Tướng Trung Quốc tới Trường Sa nhằm mục đích gì?

Theo nhận xét chung, việc phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đến thị sát các công trình mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa là một động thái mới của Bắc Kinh nhằm thách thức trên vấn đề Biển Đông.
Phạm Trường Long và Ngoại trưởng Mỹ John Kerrey tại Bắc Kinh ngày 16/5/2015
Phạm Trường Long và Ngoại trưởng Mỹ John Kerrey tại Bắc Kinh ngày 16/5/2015

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm 15/04 thông báo rằng tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc vừa thực hiện một chuyến đi thị sát Biển Đông.

Bản thông báo không nói là Phạm Trường Long đi lúc nào, và đã ghé những hòn đảo nào, nhưng cho biết là nhân vật này đã dẫn đầu một phái đoàn đi thăm quần đảo Trường Sa), và đã thị sát một số công trình xây dựng trong đó có hải đăng, trạm khí tượng mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 17/4, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post đã nêu bật sự kiện đây là một chuyến thăm chưa từng thấy của nhân vật đứng hàng thứ hai trong cơ chế lãnh đạo quân đội Trung Quốc, chỉ sau duy nhất chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo South China Morning Post, tướng Phạm Trường Long như vậy đã trở thành lãnh đạo Trung Quốc cao cấp nhất đặt chân đến Trường Sa. Trước đó, theo tình báo Đài Loan, vào tháng 09/2014, cũng có một viên tướng nhưng cấp thấp hơn – đô đốc Ngô Thắng Lợi, tư lệnh Hải quân Trung Quốc cũng đã đến Trường Sa thanh tra công việc bồi đắp đảo nhân tạo.

South China Morning Post đặc biệt ghi nhận là chuyến thị sát Trường Sa của tướng Long trùng hợp cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Philippines có sự tham gia của Úc, Nhật Bản trong khu vực. Ngoài ra, thông tin về chuyến đi được loan báo đúng vào ngày bộ trưởng quốc phòng Mỹ cùng đồng nhiệm Philippines bay ra thăm tàu sân bay Mỹ John C. Stennis đang hoạt động trên Biển Đông.

Nhật báo Mỹ The New York Times hôm 15/04 cũng phân tích về chuyến thị sát Trường Sa của ông Phạm Trường Long và ghi nhận ý đồ khiêu khích của Trung Quốc: «Chuyến thăm dường như nhằm mục tiêu chứng tỏ quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bác bỏ bất kỳ thách thức nào chống lại các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa».

Đây là một bước leo thang mới của Bắc Kinh, vì theo New York Times, trong thời gian qua, giới chức lãnh đạo quân sự hay dân sự Trung Quốc cũng từng đi thăm Biển Đông, nhưng là đến quần đảo Hoàng Sa gần lục địa Trung Quốc hơn.

New York Times cũng gắn liền thông tin về chuyến thị sát Trường Sa của nhân vật số hai trong quân đội Trung Quốc, với chuyến thăm hàng không mẫu hạm Mỹ trên Biển Đông của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.