Theo Kyodo, mặc dù các lãnh đạo của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã có lập trường cương quyết hơn về Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm diễn ra ở Italy, nhưng các nhà phân tích nhận định đây chỉ là một sự khởi đầu trong những nỗ lực nhằm thuyết phục Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để đối phó với mối đe dọa từ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đứng đầu quốc gia nằm trong phạm vi của những tên lửa mà Bình Nhưỡng đã phát triển, đã thuyết phục những người đồng cấp G7 rằng mối đe dọa này là một vấn đề toàn cầu, đòi hỏi một sự đáp trả cương quyết.
Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi phải loại bỏ hoàn toàn các chương trình đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên, một quan điểm cứng rắn hơn quan điểm hối thúc Triều Tiên kiềm chế tuyệt đối bất kỳ "vụ thử nào nữa" được đưa ra trong tuyên bố của hội nghị G7 năm ngoái.
Tuy nhiên, tuyên bố này lại thiếu bất kỳ sức ép rõ ràng nào nhằm buộc Trung Quốc, "Mạnh Thường Quân" về ngoại giao và kinh tế hàng đầu của Bình Nhưỡng, phải có nhiều hành động hơn nữa để áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn thay vì chỉ "gật đầu gián tiếp" trước lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế là "tăng cường những nỗ lực."
Theo giáo sư Kazuhiro Araki thuộc Viện Nghiên cứu Thế giới của Đại học Takushouku, sức ép từ riêng G7 sẽ không dẫn tới một cách giải quyết các vấn đề mà cần phải có hành động từ Trung Quốc