Tranh chấp biên giới Trung - Ấn: hai bên cùng rút quân tại một số điểm nhưng vấn đề vẫn còn đó

VietTimes – Sau cuộc đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn hôm 6/6, phía Ấn Độ nói lực lượng quân đội hai bên đã bắt đầu rút khỏi ba điểm, nhưng cuộc đối đầu ở một nơi vẫn đang tiếp tục.
Hồ Pangong điểm nóng tranh chấp chưa được tháo ngòi nổ ở biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Đa Chiều).
Hồ Pangong điểm nóng tranh chấp chưa được tháo ngòi nổ ở biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Đa Chiều).

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 10/6 dẫn tin của báo Ấn Độ The Hindustan Times ngày 9/6 nói, hai quan chức cấp cao của Ấn Độ tiết lộ vào ngày 9/6 rằng Trung Quốc đã bắt đầu rút quân khỏi 3 điểm nóng dọc theo đường kiểm soát thực tế phía đông Ladakh đang tranh chấp; quân đội Ấn Độ triển khai trong các khu vực này cũng đã được rút theo kiểu “có đi có lại”.

Một trong hai quan chức giấu tên cho biết, “cuộc rút quân có giới hạn” đã diễn ra tại thung lũng Galwan, Patrolling Point 15 (Điểm tuần tra số 15) và Gogra Hot Spring (Suối nước nóng Gogra); một số binh lính Trung Quốc và các xe bọc thép bộ binh tại khu vực Gogra Hot Spring đã lùi từ 2 đến 3 km về phía lãnh thổ Trung Quốc. Tin cho biết, PLA đã rút khỏi khu vực này khoảng 20 xe quân sự; dĩ nhiên điều này là không đủ vì họ tự kéo đến thì phải rút về hết.

Quân khu Tây Tạng (Trung Quốc) diễn tập thực binh ở gần khu vực biên giới Ấn Độ hôm 1/6 (Ảnh: CCTV).
Quân khu Tây Tạng (Trung Quốc) diễn tập thực binh ở gần khu vực biên giới Ấn Độ hôm 1/6 (Ảnh: CCTV).

Một quan chức khác nói, "đây là một bước tiến tới khôi phục nguyên trạng (như hồi đầu tháng 4). Các binh sĩ Ấn Độ cũng rút lui khỏi các vị trí tiền duyên trong các khu vực này”. Tuy nhiên, Ấn Độ kiên quyết không nhượng bộ trong vấn đề cốt lõi: không chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc về việc ngừng làm 2 con đường chiến lược.

The Hindustan Times dẫn lời hai quan chức cấp cao nói, Ấn Độ đang xây dựng hai tuyến đường chiến lược quân sự ở khu vực phía đông Ladakh, nơi hai quân đội đối đầu nhau trong vài tuần qua.  

Con đường đầu tiên đang được xây dựng là đường chiến lược Darbuk-Shyok-Daulat Beg Oldi (DS-DBO), nối với Daulat Beg Oldi, tiền đồn cực bắc của Ấn Độ. Con đường thứ hai chạy từ Sasoma đến Saser La, nằm ở phía tây nam của con đường thứ nhất. Phía Ấn Độ quyết tâm hoàn thành việc xây dựng toàn bộ con đường vào mùa hè này, bao gồm cây cầu dài 60 mét bắc qua sông Garwan hoặc sông Narra, gần ngã ba sông Shayak. Quan chức này cho biết: "Chúng tôi phải hoàn thành việc xây dựng cây cầu bê tông trong tháng này và việc xây dựng đường trước mùa đông".

Tuyến đường chiến lược Ấn Độ đang xây dựng trong lãnh thổ do họ kiểm soát mà Trung Quốc đang ngăn cản (Ảnh: indiandefencereview).
Tuyến đường chiến lược Ấn Độ đang xây dựng trong lãnh thổ do họ kiểm soát mà Trung Quốc đang ngăn cản (Ảnh: indiandefencereview).

The Times of India ngày 10/6 cũng đưa tin, hai bên đã rút khỏi 3 trong số 4 điểm tranh chấp ở tuyến kiểm soát thực tế (LAC) ở Đông Ladakh để tạo lòng tin chuẩn bị cho các cuộc đàm phán cấp quân đoàn tiếp theo vào ngày 10/6. Một nguồn tin nói: “Tuy đã đạt được thỏa thuận quân đội hai bên rút khỏi Galwan Valley và Gogra Hot Spring, nhưng phương thức thực tế cần phải được đề ra trên bàn hội nghị. Đối thoại cấp Thiếu tướng có thể sẽ diễn ra vào ngày 10 hoặc 11/6. Phải đi tiếp một chặng đường nữa mới đến được khôi phục nguyên trạng; hiện vẫn chưa có gì là chắc chắn”.

Theo báo này, cuộc đối đầu chủ yếu giữa các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực từ Finger-4 đến Finger-8 ở phía Bắc hồ Pangong (Pangong Tso) vẫn đang tiếp diễn và vấn đề này sẽ được thảo luận một lần nữa tại một cuộc đàm phán cấp quân đoàn sẽ được tổ chức tới đây. Khu vực này bị quân đội Trung Quốc tràn sang chiếm giữ từ đầu tháng 5, ngăn cản hoạt động tuần tra của quân đội Ấn Độ.

Một đoạn đường do Ấn Độ xây dựng tại khu vực Ladakh mà Trung Quốc nói có tranh chấp (Ảnh: swarajyamag.com).
Một đoạn đường do Ấn Độ xây dựng tại khu vực Ladakh mà Trung Quốc nói có tranh chấp (Ảnh: swarajyamag.com).

The Times of India viết, cuộc đối đầu ở hồ Pangong vẫn là một vấn đề lớn. Cuộc hội đàm ở cấp sư đoàn giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ được tổ chức vào thứ Tư (10/6) và các cuộc hội đàm ở cấp quân đoàn sẽ sớm được tổ chức sau đó.

Ngoài ra, sau khi Trung Quốc tăng cường binh lực tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hơn 8.000 binh sĩ lực lượng dự bị Ấn Độ vẫn được triển khai tại các địa điểm được chỉ định.

Ngày 8/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp báo thường kỳ, các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức một "cuộc đàm phán cấp quân đoàn" tại địa điểm biên giới ở Moldo hôm 6/6 để giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới gần đây. Bà nói “hai bên sẵn sàng giải quyết ổn thỏa các vấn đề liên quan thông qua đàm phán và hiệp thương”.

Quân đội Ấn Độ tuần tra ở khu vực biên giới Trung - Ấn (Ảnh: The Hindu)
Quân đội Ấn Độ tuần tra ở khu vực biên giới Trung - Ấn (Ảnh: The Hindu)

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 8/6 nói rằng các cuộc đàm phán cấp quân đoàn đầu tiên giữa Trung Quốc và Ấn Độ là "tích cực".

Ông nói: "Ấn Độ và Trung Quốc đều đồng ý giải quyết các tranh chấp biên giới trong tương lai và hiện tại thông qua các cuộc đàm phán”.

Hiện trạng ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ rốt cục là thế nào? BBC ngày 9/6 đã đăng bài nhan đề "Cuộc đối đầu Trung-Ấn: Dân làng thể hiện sợ hãi và lo lắng khi BBC đến thăm vùng Ladakh". Bài báo của phóng viên BBC từ Ladakh, Ấn Độ viết, bất chấp cuộc đối đầu Trung-Ấn đã xuất hiện sự hòa giải, nhưng người dân địa phương vẫn trong tình trạng hoảng loạn, và cuộc xung đột làm cho cuộc sống của họ không thể tiếp tục. Cũng có những người dân địa phương nói rằng thông tin liên lạc trong khu vực biên giới vẫn bị phong tỏa.

Xe quân sự Trung Quốc được cho là tăng cường ra biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Đa Chiều).
Xe quân sự Trung Quốc được cho là tăng cường ra biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Đa Chiều).

Konchok Stanzin, một ủy viên của làng Chushul trong Ủy ban tự trị Ladakh, nói: "Tôi rất lo lắng về dân làng vì một số ngôi làng của chúng tôi chỉ cách nơi xảy ra cuộc đối đầu Ấn Độ-Trung Quốc 2-3 km”.

Stanzin nói: "Mọi người cảm thấy sợ hãi vì có rất nhiều binh sĩ đang hành quân trong khu vực này. Sau cuộc Chiến tranh năm 1962, chúng tôi chưa bao giờ thấy một cảnh tượng như vậy”.

Sonam Angchuk, một trưởng lão trong làng ở rất gần với đường kiểm soát thực tế (LAC), nói: "Chúng tôi mỗi ngày đều thấy 100 đến 200 xe đến làng mình. Những cuộc di chuyển xe quân sự bất thường này khiến chúng tôi rất sợ hãi”.

Ông nói: "Các cuộc hỗn chiến giữa quân đội của chúng tôi và quân đội Trung Quốc cũng đã xảy ra trong quá khứ, nhưng tình hình hiện nay có vẻ rất bất thường”.

Tashi Yakzee, một thành viên của Ủy ban tự trị Ladakh ở làng biên giới phía đông Ladakh, nói: "Ngôi làng Manmerak nằm đối diện với điểm nóng Finger-4 ở ven hồ Pangong. Dân làng rất sợ hãi và họ đang gặp nhiều khó khăn vì nơi này rất gần biên giới”.

Lính Trung Quốc ngăn cản xe tuần tra của quân đội Ấn Độ rkv tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều).
Lính Trung Quốc ngăn cản xe tuần tra của quân đội Ấn Độ rkv tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều).

Thông tin liên lạc ở hầu hết các làng ở Ladakh không thông suốt. Kể từ tuần trước, nhà khai thác viễn thông BSNL của nhà nước Ấn Độ cung cấp dịch vụ tại các làng ở vùng sâu vùng xa đã đình chỉ hoạt động, điều này khiến người dân địa phương càng thêm lo ngại.

Ông Sonam Anchuk ở khu vực hồ Pangong nói: "Vấn đề ở khu vực biên giới là nếu có chuyện gì xảy ra, họ đều cắt đứt liên lạc, điều này gây rắc rối cho chúng tôi. Ở đây chỉ có mạng BSNL bắt đầu hoạt động từ 6 năm trước”.

Các làng biên giới ở Ladakh hầu như không có điện thoại di động và dịch vụ internet. Trưởng làng Chuma, Padma Ihi, nói: "Chúng tôi không có bất kỳ hệ thống liên lạc nào. Nếu có chuyện gì xảy ra, chúng tôi liên hệ với ai và làm thế nào để liên lạc là một vấn đề lớn”.