Ván cờ siêu cường Trung Quốc, Mỹ sẽ định đoạt vào năm 2020?

VietTimes -- Chuyên gia Trung Quốc tin rằng đến 2018, Trung Quốc sẽ sở hữu số lượng nhất định máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 J-20. Trung Quốc cũng đã quân sự hóa xong 7 đảo ở Trường Sa, có thể sử dụng tốt 3 sân bay đủ sức cho hơn 100 máy bay chiến đấu hạng nặng, tương đương với 3 hàng không mẫu hạm hạt nhân...
Chiến đấu cơ Trung Quốc khai hỏa vào mục tiêu trong cuộc tập trận
Chiến đấu cơ Trung Quốc khai hỏa vào mục tiêu trong cuộc tập trận

(tiếp theo kỳ trước)

"Trung Quốc biến Biển Đông thành ao nhà, thế bá chủ Mỹ sẽ lung lay"

Tham vọng toàn cầu

Kim Xán Vinh nhận định, vì một trong những tiêu chí trở thành siêu cường là kiểm soát biển, cho nên người Mỹ cũng hiểu rõ tham vọng này của Trung Quốc. Tuy nhiên vì tư duy của người Mỹ là tư duy công nghiệp, họ nghĩ Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông thì phải sau năm 2050, vì cho rằng muốn kiểm soát Biển Đông phải có lực lượng hải quân hùng mạnh, cần có đội 6 hàng không mẫu hạm động lực hạt nhân. Thứ nữa, người Mỹ cho rằng Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề đầy mâu thuẫn từ trong nước, cho rằng Trung Quốc sớm muộn gì cũng như Liên Xô trước đây. Nhưng Trung Quốc hiện đã tìm được biện pháp khắc phục việc này là phải sớm xây dựng đảo nhân tạo trên biển.

Chuyên gia Trung Quốc phân tích hoang tưởng rằng, chỉ cần Trung Quốc biến được Biển Đông thành ao nhà là địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ sẽ lung lay vì những lý do:

Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là tuyến giao thông thương mại tấp nập nhất thế giới, 45% sản lượng hàng hóa thế giới nằm ở tuyến đường này. Nếu Trung Quốc kiểm soát Biển Đông thì có thể kiểm soát 90% thương mại của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, theo đó thúc đẩy thương mại giữa hai nước Trung - Ấn, khi đó Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương sẽ chiếm hơn một nửa lượng giao dịch thương mại thế giới.

Trung Quốc tham vọng sở hữu nhiều tàu sân bay, kể cả mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm đối phó Mỹ
Trung Quốc tham vọng sở hữu nhiều tàu sân bay, kể cả mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm đối phó Mỹ
Lính dù Trung Quốc tham gia diễn tập
Lính dù Trung Quốc tham gia diễn tập
Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục tập trận gây căng thẳng khu vực
Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục tập trận gây căng thẳng khu vực

Hai đồng minh chính của Mỹ ở Viễn Đông là Hàn Quốc và Nhật Bản phụ thuộc vào tuyến đường này rất nhiều, 80% hàng hóa đến Nhật Bản xuất phát từ đây, còn Hàn Quốc đến 90%. Nếu Trung Quốc kiểm soát tuyến đường này thì các nước này sẽ không còn mặn mà với vị thế là đồng minh của Mỹ, có thể Mỹ sẽ mất đồng minh ở Đông Á.

Mỹ mất vị thế bá quyền ở Ấn Độ Dương, vì vị thế này của Mỹ có được là nhờ hai điểm: Thứ nhất, kiểm soát vùng Diego Garcia (đảo nằm ở trung tâm Ấn Độ Dương, cách khoảng 1.000 dặm về phía nam của bờ biển Ấn Độ và Sri Lanka. Đảo này vốn thuộc cộng hòa Mauritius, trước thuôc Anh sau đó chuyển qua cho Mỹ, rộng hơn 130 km2, là cứ điểm then chốt để Mỹ kiểm soát Ấn Độ Dương).

Thứ hai, Hạm đội 6 của Mỹ nằm tại một số căn cứ quân sự trong vùng Vịnh, đó là hai sừng của Mỹ để kiểm soát Ấn Độ Dương, nếu Ấn Độ Dương gặp nguy hiểm sẽ có tiếp ứng của đội ở Thái Bình Dương, nhưng nếu Trung Quốc khống chế Biển Đông thì sẽ cắt đứt đường tiếp viện này từ các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, nghĩa là sẽ cô lập vùng vịnh, Kim Xán Vinh phân tích.

Người Mỹ cũng hiểu rằng, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng chiến lược chuỗi ngọc trai với 5 căn cứ lớn tại các nước Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan để kiểm soát Ấn Độ Dương. Nếu chuỗi ngọc trai này hình thành và cộng thêm việc Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ dễ dàng khống chế căn cứ quân sự của Mỹ ở Diego Garcia. Nếu Mỹ không thể kiểm soát được Ấn Độ Dương thì Mỹ cũng không còn sức ảnh hưởng ở Trung Đông, và vị thế số một của Mỹ cũng mất. Mỹ sẽ khó chấp nhận thực tế này.

Chiến đấu cơ xuất kích làm nhiệm vụ từ tàu sân bay Mỹ
Chiến đấu cơ xuất kích làm nhiệm vụ từ tàu sân bay Mỹ
Máy bay không người lái X-47B của Mỹ tiếp dầu trên không
Các phương tiện không người lái như máy bay X-47B sẽ được Mỹ sử dụng nhiều trong các cuộc chiến tương lai

Chuyên gia Trung Quốc nhận định, ban đầu Mỹ nghĩ Trung Quốc chỉ là thách thức trong tương lai xa nên đã mất cảnh giác tại Biển Đông, nhưng hiện nay Mỹ đã chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng đối phó. Trong khi Trung Quốc hiện nay cũng không thể lùi bước, như ông Tập Cận Bình đã nói, “năng lượng của dân tộc Trung Hoa đã bị nén quá lâu, giờ phải bung ra”.

Trung Quốc xông vào “ranh giới đỏ” năm 2018

Chuyên gia Kim Xán Vinh còn đổ tội cho Mỹ về tình hình Biển Đông vì sức ép của Mỹ nên Trung Quốc phải ra tay hành động (xây đảo nhân tạo phi pháp, quân sự hóa Biển Đông). Vị chuyên gia này trù tính vào khoảng năm 2018 sẽ xây đảo tại bãi cạn Scarborough, xông vào “ranh giới đỏ” của Mỹ. Vì thế, Kim Xán Vinh hô hào người dân Trung Quốc phải chuẩn bị tư thế, vì cuộc sống của mọi người sẽ bị ảnh hưởng.

Chuyên gia Trung Quốc dự đoán xung đột sẽ nổ ra vào 2018 khi Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Scarborough. Để bồi lấp đảo trái phép Bắc Kinh cần chọn thời điểm thích hợp, nên chọn lúc Mỹ đang rối ren vì nhiều việc. Thứ hai, Trung Quốc cần chuẩn bị “món quà” cho Mỹ, giống như Triều Tiên, Iran, Syria, Afghanistan buộc Mỹ phải quan tâm, “món quà” này sẽ dùng để trao đổi với Mỹ. Thứ ba, Kim kêu gọi Trung Quốc phải hành động kiên quyết, cho đối phương biết mình đã chuẩn bị đầy đủ, khi đó đối phương nghĩ có đánh cũng không thắng nổi.

Theo Kim Xán Vinh, đến thời điểm hành động năm 2018, Trung Quốc cần hoàn tất việc chuẩn bị quân sự theo những điểm sau: Thứ nhất, tạo thế răn đe chiến lược. Thứ hai, tạo thế mạnh về vũ khí. Chuyên gia Trung Quốc tin rằng đến 2018, Trung Quốc sẽ sở hữu số lượng nhất định máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 Chengdu J-20. Đượcc biết hiện Trung Quốc đã có 4 chiếc J-20, đến 2018 sẽ có một lượng nhất định đảm bảo được ưu thế kiểm soát trên không.

Ngoài ra, khi đó Trung Quốc cũng đã quân sự hóa xong 7 đảo ở Trường Sa, có thể sử dụng tốt 3 sân bay đủ sức cho bay hơn 100 máy bay chiến đấu hạng nặng, tương đương với 3 hàng không mẫu hạm động lực hạt nhân. Cũng cần bố trí bến cảng tại ba đảo này có thể neo đậu các tàu chiến cỡ  5.000 – 6.000 tấn, có thể tổ chức tốt một hạm đội tầm trung. Ngoài ra phải có hệ thống đạn đạo, Kim Xán Vinh đề xuất.

Cận cảnh Đá Subi bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa
Cận cảnh Đá Subi bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa
Chiến đấu cơ thế hệ 5 Chengdu J-20 của không quân Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm
Chiến đấu cơ thế hệ 5 Chengdu J-20 của không quân Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng năm 2018 Trung Quốc sẽ có tàu sân kép. Tàu sân bay nội địa Trung Quốc đang gấp rút xây dựng ở Đại Liên có thể hạ thủy vào cuối năm nay, sang năm 2017 sẽ bàn giao cho hải quân.

Theo Kim Xán Vinh, cuộc chiến Trung – Mỹ sẽ bắt đầu từ thời điểm Trung Quốc bồi lấp đảo bãi cạn Scarborough, sau khi Trung Quốc thắng sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (trái phép). Biển Đông sẽ trở thành ao nhà của Trung Quốc, biên giới biển của Trung Quốc sẽ nằm ở quần đảo Trường Sa.

Nhưng từ ngày khởi công cho đến ngày hoàn thành là quãng thời gian vô cùng nguy hiểm, cả nước Trung Quốc phải chuẩn bị sẵn tư thế trước bước đi mạo hiểm lịch sử này. Ván cờ Trung – Mỹ sẽ kết thúc vào năm 2020 chứ không phải năm 2050, Kim Xán Vinh phán một cách đầy cảm tính, chủ quan.