Vào ngày 27/12/2017, các phần tử khủng bố đã phóng 3 tên lửa Grad nhằm vào căn cứ không quân Hmeymim của lực lượng vũ trang Nga ở Syria. 2 tên lửa đã bị hệ thống phòng không Pantsir của Nga đánh chặn, còn tên lửa thứ 3 bay chệch khỏi quỹ đạo và rơi xuống vùng ngoại ô thành phố Jebla. Một lần nữa, Pantsir lại chứng tỏ khả năng là một hệ thống phòng không cực kỳ hiệu quả trong tình huống chiến đấu thực tế.
Đầu tiên Pantsir có thể phóng tên lửa, sau đó nếu tên lửa bắn trượt, hệ thống sẽ sử dụng đạn pháo để tiêu diệt mục tiêu. Đây không phải là lần đầu tiên loại vũ khí này cứu mạng các quân nhân Nga. Vào cuối tháng 3/2017, Pantsir đã đánh chặn thành công 3 tên lửa nhắm vào Hmeymim. Đây thật sự là một hệ thống phòng thủ tầm gần (CIWS) có uy lực khủng khiếp, chỉ một số ít hệ thống cố hết sức mới có thể sánh ngang.
Theo Văn hóa Chiến lược, hệ thống tên lửa pháo phòng không nổi tiếng này hiện đang được chuẩn bị triển khai trên biển. Vào cuối tháng 12/2017, có nguồn tin cho biết phiên bản Pantsir-ME trên biển sẽ được thử nghiệm vào năm 2018. "Nó sẽ được thử nghiệm vào đầu năm tới, trước tiên là ở trên bộ, sau đó sẽ được lắp đặt trên một chiến hạm", Tổng giám đốc Cục Thiết kế Hàng hải Trung ương Almaz, ông Alexander Shlyakhtenko cho biết. Ông tuyên bố các thử nghiệm dự kiến sẽ được tiếp tục tiến hành trong 1 hoặc 2 năm.
Các tàu hộ vệ lớp Karakurt (dự án 22800) sẽ là những chiếc tàu đầu tiên được trang bị loại vũ khí mới này. Phiên bản hải quân đủ nhỏ để có thể lắp đặt trên các nền tảng khác nhau, bao gồm các tàu có lượng giãn nước từ 300 tấn trở lên. Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov sẽ được trang bị Pantsir-ME, thay thế cho các hệ thống CIWS hiện có.
Được trang bị các hệ thống điều khiển quang học và radar, Pantsir-ME có thể đánh chặn tên lửa trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả khi bão lớn. Phiên bản hải quân của Pantsir-S có thể nhắm trúng mục tiêu là các tên lửa bay bám mặt biển vốn có đường bay không thể dự báo trước.
Nhờ hệ thống radar mảng pha đa năng 1RS2-1E, phiên bản hải quân của Pantsir có thể tấn công 4 mục tiêu cùng một lúc, với tốc độ tối đa lên đến 3.605km/giờ. Thời gian phản ứng là 3-5 giây. Radar của tàu có thể đảm nhiệm tốt việc cảnh báo sớm tầm xa.
Hai pháo tự động 6 nòng xoay GSh-6-30K /AO-18KD 30 mm có thể bắn với tốc độ 6.000 phát/phút là một yếu tố cấu thành khác của hệ thống Pantsir-ME. Với tốc độ bắn này, hệ thống có khả năng đánh chặn hiệu quả các loại tên lửa, máy bay, phương tiện không người lái và tàu chiến cỡ nhỏ. Một số nguồn tin cho biết tốc độ bắn có thể đạt tới 10.000 phát/phút (160 phát/giây), tầm bắn từ 0,3-4 km ở độ cao 0-3 km.
Tên lửa đất đối không hai tầng đẩy 57E6-E có thể bắn trúng mục tiêu cách xa từ 1,2 đến 20 km, ở độ cao 0,002-15 km. Xác suất tiêu diệt mục tiêu đạt 70-95%. Loại vũ khí này có thời hạn lưu trữ trong kho là 15 năm.
Hệ thống có thể hoạt động độc lập, vì vậy thích hợp để trang bị trên các tàu chiến có kích thước khác nhau từ tàu hộ vệ cho tới tàu tuần dương. Có 4 ống phóng tên lửa ở mỗi bên tháp pháo. Các radar theo dõi có thể hoạt động như là một phần của hệ thống chiến đấu của tàu. Phiên bản hải quân của Pantsir mang tổng cộng 32 tên lửa.
Pantsir-ME có thể phóng các tên lửa “bắn và quên” Hermes-K, vốn đặc biệt hiệu quả khi tấn công các mục tiêu nhỏ ở bờ biển hoặc trên mặt biển. Với laser bán chủ động dẫn đường cho tên lửa đất đối đất, hệ thống có thể tấn công các mục tiêu xa tận chân trời với độ chính xác cao.
Theo Văn hóa Chiến lược, khả năng xuyên qua màn hỏa lực dữ dội của Pantsir-ME là một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Lắp đặt hệ thống này trên tàu sẽ giúp gia tăng đáng kể khả năng tồn tại của tàu. Ngay cả khi các tên lửa bắn trượt, mục tiêu cũng bị hỏa lực từ các khẩu pháo tiêu diệt. Đây là một ví dụ điển hình cho phương pháp sử dụng mọi thứ vũ khí trong tác chiến.
Đưa Pantsir ra biển cho phép Nga có thể giữ vững năng lực phòng thủ tầm gần đáng tin cậy trong khi nước này tiếp tục xây dựng một lực lượng hải quân linh hoạt hơn và sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến hơn. Tạp chí Business Insider của Anh đã xếp họ Pantsir vào danh sách 10 loại vũ khí nguy hiểm nhất của Nga.
Một số nguồn tin của Nga cho biết phiên bản Pantsir-SM hiện đang được phát triển. Sản xuất có thể được khởi động vào đầu năm nay. Tổ hợp này sở hữu khả năng tiêu diệt mục tiêu cách xa tới 40km, cùng với tầm xa phát hiện mục tiêu tăng đến 75 km. Phiên bản hải quân của Pantsir-SM trước hết sẽ được lắp đặt trên các tàu hộ vệ Buyan-M thuộc Dự án 21631.
Pantsir không phải là hệ thống phòng không mặt đất duy nhất của Nga có phiên bản hải quân. Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M2 có thể được điều chỉnh để phù hợp với các ứng dụng hải quân. Ngày nay, một tàu chiến không thể được coi là hiện đại nếu không được trang bị năng lực phòng thủ tầm gần mạnh mẽ. Các chiến hạm trên biển của Nga hẳn sẽ rất tự hào khi các hệ thống phòng không tiên tiến này đi vào hoạt động.