Trong buổi trả lời phỏng vấn hãng Reuters vào 17/5, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết ông sẵn sàng đối thoại với lãnh đạo Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un – một bước đi đầy quyết liệt mở đầu cho việc thúc đẩy chính sách ngoại giao với quốc gia châu Á khép kín này.
Nhà tỷ phú 69 tuổi bày tỏ ông sẽ cố gắng “trò chuyện” và 'khuyên giải'ông Kim để ngăn cản chương trình hạt nhân của Triều Tiên: “Tôi không thấy có vấn đề khi nói chuyện với ông ấy. Trong khi đó tôi cũng sẽ gây nhiều áp lực đối với Trung Quốc để có tác động lớn trong vấn đề này”.
Hiện tại Trung Quốc là một trong số ít quốc gia tạo được mối quan hệ ôn hòa với Triều Tiên, đóng vai trò là nước hỗ trợ chủ yếu. Về phía Mỹ, cường quốc này cho đến nay chưa hề có một mối quan hệ ngoại giao chính thức nào với chính phủ Bình Nhưỡng và chỉ liên lạc qua đại sứ quán Thụy Điển nếu thấy cần thiết. Triều Tiên cũng đang hứng chịu một loạt các lệnh trừng phạt nặng nề về kinh tế từ phương Tây và Mỹ, do chương trình phóng thử đầu đạn tên lửa, tham vọng hạt nhân và các tố cáo về lạm dụng nhân quyền.
Thượng nghị sĩ Jeff Sessions – chủ tịch ban cố vấn an ninh chiến dịch vận động của ông Trump bày tỏ không hề quan ngại khi nghe ông trùm truyền thông phát biểu mở ra cánh cửa đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Sessions khẳng định: “Ý tưởng trên của ông Trump khôn phải là chính sách ngoại giao chính thức. Tôi tin chắc không một ai trong số những ứng viên hiện giờ có thể vượt ông Trump về khoản đàm phán. Tuy có thể kết quả giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ không khả quan nhưng ít nhất cũng đáng để thử”.
Cựu Tổng thống Bill Clinton trước đó cũng đã tới Triều Tiên vào năm 2009 để gặp lãnh đạo Kim Chính Nhật, nhằm thương lượng việc thả tự do cho hai phóng viên Mỹ Euna Lee và Laura Ling bị bắt giữ.
Theo Báo tin tức