V-League 2019: Nam Định đang và sẽ đi về đâu?

VietTimes -- Tạm quên đi những màn pháo sáng, án phạt, chuyên mục bóng đá VietTimes sẽ đưa khán giả sân Thiên Trường quay lại các trận đấu của Nam Định ở lượt đi V-League 2019. Một góc phân tích khách quan và chuyên sâu được thực hiện bởi các phần mềm theo dõi bóng đá và các nhà báo thể thao nhiều năm trong nghề.

Nếu kết thúc V-League 2019 đội bóng thành Nam đứng vào tốp 10 cũng là thành tích không hề tồi (ảnh VPF)
Nếu kết thúc V-League 2019 đội bóng thành Nam đứng vào tốp 10 cũng là thành tích không hề tồi (ảnh VPF)

Khá nhiều đội bóng Việt Nam thuộc dạng “con nhà giàu” nhưng lại rất ít khán giả, điển hình là Hà Nội, TP.HCM. Ngược lại có vài ba đội có lực lượng khán giả dồi dào, nhiệt tình nhưng quanh năm “chạy ăn từng bữa” không có tiền mua cầu thủ giỏi, ngoại binh hay.

Nam Định, SLNA là một trong những đội bóng như thế, hầu như dùng “cây nhà, lá vườn” do mình tự đào tạo theo kiểu có bao nhiêu dùng bấy nhiều. Lối đá của họ luôn có những chất riêng, tạo thành bản sắc không lẫn vào đâu, dù không phải lúc nào họ cũng thắng.

Đi tìm bản sắc Thành Nam

Hàng công, P.Tambwe mặc dù 35 tuổi nhưng đã ra sân 13 trận, đã ghi được 4 bàn thắng. Điểm mạnh của ngoại binh này là ngoài khâu ghi bàn còn có khả năng phòng thủ từ xa nhờ khả năng tranh chấp bóng tốt. P.Tambwe là cầu thủ thuận chân phải, 3 bàn thắng anh ghi bằng chân thuận đều là những cú sút uy lực trời giáng.

Nam Định= sức trẻ + ngoại binh (ảnh VPF)
Nam Định= sức trẻ + ngoại binh (ảnh VPF)

Diogo Pereira cũng đã có 5 bàn thắng, dù chỉ ra sân có 10 trận đấu, một hiệu suất ghi bàn đáng nể. Điểm mạnh của ngoại binh này là có khả năng chiến đấu độc lập, có thể làm tốt cả khâu kiến tạo cho đồng đội. Nếu tiền đạo trẻ Minh Tuấn đã có 9 lần ra sân thì vị trí quen thuộc của cầu thủ 20 tuổi Hải Linh là ghế dự bị để làm quen với không khí trên sân.

Trong 5 bàn thắng do ngoại binh Diogo số 11 thực hiện có 3 bàn từ chân phải, 2 bàn chân trái và không có bàn thắng bằng đầu, trong đó có 2 bàn từ những pha phản công, 2 bàn trên chấm penalty và 1 bàn tận dụng từ tình huống đá phạt. Diogo Pereira là cầu thủ chơi thiên về sức mạnh, nếu giải phóng bớt nhiệm vụ phòng ngự thì khả năng ghi bàn lượt về con cao hơn.

Hàng tiền vệ Mạnh Hùng, Đình Mạnh, Xuân Quyết và Hữu Định đang là những cầu thủ đá chính. Họ vừa có sự trở về của “đứa con lưu lạc” Sỹ Minh được cho là sự bổ sung quan trọng trong giải đoạn lượt về. Bên cạnh đó Thanh Trường sẽ có cơ hội vào sân nhiều hơn khi V-League về đích, dự báo thể lực đàn anh sẽ giảm sút. Việc không có ngoại binh ở tuyến giữa khiến đội bóng “anh em Văn Sỹ” thiệt thòi, nhiều trận P.Tambwe phải đá thấp xuống, làm giảm cơ hội ghi bàn.

Theo đánh giá của chúng tôi, “anh em nhà Văn Sỹ” đang làm rất tốt việc truyền lửa cho các học trò, nhiều cầu thủ trẻ đang phải “gánh vác sơn hà”. Điều họ cần làm ở lượt về là cải thiện khả năng chơi bóng bổng cả trong phòng ngự lẫn phản công.

Nam Định cần phải có bàn thắng bằng đầu, muốn thế phải cải thiện đường chuyền, nhất là khi có Sỹ Minh trong tay. Việc 2 ngoại binh đang có 9/14 bàn thắng chứng tỏ vai trò của họ khá lớn. Nhưng đường dài thì phải san vai, bởi rất có thể các đối thủ sẽ tìm cách hóa giải bằng cách kèm chặt các ngoại binh này.

Bức tường thành khó phá

Trong 5 bàn thắng do số 11 thực hiện có 3 bàn từ chân phải, 2 bàn chân trái  nhưng lại không có bàn thắng bằng đầu (ảnh VPF)
Trong 5 bàn thắng do số 11 thực hiện có 3 bàn từ chân phải, 2 bàn chân trái nhưng lại không có bàn thắng bằng đầu (ảnh VPF)

Điểm mạnh của Nam Định đầu mùa giải chính là hàng thủ, khi HLV Văn Sỹ đã làm “sống lại” cầu thủ nhập tịch Lê Văn Phú sau khi bị Hải Phòng thải ra. Hơn ai hết cổ động viên đất Cảng đầy nuối tiếc khi thầy Hải Phòng không trọng dụng trung vệ này để rồi chính họ bị thủng lưới 23 bàn, nhiều nhất V-League năm nay.

Đội trưởng 35 tuổi này cùng Quốc Hường, Văn Trường và Hạ Long cùng ngoại binh E.Aabaji trở thành bức tường trước khung thành của thủ môn Xuân Việt. Thủ môn 35 tuổi này bắt quá ổn định nên không cho 3 đàn em bất cứ cơ hội nào. Khi cần HLV Văn Sỹ chơi 2 tây phòng ngự, rất ít đội V-League chơi kiểu này.

16 bàn thua của Nam Định thì 5 ở sân Thiên Trường và 11 ở sân khách. 6 trận đấu sân nhà họ thắng 4, hòa 1 và thua 1. Người ta đánh giá trong 9 bàn thắng ghi được trên sân Thiên Trường có một nửa là do công “cầu thủ số 12” trên khán đài. HLV Văn Sỹ tỏ ra rất “biết mình, biết địch” lựa miếng đánh vừa sức và có khá nhiều tiểu xảo để học trò “câu penalty”, họ kiếm được 3 bàn thắng trên chấm 11m (chỉ sau Hà Nội và S.Khánh Hòa 4 bàn).

Phân tích 16 bàn thua, Nam Định để thủng lưới từ 7 pha ghi bàn khi đối phương cầm bóng tổ chức tấn công bài bản từ sân nhà, 6 bàn từ các tình huống phản công và 3 bàn từ các pha cố định (2 từ phạt góc). Điều này cho thấy khả năng đánh chặn của Nam Định khá ổn nhưng trong khâu bọc lót khi đối phương vây hãm khung thành vẫn cần cải thiện.

Thể lực- mấu chốt sống còn

Điều tiết thể lực đang là vấn đề lớn của Nam Định khi bước vào lượt về V.League 2019 (ảnh VPF)
Điều tiết thể lực đang là vấn đề lớn của Nam Định khi bước vào lượt về V.League 2019 (ảnh VPF)

Nam Định là đội duy nhất tại V-League cho đến giờ này không bị thủng lưới 30 phút đầu nhưng lại để thủng lưới 12 bàn ở hiệp 2. Đặc biệt có 5 bàn trong vòng 15 phút cuối trận, có vẻ như thể lực của Văn Phú là một trong những nguyên nhân.

Phần khác, Nam Định chủ yếu tập trung tấn công vào hiệp 2, đội hình dâng cao và tất nhiên hở sườn. Trong 4 mắt xích phòng ngự thì Quốc Hường, Hạ Long mới 25 tuổi, Mạnh Cường 26 tuổi cần phải bao sân hơn.

Với lối đá dựa vào sức mạnh tinh thần, niềm hứng khởi từ khán đài thì điều tiết thể lực như thế nào là cả vấn đề lớn. Đôi khi không phải cầu thủ mà ngoài đường piste, anh em nhà Văn Sỹ cũng hưng phấn quá mứt cần thiết, án phạt của VFF dành cho họ là một minh chứng. Dường như Nam Định đang xếp hàng ngang cùng tiến mà thiếu đi nhạc trưởng đúng nghĩa. Liệu Sỹ Minh có thể cầm nhịp trận đấu lượt về được không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Theo nhận định của chúng tôi, sau lượt đi Nam Định đang tạm thời vị trí thứ 11. Nếu kết thúc V-League 2019 đội bóng thành Nam đứng vào tốp 10 cũng là thành tích không hề tồi. Dường như trong cách mua bán cầu thủ, xây dựng lối đá từng trận đấu, “anh em nhà Văn Sỹ” đang tiết kiệm, dè sẻn đến từng đồng.

Phải đến lúc nào đó có Mạnh Thường Quân đúng nghĩa, may ra khán giả thành Nam mới thấy Nam Định “chơi lớn”, còn không, đành phải tạm hài lòng với những gì mình đang có.