Gần đây, Hungary, một quốc gia thân Trung Quốc ở châu Âu, cũng tuyên bố công khai vaccine của Trung Quốc "thực sự có vấn đề", vì thực tế những người cao tuổi được tiêm chúng đã không tạo ra đủ kháng thể đề kháng virus.
Hãng tin AP ngày 9/7 đưa tin, tại Budapest, thủ đô của Hungary, nhiều người cao tuổi đã tiêm hai liều vaccine Sinopharm Trung Quốc, nhưng đã không tạo ra đủ kháng thể để chống lại loại vi rút coronavirus chủng mới.
Phó thị trưởng Budapest, Ambrus Kiss, nói rằng sự xuất hiện của tình trạng này khiến lãnh đạo thành phố tin rằng vaccine của Trung Quốc “thực sự có vấn đề”. Ông cũng nói rằng chính phủ nên xem xét tiêm liều thứ ba cho những người không phát triển được phản ứng miễn dịch đầy đủ.
Hungary là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu triển khai tiêm vaccine và cũng là quốc gia thành viên EU duy nhất sử dụng vắc-xin Sinopham của Trung Quốc. Truyền thông Hungary Hungary Today đã đăng một bài báo có tựa đề "Vấn đề về vaccine Sinopharm của Hungary" số ra đầu tháng 7, đặt câu hỏi về tính hiệu quả của vaccine Sinopharm của Trung Quốc.
Tin cho biết, 1 triệu người ở Hungary đã được tiêm vaccine Sinopharm Trung Quốc, hầu hết là người cao tuổi. Tuy nhiên, theo tài liệu kiểm tra kháng thể của 450 người tại một phòng thí nghiệm ở Budapest, nhiều người cao tuổi không thể có đủ miễn dịch sau khi tiêm vắc xin Sinopharm.
Các tài liệu cho thấy 90% người dưới 60 tuổi 2 đến 3 tuần sau khi tiêm liều thứ hai đã phát triển kháng thể; nhưng chỉ 60% những người trên 70 tuổi có tác dụng tương tự. Và 90% tất cả các nhóm tuổi đều có thể sản xuất kháng thể một cách hiệu quả cho những người được tiêm vaccine Pfizer.
Tài liệu chỉ ra rằng giá trị kháng thể của vaccine Sinopharm thấp hơn 10 lần so với vaccine Pfizer, tuổi càng cao thì tỷ lệ không thể tạo đủ kháng thể càng cao.
Kênh CNBC của Mỹ mới đây đã trích dẫn dữ liệu từ trang web Our World In Data cho biết: Ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao và tỷ lệ nhiễm SARC-CoV-2 cao, hầu hết đều dựa vào vaccine Trung Quốc sản xuất. Trong đó, 5 trong số 6 quốc gia chủ yếu tiêm vaccine Trung Quốc, là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Seychelles, Mông Cổ, Uruguay và Chile.
Bộ Y tế Thái Lan hôm Chủ nhật (11/7) cho biết, hơn 600 nhân viên y tế nước này đã được tiêm hai liều vaccine Sinovac của Trung Quốc nhưng vẫn được chẩn đoán nhiễm COVID-19. Các nhà chức trách đang xem xét liệu có nên tiêm liều thứ ba là các loại vaccine khác cho nhóm nguy cơ cao này để cải thiện khả năng bảo vệ hay không.
Do số người bệnh tăng mạnh, Thái Lan đã tận dụng các nhà thi đấu thể thao để xây dựng bệnh viện cabine (Ảnh: huanqiu). |
Hãng tin Reuters đưa tin, theo thống kê của Bộ Y tế Thái Lan, từ tháng 4 đến tháng 7, trong số 677.348 nhân viên y tế đã tiêm 2 mũi vaccine Sinovac, đã có 618 người bị nhiễm COVID-19, trong đó có 1 người y tá đã chết và một người đang trong tình trạng nguy kịch.
Một quan chức cấp cao cho biết tại cuộc họp báo rằng nhóm chuyên gia khuyến nghị nhân viên y tế tiêm liều vaccine thứ ba để cải thiện khả năng miễn dịch, và “liều vaccine thứ ba sẽ có nhãn hiệu khác, nếu không phải AstraZeneca thì cũng là vaccine axit ribonucleic thông tin (mRNA) mà Thái Lan sẽ nhận được trong tương lai gần". Chính phủ sẽ thảo luận về các kiến nghị trên vào ngày 12/7.
Dịch bệnh ở Thái Lan hiện đang rất nghiêm trọng. 91 người đã chết trong ngày 10/7 và 9.418 trường hợp mới lây nhiễm được xác nhận, báo cáo hôm 11/7. Cả hai con số này đều phá kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát. Cho đến nay, đã có tổng số 336.371 người Thái Lan mắc bệnh và 2.711 người tử vong.
Trước đó, báo chí Indonesia cũng đưa tin nhiều thày thuốc nước này cũng đã bị nhiễm COVID-19 và thậm chí tử vong mặc dù đã được tiêm vaccine của Trung Quốc.
(Theo CNA).
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu