giảm, song biên lợi nhuận lại được cải thiện mạnh mẽ. Nguyên nhân là do thay đổi định hướng kinh doanh, chuyển dịch từ mảng kinh doanh nguyên liệu thô sang tăng cường sản xuất cáp điện với giá trị gia tăng và biên lợi nhuận cao hơn.
Đơn cử như năm 2019, doanh thu từ vật liệu thô của bộ đôi Thipha Cable và Dovina ở mức 4.996 tỉ đồng, chiếm quá nửa tổng doanh thu trong kỳ. Mà mảng kinh doanh vật liệu thô, theo dữ liệu của Stark Corporation, có biên lợi nhuận chỉ từ 1-2%, thấp nhất trong các phân khúc kinh doanh.
Sau 2 năm, bộ đôi doanh nghiệp Việt ghi nhận doanh thu đạt hơn 7.400 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ vật liệu thô chưa tới 100 tỉ đồng. Năm 2021, Thipha Cable và Dovina báo lãi ròng tổng cộng 772 tỉ đồng, tương ứng với tỉ suất lợi nhuận ở mức 10,4% - cao gấp đôi so với năm 2019.
Hiệu quả kinh doanh của Thipha Cable và Dovina cũng rất đáng nể so với các doanh nghiệp lớn đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dây và cáp điện tại Việt Nam.
Xét trong giai đoạn 2019 – 2021, Thipha Cable và Dovina đem về tổng cộng 1.430 tỉ đồng lợi nhuận ròng. Trong khi đó, cùng giai đoạn, lãi sau thuế cộng dồn của Cadivi chỉ đạt hơn 1.200 tỉ đồng.
Như VietTimes từng phân tích, nhà sáng lập Võ Tấn Thịnh đã tách mảng kinh doanh cáp điện để bán cho tập đoàn Thái Lan. Ngoài Thipha Cable và Dovina, vị doanh nhân sinh năm 1962 còn hoạt động tích cực trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp.
Ít tháng sau thương vụ với Stark Corporation, ông Võ Tấn Thịnh đã mua vào hàng triệu cổ phiếu LHG để trở thành cổ đông lớn tại CTCP Long Hậu (Long Hậu) – một trong những ‘đại gia’ bất động sản khu công nghiệp tại miền Nam.
LHG sau đó cũng trở thành cổ phiếu ‘hot’ trên thị trường chứng khoán với mức tăng bằng lần. Tuy nhiên, trong khi cổ phiếu LHG thăng hoa, từ tháng 10/2021 – 1/2022, ông Võ Tấn Thịnh liên tục bán ra cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn tại Long Hậu./.