Sau 3 tuần xét xử, ngày 31/5, TAND TPHCM đã tuyên án đối với “đại gia” Hứa Thị Phấn cùng 27 đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (đổi tên thành Ngân hàng VNCB, nay là CB).
Theo đó, Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín- TrustBank) chịu mức án 20 năm tù đối với hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 20 năm tù cho hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt 17 năm tù của TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên trước đó, bà Phấn phải chịu mức án 30 năm tù. Đây là mức án cao nhất trong khung hình phạt có thời gian.
Đối với bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ), dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng HĐXX đánh giá bị cáo Loan đóng vai trò giúp sức tích cực cho Hứa Thị Phấn, đồng thời hậu quả do các bị cáo gây ra đặc biệt lớn, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế tài chính nên đã tuyên phạt bị cáo Loan mức án 28 năm tù (cộng thêm hình phạt 17 năm tù ở vụ án ở Oceanbank đã tuyên trước đây).
Các bị cáo còn lại, tùy hành vi, mức độ phạm tội, HĐXX tuyên phạt các bị cáo này mức án từ 2 năm tù treo đến 10 năm tù: Ngô Kim Huệ mức án 10 năm; Ngô Thị Ngân 10 năm tù; bị cáo Hoàng Văn Toàn 7 năm tù; bị cáo Trần Sơn Nam 6 năm tù; bị cáo Lâm Kim Dũng 6 năm tù…
Theo HĐXX, hành vi của bị cáo Phấn và các bị cáo trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân dẫn đến thực trạng TrustBank bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp loại ngân hàng loại D (loại yếu kém); tháng 2.2012 vốn chủ sở hữu âm hơn 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng. Từ đó dẫn tới sự đổ vỡ của Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB, tiền thân là TrustBank), khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của TrustBank từ bị cáo Phấn.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX đánh giá toàn bộ số tiền thiệt hại tại TrustBank (nay là CB Bank) đều do bị cáo Phấn sử dụng hết nên HĐXX tuyên buộc bị cáo bồi thường 16.791 tỷ đồng (bao gồm 6.362 tỷ đồng tiền gốc và hơn 10.000 tỷ đồng lãi phát sinh) cho CB Bank. Các bị cáo còn lại chỉ làm theo chỉ đạo của bị cáo Phấn, là công cụ để bị cáo Phấn thực hiện mục đích, hành vi phạm tội của mình, không hưởng lợi nên không phải bồi thường.
Riêng với Công ty Phương Trang, HĐXX nhận định qua các chứng cứ có trong hồ sơ và tranh tụng tại tòa, thể hiện Hứa Thị Phấn đã yêu cầu Phương Trang ký trước các hồ sơ cho vay. Sau đó, Hứa Thị Phấn lợi dụng ảnh hưởng của mình tại ngân hàng, thực hiện thu chi khống, chỉ thực hiện giải ngân cho Phương Trang 3.900 tỷ đồng, số tiền còn lại rút ra để sử dụng.
HĐXX xét thấy việc xảy ra từ lỗi ngân hàng Đại Tín, chỉ buộc Phương Trang nhận số tiền 3.900 tỷ đồng tương ứng với 29 khoản vay đã ký. Do đó, Phương Trang phải bồi thường cho ngân hàng CB lãi và gốc 6.400 tỷ đồng (hơn 3.900 nợ gốc, gần 900 tỷ đồng nợ lãi và 1.600 tỷ nợ lãi phát sinh). Riêng các khoản nợ bắt buộc giữa Phương Trang và Đại Tín, HĐXX tách ra để các bên giải quyết bằng vụ án dân sự.
Đối với 36 tài sản là bất động sản của Công ty Phương Trang dùng thế chấp để vay tiền tại TrustBank, được kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, HĐXX đã tuyên giải tỏa kê biên, giao cho CB Bank quản lý. Khi Công ty Phương Trang hoàn trả toàn bộ số tiền hơn 6.400 tỷ đồng hoặc một khoản tiền nào đó sẽ được nhận toàn bộ tài sản hoặc số tài sản tương ứng đối với từng khoản tiền mà Công ty Phương Trang đã trả cho CB Bank.