Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, vào ngày 7/7, Giải phóng quân báo, cơ quan của Quân ủy Trung Quốc đã đăng bài nhấn mạnh một quốc gia mạnh cần phải tăng cường quân đội và chỉ có một quân đội mạnh mới có thể đạt được an ninh quốc gia (“cường quốc tất tu cường quân, quân cường tài năng quốc an”). Trong cạnh tranh giữa các quốc gia và đọ sức giữa các quân đội, suy cho cùng chính là cạnh tranh sức mạnh thực tế.
Giải phóng quân báo nêu ví dụ, năm 1937, quân Nhật ở Hoa Bắc chỉ có chưa đầy 8 ngàn người nhưng dám gây sự với Quân đoàn 29 quân đội cách mạng đông hơn 100 ngàn hay trong “Sự biến 18/9”, 19 ngàn quân Quan Đông của Nhật đối đầu với 190 ngàn quân Trung Quốc ở Đông Bắc mà chỉ sau 2 ngày đã chiếm được Thẩm Dương, sau một tuần chiếm được cả tỉnh Liêu Ninh, sau 3 tháng chiếm toàn bộ 3 tỉnh miền Đông.
“Nước yếu bị khiêu khích, lạc hậu thì bị đánh. Đó là một bài học đau đớn của việc nước Trung Quốc cận đại bị giày xéo”. Bài báo viết: "Biết đánh mới có thể ngăn chặn chiến tranh. Những dấu vết đạn trên Lư Cầu Kiều nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù khói lửa chiến tranh đã tan hết, nhưng cánh cổng chiến tranh vẫn chưa thực sự đóng lại. Chúng ta trân trọng hòa bình, nhưng không cầu xin hòa bình; chúng ta phản đối chiến tranh, nhưng không sợ chiến tranh. Để đối phó với những kẻ lang sói tùy tiện khiêu khích, không thể dùng rượu ngon tiếp đãi mà chỉ có thể mang súng pháo nghênh tiếp”.
Ông Tập Cận Bình là người đưa ra chủ trương "cường quốc tiên cường quân", muốn nước mạnh phải xây dựng quân đội hùng mạnh trước (Ảnh: qnmeitiyun.com).
|
Bài báo nhấn mạnh: “Đối với những người lính, đối thủ đáng sợ nhất không phải là kẻ thù mạnh trên chiến trường, mà là tư tưởng say sưa trong hòa bình, tệ trì trệ hòa bình trong tác phong và không muốn chiến tranh trong hành vi. Sự buông xuôi hưởng lạc trong tư tưởng còn nguy hiểm hơn cất súng kiếm vào kho; sự bào mòn của tâm trí còn đáng sợ hơn sự han gỉ của nòng súng. Quân nhân được sinh ra để đánh thắng. Mỗi sĩ quan và binh sĩ đều cần đốt lửa báo động trong sâu thẳm tâm trí của mình, đầu luôn gối súng chờ thời, ở trong trạng thái cảnh giác cao độ, thiết lập vững chắc tư tưởng làm lính chiến đấu, dẫn lính đánh nhau, luyện lính đánh trận; làm tốt việc sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào, vượt khó chiến đấu và đánh thắng”.
Trang tin Đa Chiều cho rằng, kể từ sau Đại hội 18 (11/2012), Trung Quốc đã đẩy mạnh cải cách quân sự và liên tục nhấn mạnh chú trọng nâng cao khả năng chiến đấu thực tế của quân đội. Ngay từ tháng 7/2018, “Giải phóng quân báo” đã đăng tải một bài báo cho rằng: “Xét từ tình hình thực tế, PLA đã không đánh nhau trong mấy chục năm qua và bệnh hòa bình đã xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực; nếu không quyết tâm loại bỏ tận gốc rễ, khi đánh nhau tất sẽ phải trả giá rất đắt”.
Trung Quốc diễn tập thực binh ở Tây Tạng đầu tháng 7 vừa qua (Ảnh: CCTV).
|
Đa Chiều viết, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã nhấn mạnh "giống như công nhân phải làm việc và nông dân phải làm ruộng, đánh trận và chuẩn bị đánh trận là thiên chức của người lính", "chiến binh là binh lính, đội chiến đấu là đội chiến đấu, và hiệu lực chiến đấu là hiệu lực chiến đấu" , “Bộ đội phải rèn luyện, phải luôn sẵn sàng đánh nhau; gối gươm chờ ngày không phải mở miệng là hát ngay được...”.
Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, quân đội Trung Quốc đã trải qua những thay đổi sâu sắc. Đến lúc này, cải cách quốc phòng và quân sự của Trung Quốc đã được hoàn thành phần lớn, nhưng vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Sau khi trải qua những cải cách và hiến đổi rộng lớn và sâu sắc như vậy, liệu quân đội Trung Quốc đã hình thành nên sức mạnh chiến đấu mới? Về vấn đề này, thế giới bên ngoài chú ý rất nhiều.
Đa Chiều viết, có ý kiến phân tích cho rằng, so với nhiều năm trước, môi trường quốc tế bên ngoài Trung Quốc hiện đã xấu đi đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là Hoa Kỳ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính của họ và cùng với điều đó là hàng loạt các hoạt động gây sức ép toàn diện về ngoại giao, quân sự, thương mại, khoa học & công nghệ và dư luận. Ngoài ra, Trung Quốc nằm trong khu vực có địa chính trị khá phức tạp. Áp lực quân sự không chỉ đến từ Hoa Kỳ, còn có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á. Khả năng thống nhất hòa bình với Đài Loan thực tế gần như bằng không. Việc duy trì ưu thế về quân sự, cho dù là để đánh nhau hay chuẩn bị cho chiến tranh, cho dù là chiến tranh thông thường hay răn đe hạt nhân, đều rất cần thiết, không có gì sai trái.
Biên đội tàu Trung Quốc tham gia diễn tập đổ bộ chiếm đảo ở vùng biển Hoàng Sa từ 1 đến 5/7 (Ảnh: toutiao).
|
Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Thung lũng Galwan vào ngày 15/6, quân đội Trung Quốc đã liên tiếp hành động, không ngừng đưa ra các tín hiệu về chuẩn bị chiến tranh. Vào ngày 22/6, tài khoản WeChat công khai chính thức của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Tây của PLA mang tên “Xiluqiangjunhao” (Tây lộ cường quân hiệu) đã tiết lộ những hình ảnh diễn tập thực chiến của một lữ đoàn trên thao trường cao nguyên.
Ngoài ra, Quân khu Tây Tạng của PLA ngày 16/6 cũng tiết lộ, một lữ đoàn của Quân khu Tây Tạng mới đây đã tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật ba chiều. Đồng thời, Bệnh viện Đa khoa Chiến khu Miền Tây cũng tiến hành huấn luyện mô phỏng cứu hộ chiến đấu vào ban đêm. Cuộc diễn tập cứu thương ban đêm này chủ yếu mô phỏng điều kiện chiến đấu ban đêm thực tế. Áp dụng các đặc điểm của cứu thương chiến trường, các binh sĩ tập trung vào huấn luyện cứu thương kiểm tra phân loại nhanh, băng bó để cầm máu, cấp cứu người bị thương nặng, phòng chống dịch bệnh và khử trùng chiến trường, nâng cao khả năng cứu hộ thời chiến. Bộ chỉ huy Quân khu Tây Tạng ngày 15/6 cũng thành lập 5 đơn vị dân binh mới để chịu trách nhiệm tuần tra và cứ viện khẩn cấp. Những động thái này rõ ràng là nhằm đe dọa Ấn Độ.
Giới quan sát cho rằng, vào lúc Trung Quốc liên tiếp có những động thái cứng rắn trên Biển Đông, đối với Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ và Nhật Bản, việc tờ báo của Quân ủy Trung Quốc đăng bài kêu gọi chuẩn bị chiến tranh, đã khiến mọi người hoài nghi về những hành động phiêu lưu có thể có tới đây của Bắc Kinh.