Từ những quốc gia cạnh tranh địa chính trị ở khu vực Đại Trung Đông
Đại Trung Đông là tên gọi để chỉ khu vực trải dài từ châu Phi, qua Trung Đông, tới Nam Á và Trung Á là vành đai địa chính trị cực kỳ quan trọng của thế giới, nơi ẩn chứa tài nguyên gần như vô tận và tiềm năng thị trường, đầu từ khổng lồ chưa được khai phá. Vì thế, đây cũng là tâm điểm cạnh tranh địa chính trị khốc liệt của các cường quốc.
Mỹ là quốc gia duy nhất từ lâu đã hoạch định và thực thi chiến lược Đại Trung Đông nhằm phục vụ cho mục đích chiến lược toàn cầu của Mỹ trong thế kỷ XXI [1,2]. Còn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là những quốc gia theo đuổi các mục tiêu địa chính trị mâu thuẫn nhau ở khu vực này và do đó họ có quan điểm và cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau đối với chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ [3,4].
Kể từ cuối năm 2011, chính quyền Mỹ dưới thời cầm quyền của Tổng thống Barack Obama thông qua các biến động chính trị mang tên “Mùa xuân Arab” để thực hiện chiến lược Đại Trung Đông nhằm thay đổi biên giới của 24 quốc gia, từ Maroco tới Afghanistan, làm bàn đạp để Mỹ tiến tới thiết lập quyền kiểm soát đối với toàn bộ lục địa Á-Âu [3].
Trong khi Nga coi chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ là “cuộc thập tự chinh thời hiện đại”, Iran coi chiến lược này là “hành động xâm lược”, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại là thành viên và là đồng tác giả chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ với toan tính “đục nước béo cò”, theo đó sẽ nhân cơ hội Mỹ muốn “vẽ lại” bản đồ khu vực Đại Trung Đông để thực hiện tham vọng phục hồi Đế chế Ottoman có lãnh thổ bao gồm một phần Iraq, Iran và Syria.
Vì thế, phản ứng trước các biến động chính trị mang tên “Mùa xuân Arab”, Nga và Iran chủ trương tôn trọng thế chế chính trị và chủ quyền quốc gia của các nước Bắc Phi-Trung Đông, kiên quyết phản đổi sự can thiệp từ bên ngoài, còn Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ chủ trương của Mỹ thay đổi thế chế chính trị các nước trong khu vực mà điển hình nhất là đòi loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad [4].
Chiến lược Đại Trung Đông tuy bề ngoài là chủ trương “cải cách căn bản các nước Arập”, nhưng trên thực tế đã loại bỏ quyền tự do của họ, làm tê liệt ý chí và làm cho họ hoàn toàn phụ thuộc vào các quyết định sẽ được thông qua tại Washington theo quan điểm chiến lược của các lực lượng tân bảo thủ. Để thực hiện chiến lược này, Mỹ sử dụng kết hợp “sức mạnh cứng” (quân sự) và “sức mạnh mềm” (kinh tế, ngoại giao). Sử dụng “sức mạnh cứng”, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan (2001), Iraq (2003), Libya (2011) và Syria (từ 2011 tới nay).
Trong quá trình diễn ra các biến động chính trị “Mùa xuân Arab” từ năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ-thành viên của NATO do Mỹ đứng đầu, luôn ủng hộ quan điểm và hành động của Mỹ, trong đó đáng chú ý nhất là chính quyền Ankara một mực đòi loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad-đồng minh của Nga, và đặc biệt nghiêm trọng là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga trong tháng 11/2015 khi đang làm nhiệm vụ chống khủng bố ở Syria. Hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm làm thất bại chiến dịch quân sự chống khủng bố do Nga tiến hành ở Syria.
Đến nay chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ mà Thổ Nhĩ Kỳ là đồng tác giả về cơ bản đã bị phá sản. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng chiến lược và quay sang kết thân với Nga. Sự chuyển hướng chiến lược này của Thổ Nhĩ Kỳ còn bị tác động từ âm mưu bất thành của Mỹ tiến hành cuộc đảo chính hồi tháng 6/2016 nhằm loại bỏ Tổng thống Edogan sau khi Washington phát hiện thấy dấu hiệu chứng tỏ Ankara đang “cài đặt lại” quan hệ với Matxcơva.
Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ bất đồng và xung đột với Nga mà còn với cả Iran mà nguyên nhân sâu xa ẩn dấu ở mâu thuẫn đối kháng tới mức “không đội trời chung” giữa hai dòng Hồi giáo Shiite ở Iran với dòng Hồi giáo Sunni ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Iran đang theo đuổi vai trò quốc gia dẫn đầu và trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo Shiite thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hướng tới vị thế đứng đầu thế giới Hồi giáo Sunni.
Trong khi đó, Nga với kinh nghiệm đối thoại giữa các sắc tộc và tôn giáo trong nước, có thể đóng vai trò quan trọng là hòa giải hai dòng Hồi giáo Sunni ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hồi giáo Shiite ở Iran. Lãnh tụ tối cao của Iran, ông Ayatollah Khamenei, đánh giá rất cao vai trò này của Nga.
Động lực thúc đẩy liên kết Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ
Động lực bao trùm có tác động thúc đẩy liên kết Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ là cả ba nước đều hướng tới mục đích đánh bại chủ nghĩa khủng bố mà đứng đầu là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) bởi lực lượng này là hiểm họa đặc biệt nghiêm trọng đối với cả ba nước. Vì thế, trong thời gian qua Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác cùng nhau rất có hiệu quả trong cuộc chống lại IS ở Syria. Trong quá trình hợp tác ba bên để chống IS, Thổ Nhĩ Kỳ còn theo đuổi mục đích riêng là tiêu diệt các lực lượng người Kurd mà theo Ankara cũng là một tổ chức khủng bố.
Một động lực khác không kém quan trọng là cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang đứng trước một đối thủ chung là Mỹ. Trong khi Đạo luật H.R.3364 vừa được quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn ngày 2/8/2017 coi Nga và Iran là “quốc gia xâm lược”, thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang “được” Mỹ và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa vào “điểm ngắm” cần phải làm tan rã. Vì thế mà Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định mua tên lửa phòng không siêu hiện đại S-400 của Nga để “phòng thân”.
Ngoài ra, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều đang đứng trước nguy cơ hình thành Nhà nước Kurdistan độc lập được Mỹ bảo trợ và có lãnh thổ bao gồm nhiều khu vực của Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Theo cuộc thăm dò ý kiến do Đại học Kadir tiến hành trong năm 2017, đã có 2/3 số người Thổ Nhĩ Kỳ (66,5%) coi Mỹ là mối đe dọa chính đối với quốc gia này.
Hình thành trục liên kết Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ
Trong mấy tháng gần đây, nguyên thủ ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran liên tiếp có các cuộc tiếp xúc và đối thoại liên quan tới nhu cầu hợp tác giữa ba quốc gia để hóa giải cuộc khủng hoảng Syria. Nhận định về xu hướng hợp tác này, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đã nói đến “trục Á-Âu mới bao gồm Matxcơva-Teheran-Ankara.
Nhìn chung, bất kỳ trục liên kết nào cũng có cơ hội tồn tại và phát triển một khi không có bất cứ bên nào trong đó theo đuổi tham vọng vượt lên giành vai trò áp đảo tương tự như vai trò của Mỹ trong nhiều liên minh. Chính tham vọng này của Mỹ trong trong nhiều thập kỷ và đã từng đưa Trung Đông sa vào tình trạng khủng hoảng triền miên. Một khi trục liên kết Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ thành công sẽ mở ra kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng ở Trung Đông [5].
Biểu hiện rõ ràng và sinh động nhất về sự hình thành trục liên kết Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ là ngày 22/11/2017, tại thành phố Sochi (Nga) khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ với nội dung trọng tâm là hóa giải cuộc khủng hoảng Syria. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Nga V.Putin nhận định rằng hiện nay đã có cơ hội thực tế để thực hiện tiến trình chính trị nhằm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu kéo dài nhiều năm qua tại Syria.
Tại cuộc gặp này, nguyên thủ ba nước đã thảo luận các bước đi tiếp theo để bảo đảm cho tiến trình bình thường hóa và ổn định tình hình lâu dài tại Syria. Đó là, khởi động tiến trình chính trị, tổ chức Đại hội đối thoại dân tộc Syria, duy trì các khu vực giảm căng thẳng, đặc biệt là tại các nơi có lực lượng người Kurd vũ trang, giúp đỡ nhân đạo và tái thiết Syria. Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, Tổng thống Nga V.Putin cho biết, lãnh đạo ba nước đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong vấn đề Syria.
Tuyên bố chung khẳng định, nguyên thủ ba nước Nga. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều ủng hộ sáng kiến triệu tập Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi, đồng thời xem xét thời điểm và thành phần tiến hành sự kiện quan trọng này nhằm bảo đảm có sự tham gia rộng rãi của các phe phái ở Syria. Nguyên thủ ba nước chỉ đạo các cơ quan ngoại giao, an ninh và quốc phòng thảo luận về công tác chuẩn bị và thời gian tổ chức Đại hội đối thoại. Ba nước cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là chống IS. Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh, cần chấm dứt mọi sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc xung đột tại Syria. Nếu có sự hiện diện quân sự của nước ngoài, nhất thiết phải trên cơ sở được chính phủ Syria chấp nhận, nếu không sẽ bị coi là xâm lược.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố chung Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ ở Sochi. Bộ Ngoại giao Syria nhận định, Hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Sochi được tổ chức sau thành công của một loạt cuộc đối thoại hòa bình về Syria do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Còn trên thực địa, lực lượng chính phủ Syria đã giành nhiều thắng lợi quan trọng trong cuộc chiến kéo dài hơn 6 năm qua và đã giải phóng hơn 90% diện tích lãnh thổ.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng chục phe nhóm vũ trang, trong đó có các phe nhóm khủng bố. Mỗi phe nhóm có một hệ tư tưởng và lực lượng địa phương ủng hộ tùy theo bản chất sắc tộc hay tôn giáo và được nước ngoài bảo trợ. Do đó, việc thiết lập một nền hòa bình bền vững là nhiệm vụ vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có sự nhượng bộ từ tất cả các bên liên quan. Trong đó, mối quan hệ phức tạp nhất là giữa Iran và Saudi Arabia, giữa Israel với các nước trong khu vực và đặc biệt là Mỹ chưa thể chấp nhận thất bại và chịu cảnh “trắng tay” sau những toan tính liên quan tới chiến lược Đại Trung Đông.
Trong bối cảnh ấy, trục liên kết Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là động lực rất quan trọng tạo ra những thay đổi lớn trong cục diện chính trị-an ninh và hợp tác kinh tế ở Trung Đông. Liên kết này có thể đưa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Tổ chức hợp tác Thượng Hải và Liên minh kinh tế Á-Âu. Có thể đây là dấu hiệu về kỷ nguyên hình thành không gian hợp tác mới trên lục địa Á-Âu.
Nhận định về ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vừa kết thúc ở Sochi, hãng CNN nhận định sự kiện này có ý nghĩa quan trọng tương tự như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Anh-Liên Xô ở Yalta năm 1945 để giải quyết những bất đồng giữa ba cường quốc để buộc phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện và tổ chức lại trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ II khi cục diện cuộc chiến này đã ngã ngũ./.
Tài liệu tham khảo
[1] New American Strategy in the Middle East. https://www.usip.org/sites/default/files/pwks1.pdf
[2] Американская военная стратегия на Большом Ближнем Востоке. http://www.warandpeace.ru/ru/analysis/vprint/67127/
[3] Egypts Revolution: Creative Destruction for a Greater Middle East? http://www.warandpeace.ru/en/exclusive/vprint/55187/
[4] Turkey’s Role in the Middle East.https://www.huffingtonpost.com/raghida-dergham/a-new-american-strategy-i_b_14698080.html
[5]Новая тройка. Россия, Иран и Турция делают крупный шаг к миру в Сирии. https://www.fondsk.ru/news/2017/11/23/novaja-troika-rossia-iran-turcia-delaut-krupnyj-shag-k-miru-v-sirii-45108.html
[6]Американские СМИ возмущены, почему Путин не пригласил США в Сочи на встречу по Сирии. https://topwar.ru/130330-smi-ssha-putin-provel-analog-yaltinskoy-konferencii-ne-priglasiv-ssha.html?utm_source=website&utm_medium=push&utm_campaign=relevant