Vay tiền Trung Quốc làm đường, Montenegro có nguy cơ phải gán đất thế chấp để trả nợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cộng hòa Montenegro đang gặp khó khăn trong việc thanh toán khoản nợ gần 1 tỷ USD vay của Trung Quốc; họ kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) giúp trả nợ nhưng bị từ chối. Vụ việc đang gây xôn xao châu Âu.
Con đường cao tốc chưa hoàn thành khiến Montenegro mắc nợ Trung Quốc gần 1 tỷ USD (Ảnh: Đa Chiều).
Con đường cao tốc chưa hoàn thành khiến Montenegro mắc nợ Trung Quốc gần 1 tỷ USD (Ảnh: Đa Chiều).

Theo báo Anh Financial Times ngày 11/4, chi phí cho mỗi km đường cao tốc mà công ty Trung Quốc làm ước tính lên tới 23,8 triệu USD, được coi là đắt nhất thế giới. Khoản nợ họ phải trả đầu tiên sẽ đến hạn vào tháng 7 tới.

EU từ chối hỗ trợ Montenegro trả nợ Trung Quốc

Cộng hòa Montenegro nhỏ bé với dân số không tới 625 ngàn người gần đây cho biết họ rất khó khăn trong việc trả nợ gần 1 tỷ USD vay Trung Quốc năm 2014. Bộ trưởng Bộ Tài chính Milojko Spajic, ngày 11/4 đã thỉnh cầu Brussels với hy vọng EU sẽ hỗ trợ trả khoản nợ này.

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 14/4, ông Milojk Spajic nói, chính phủ mới của Montenegro lên nắm quyền vào tháng 12/2020, hy vọng sẽ thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với EU, chứ không phải Trung Quốc. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu hôm 12/4 cho biết họ từ chối giúp Montenegro trả khoản nợ liên quan. Người phát ngôn của EU về các vấn đề đối ngoại và an ninh, Peter Stano, tuyên bố rằng EU “sẽ không hoàn trả các khoản vay mà các nước đối tác nhận được từ bên thứ ba”. Hiện tại, Montenegro vẫn chưa trở thành thành viên của EU.

Trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Montenegro ngày 13/4 ra thông báo, Montenegro đã vay Trung Quốc 944 triệu USD để xây dựng đường cao tốc, khoản vay này chưa bằng một phần tư tổng số nợ của Montenegro và lãi suất của khoản vay Trung Quốc chỉ là 2%. Nó tương đối thấp so với tất cả các khoản nợ của Montenegro.

Ông Zdravko Krivokapic, Thủ tướng mới của Montenegro tuyên thệ ngày 4/12/2020 ngày càng xích gần EU (Ảnh:Reuters).

Ông Zdravko Krivokapic, Thủ tướng mới của Montenegro tuyên thệ ngày 4/12/2020 ngày càng xích gần EU (Ảnh:Reuters).

Đại sứ quán Trung Quốc chỉ ra rằng đường cao tốc là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất ở Montenegro kể từ khi quốc gia này giành được độc lập, điều kiện địa chất để xây dựng đường cao tốc ở Montenegro rất bất lợi, đây là nguyên nhân cơ bản khiến giá thành xây dựng đắt đỏ.

Đại sứ quán Trung Quốc cũng nói việc hợp tác này là hai bên cùng có lợi. Nếu ai đó khăng khăng gắn nhãn tiêu cực cho đầu tư của Trung Quốc, không chỉ không công bằng đối với Trung Quốc mà còn là thiếu tôn trọng đối với các nước Tây Balkan, không có lợi cho việc duy trì ổn định khu vực mà chỉ tạo ra mâu thuẫn, hố ngăn cách và cản trở sự phát triển của Tây Balkan.

Cộng hòa Montenegro là khu vực trọng điểm để Trung Quốc thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai, Con đường” ở Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, quốc gia Balkan này không chỉ gánh khoản nợ nặng nề của Trung Quốc, mà còn thiệt hại nặng nề do dịch bệnh gây ra đã khiến điều kiện kinh tế và tài chính của đất nước càng trở nên tồi tệ. Các hoạt động của Trung Quốc ở địa phương cũng trở thành tâm điểm chú ý vì sự cạnh tranh gay gắt của các lực lượng khác nhau ở Montenegro.

Dịch bệnh nặng nề, gánh nặng nợ nần gia tăng

Khi Montenegro yêu cầu Liên minh châu Âu giúp trả Trung Quốc khoản nợ 1 tỷ USD, EU đã tuyên bố từ chối và nhấn mạnh rằng họ bất an về hậu quả của hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào địa phương.

Cộng hòa Montenegro, nằm ở Tây Balkan, đã gia nhập thành công NATO cách đây vài năm và hiện đang tích cực tìm cách gia nhập Liên minh châu Âu. Phó Thủ tướng Abazovic, hồi cuối tháng 3 đã tuyên bố, nếu EU có thể giúp trả các khoản nợ của Trung Quốc, thì điều đó có thể làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc ở địa phương và giúp tài chính quốc gia của Montenegro vận hành bình thường.

Nền kinh tế của Montenegro chủ yếu là các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, hiện tại, thu nhập của người dân giảm và nguy cơ lạm phát tăng cao. Để tăng thu ngân sách, nội các của chính phủ mới của Montenegro mới đây đã quyết định tăng thuế đối với các mặt hàng như thuốc lá và soda. Tình hình kinh tế và tài chính xấu đi đã khiến Montenegro cảm thấy gánh nợ với Trung Quốc ngày càng nặng nề hơn.

Sinh kế của người dân ở vùng du lịch Balkan đang chết dần, Trung Quốc nhân cơ hội tiến vào

Sau khi chiến tranh Nam Tư cũ kết thúc, Montenegro tuyên bố độc lập khỏi liên bang với Serbia vào năm 2006. Tương tự như một số quốc gia Đông Âu khác, đặc biệt là vùng Balkan, Montenegro cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về cơ sở hạ tầng giao thông lạc hậu và thậm chí có nguy cơ sụp đổ. Bên cạnh đó, nạn quan chức tham nhũng cùng với sự già hóa của dân số địa phương, số lượng lớn thanh niên di cư, tình trạng thiếu lao động trầm trọng đã khiến điều kiện kinh tế xã hội của địa phương bị sa sút suốt thời gian dài.

Con đường cao tốc đắt nhất thế giới hiện chưa hoàn thành (Ảnh: Đa Chiều).

Con đường cao tốc đắt nhất thế giới hiện chưa hoàn thành (Ảnh: Đa Chiều).

Trong bối cảnh đó, năm 2014 Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cho vay với Cộng hòa Montenegro để giúp xây dựng một đoạn đường cao tốc ngắn từ thành phố cảng Bar ở Montenegro đến Belgrade, thủ đô của Serbia. Đây được coi là dự án trọng điểm trong việc thúc đẩy Sáng kiến ​​“Vành đai, Con đường” ở Balkan và cơ chế 17 + 1 giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu. Khi một số quốc gia Đông Âu hiện đang mất dần sự nhiệt tình đối với cơ chế 17 + 1, họ bắt đầu chỉ trích và đặt câu hỏi, thậm chí có ý định rút lui, thì số phận tương lai của dự án xây dựng đường cao tốc của Trung Quốc ở Montenegro chắc chắn đang ngày càng thu hút nhiều sự chú ý hơn từ tất cả các bên.

Chính phủ mới bất bình với công ty Trung Quốc

Địa hình đồi núi của Montenegro khiến giá thành xây dựng mỗi km đường của công ty Trung Quốc đắt nhất trong các công trình xây dựng đường ở châu Âu. Mạng lưới Doanh nghiệp Châu Âu mới có trụ sở tại Berlin cho biết nội các của chính phủ Montenegro mới đã quyết định khởi kiện Công ty Công trình Cầu đường Trung Quốc (CRBC), đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng con đường này. Chính quyền mới của Montenegro bất bình với việc công ty Trung Quốc trong quá trình xây dựng đã không tuân theo thiết kế lộ trình ban đầu, vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho môi trường sinh thái địa phương, đồng thời hủy hoại môi trường của sông Tara được UNESCO bảo vệ.

Phó Thủ tướng Abazovic nói, tuyến đường do Trung Quốc xây dựng sẽ không hoàn thành theo kế hoạch ban đầu, hai bên có thể phải ký các thỏa thuận mới và đầu tư thêm vốn. Ông nói rằng nợ của Trung Quốc đã chiếm một phần ba số nợ nước ngoài của Montenegro. Nhưng ông phủ nhận chính phủ Montenegro mới có thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc.

Theo các cơ quan truyền thông, nếu Montenegro không có khả năng trả khoản nợ của Trung Quốc, quốc gia nhỏ bé bên bờ biển Adriatic này sẽ phải dùng chính đất đai của mình để gán nợ cho Trung Quốc.

Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một tổ chức tư vấn ở Washington, hồi năm 2018 đã đưa ra một báo cáo, cảnh báo rằng khi Trung Quốc thúc đẩy dự án Vành đai, Con đường, các quốc gia như Montenegro sẽ gặp rủi ro do các khoản nợ quá lớn đối với Trung Quốc.

Chính trị bất ổn, hai thế lực đọ sức

Mối lo về gánh nặng nợ nần Trung Quốc của Montenegro xuất hiện vào thời điểm môi trường chính trị địa phương bắt đầu biến đổi. Sau cuộc bầu cử quốc hội vào cuối tháng 8 năm ngoái và cuộc bầu cử địa phương cách đây không lâu, quyền lực của Đảng Dân chủ Xã hội do Tổng thống Montenegro Djukanovic lãnh đạo nắm quyền hơn 30 năm qua đã bị suy yếu, các đối thủ chính trị của ông đã liên kết thành lập nội các Chính phủ mới.

Nội các của chính phủ mới đã chỉ trích một loạt chính sách của Djukanovic. Các khoản vay do Trung Quốc cung cấp và một số thỏa thuận giữa Trung Quốc và Montenegro đều ký trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Djukanovic. Nhưng tại hội nghị thượng đỉnh video 17 + 1 giữa Trung Quốc và các nước Trung, Đông Âu được tổ chức vào tháng 2/2021, Djukanovic nói rằng các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn quan tâm đến việc xây dựng đường xá và các dự án khu hậu cần, công nghiệp dọc đường. Ông nói rằng dự án của Trung Quốc có thể tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế của Montenegro và các nước láng giềng xung quanh sau đại dịch.

Cựu Thủ tướng Djukanovic., người kí hiệp nghị hợp tác với Trung Quốc gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi thăm Bắc Kinh ngày 26/11/2015 (Ảnh: Reuters).

Cựu Thủ tướng Djukanovic., người kí hiệp nghị hợp tác với Trung Quốc gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi thăm Bắc Kinh ngày 26/11/2015 (Ảnh: Reuters).

Cách đây vài năm, Cộng hòa Montenegro đã cáo buộc Matxcơva gây rối loạn, đảo chính và trục xuất các quan chức tình báo Nga. Điều này đã kéo quan hệ giữa hai bên xuống đáy. Nhưng người Nga cũng là một nguồn khách quan trọng cho ngành du lịch của Montenegro. Nhiều cơ quan truyền thông Nga đưa tin rằng những thay đổi trong môi trường chính trị trong nước của Montenegro cho thấy các lực lượng địa phương thân Nga và thân Serbia đang nổi lên. Khi nội các của chính phủ mới dần củng cố quyền lực, Montenegro và Nga có khả năng sẽ khôi phục quan hệ. Một khả năng cho xu hướng chính trị ở Montenegro là các lực lượng thân Nga và thân Serbia dần lớn mạnh và Tổng thống Djukanovic cuối cùng sẽ mất quyền lực.

Cộng hòa Montenegro và Italy đối diện nhau qua Biển Adriatic. Từ Biển Adriatic, có thể trực tiếp đi vào Địa Trung Hải có tầm quan trọng chiến lược. Sau khi Montenegro giành độc lập, Trung Quốc ngoài việc cho vay ồ ạt để thúc đẩy Sáng kiến ​​“Vành đai, Con đường”; các lực lượng Nga, Serbia, Liên minh châu Âu, NATO và Mỹ đều cạnh tranh nhau ở Montenegro.

Ông Iskanderov, một học giả người Nga về Đông Âu và Balkan, nói rằng Montenegro những năm gần đây đang ở trong cuộc khủng hoảng và bất ổn chính trị trong nước. Bản đồ chính trị của đất nước này được chia thành các lực lượng thân phương Tây và các lực lượng thân Nga, thân Serbia. Cuộc đọ sức giữa hai thế lực này có thể được thể hiện qua kết quả của cuộc tổng tuyển cử, đồng thời hai thế lực cũng có vị trí vững chắc trong quốc hội và quyền lực tổng thống. Nhiều điều đã xảy ra ở Montenegro nên được giải thích và hiểu theo góc độ này.

Trung Quốc dùng tiền can dự, Nga bất bình vì bị gạt ra

Ông Iskanderov cho rằng việc một số quốc gia vùng Balkan sẵn sàng chấp nhận các khoản vay của Trung Quốc có liên quan đến việc EU ít hỗ trợ khu vực này.

Iskanderov nói: "Sau khi Thế chiến II kết thúc, Nam Tư cũ đã duy trì nhiều mối quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc trong một thời gian dài. Có thể nói, các nước Nam Tư cũ này đã sử dụng lại những kinh nghiệm trong quá khứ, nối lại sự hợp tác với Trung Quốc do họ thất vọng với EU".

Một số nhà phân tích Serbia cho rằng việc Montenegro kêu gọi EU giúp trả nợ cho Trung Quốc mang sắc thái tuyên truyền nhiều hơn, điều đó cho thấy chính phủ mới của Montenegro một mặt muốn lợi dụng những bất đồng và mâu thuẫn giữa Trung Quốc và EU, mặt khác muốn thể hiện lập trường thân phương Tây.

Chính phủ mới của Montenegro hồi tháng 3 cũng tham gia các biện pháp trừng phạt do Liên minh Châu Âu thúc đẩy chống lại Nga trong vụ họ gọi là “Nga bức hại nhà đối lập Navalny”.

Trung Quốc cũng đang tích cực hoạt động ở Serbia, quốc gia láng giềng của Montenegro. Cộng hòa Montenegro, Serbia và Nga thuộc về vòng tròn văn hóa Slav, đều là các quốc gia theo Chính thống giáo. Một cơ quan truyền thông ủng hộ Điện Kremlin của Nga gần đây đã cảnh báo rằng ở Serbia, nơi mà Moscow có ảnh hưởng truyền thống rất lớn, Nga đang bị Trung Quốc gạt dần ra.