Tướng Nga: Hiệu quả đòn tấn công tên lửa Mỹ vào Syria "cực thấp"

Hệ thống tên lửa S-400 không chịu trách nhiệm bảo vệ căn cứ Al Shayrat. Bộ Quốc phòng Nga đánh giá hiệu quả cuộc không kích Syria của Mỹ là “cực thấp”.
Nga đã triển khai hệ thống tên lửa S-400 tại chiến trường Syria
Nga đã triển khai hệ thống tên lửa S-400 tại chiến trường Syria

Phương Tây đã chú ý đến việc các hệ thống tên lửa phòng không tối tân của Nga S-400 và S-300V đã không đánh chặn được một quả tên lửa hành trình nào mà hải quân Mỹ phóng vào căn cứ không quân Al Shayrat của lực lượng quân chính phủ Syria thân Nga.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng đối phó tên lửa hành trình kiểu như Tomahawk của các hệ thống phòng không này chỉ hạn chế ở bán kính gần 25 km, còn để bảo vệ toàn bộ khu vực lãnh thổ do chính phủ Syria kiểm soát thì sẽ cần triển khai một lực lượng phòng không quy mô được biên chế mấy tiểu đoàn tên lửa phòng không tiên tiến này.

Phía Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, không quá một nửa (23 quả) tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ hai tàu khu trục USS Ross và USS Porter của hải quân Mỹ bay đến được căn cứ Al Shayrat của quân chính phủ Syria ở tỉnh Homs. Mặc dù phía Lầu Năm góc bác bỏ thông tin này mà khẳng định chỉ có 1 tên lửa không đến được mục tiêu, giới quân sự Nga đánh giá, hiệu quả của cuộc tấn công bằng tên lửa vào căn cứ của Syria là cực thấp.

Đồng thời, Nga cũng không mảy may bình luận gì về hiệu quả của hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumf của mình được triển khai ở Latakia để bảo vệ căn cứ không quân Hmeimim.

Hơn nữa, bộ chỉ huy Mỹ 2 giờ trước khi phát động tiến công đã cảnh báo bộ chỉ huy quân Nga ở Syria.

Theo một số nguồn tin, Không quân Syria tổn thất tại căn cứ Al Shayrat 5 máy bay ném bom Su-22M3, 1 Su-22M2, 3 MiG-23ML và các tên lửa Kh-23 và M600. Trong ảnh: Xác một chiếc Su-22M3 trong hăng-ga
Theo một số nguồn tin, Không quân Syria tổn thất tại căn cứ Al Shayrat 5 máy bay ném bom Su-22M3, 1 Su-22M2, 3 MiG-23ML và các tên lửa Kh-23 và M600. Trong ảnh: Xác một chiếc Su-22M3 trong hăng-ga

Câu hỏi tại sao không một quả Tomahawk nào của Mỹ bị S-400 bắn hạ được nêu ra chẳng hạn trên blog chuyên ngành The Aviationist. Trang này khẳng định, các tên lửa hành trình Mỹ đã bay qua “vùng bắt bám” của các phương tiện phòng không Nga.

“Ít ra là trên giấy, các tên lửa Tomahawk sẽ khó lòng tránh khỏi S-400. Xét đến việc họ (quân đội Nga) đã được báo trước, nên có thể đơn giản là họ đã quyết định cho chúng (các tên lửa Tomahawk) đi qua”.

Khoảng cách từ Hmeimim, nơi triển khai vẻn vẹn một tiểu đoàn S-400, đến căn cứ Al Shayrat là gần 200 km. Đây thực tế là giới hạn xa của vùng sát thương  của hệ thống tên lửa phòng không S-400. Để tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đó, độ cao bay của mục tiêu phải không dưới 8-9 km. Nếu độ cao mục tiêu mà nhỏ hơn, hệ thống radar của S-400 và radar đa năng của tiểu đoàn tên lửa phòng không đơn giản là sẽ không nhìn thấy mục tiêu. Đó là vì độ cong của bề mặt trái đất.

Tình huống tương tự cũng xảy ra với hệ thống S-300V triển khai ở Tartus. Từ Tartus đến căn cứ Al Shayrat là gần 100 km. Ở khoảng cách đó và do đặc điểm bề mặt địa hình, S-300V sẽ chỉ nhìn thấy mục tiêu ở độ cao 6-7 km trở lên. Và đó cũng là vì độ cong của bề mặt trái đất và bề mặt địa hình phức tạp.

“Tên lửa hành trình Tomahawk bay ở độ cao 50-60 m”, cựu Tham mưu trưởng Bộ đội Phòng không Nga, Thượng tướng không quân Igor Maltsev giải thích.

Giới hạn xa của khu vực phát hiện mục tiêu kiểu này trong điều kiện địa hình chia cắt ở mức độ trung bình là 24-26 km.

Ngay sau khi phát hiện, phải khai hỏa bắn một loạt gồm không dưới 2 quả tên lửa phòng không có điều khiển vào tên lửa hành trình. Nếu không thì chỉ trong vài giây nó sẽ thoát khỏi khu vực sát thương vốn không lớn của hệ thống tên lửa phòng không. Lúc đó, tên lửa phòng không có điều khiển sẽ gặp quả Tomahawk ở cự ly 12-14 km.

“Có nghĩa là nhìn chung khả năng bắn tên lửa hành trình là cực kỳ hạn chế về tầm”, Tướng Igor Maltsev nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, các tiểu đoàn và đại đội tên lửa phòng không đóng ở Hmeimim và Tartus không thể nào “với tới” được các tên lửa hành trình Mỹ dù là về mặt lý thuyết. Để bảo vệ hiệu quả căn cứ Al Shayrat chống tên lửa tấn công, tại khu vực căn cứ cần triển khai không dưới 4-5 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400. Ngoài ra, để tăng cường cho lực lượng này, còn cần lập ra hệ thống trinh sát radar để bảo đảm chiều sâu phát hiện tên lửa hành trình cần thiết. Điều đó sẽ cần ít nhất một trung đoàn radar với biên chế mấy tiểu đoàn và đại đội radar. Lực lượng này cần kiểm tra trong diễn tập và đánh giá cụ thể hiệu quả của hệ thống hỏa lực lập ra.

Theo một số nguồn tin, Không quân Syria tổn thất tại căn cứ Al Shayrat 5 máy bay ném bom Su-22M3, 1 Su-22M2, 3 MiG-23ML và các tên lửa Kh-23 và M600. Trong ảnh: Xác một chiếc MiG-23M trong hăng-ga
Theo một số nguồn tin, Không quân Syria tổn thất tại căn cứ Al Shayrat 5 máy bay ném bom Su-22M3, 1 Su-22M2, 3 MiG-23ML và các tên lửa Kh-23 và M600. Trong ảnh: Xác một chiếc MiG-23M trong hăng-ga

Ngoài ra, ông Maltsev còn nhấn mạnh, mục tiêu còn cần được bảo vệ bởi lực lượng không dưới một trung đoàn tiêm kích Su-30SM hay Su-35.

Và chỉ lúc đó mới có thể nói rằng, một hệ thống phòng không đáng tin cậy đã được tạo lập cho mục tiêu cần bảo vệ. Chẳng có cái gì như thế đã được tạo lập ở căn cứ Al Shayrat. Bởi vậy, chưa có căn cứ để nghi ngờ hiệu quả của vũ khí phòng không Nga. Bộ đội tên lửa phòng không còn chưa tham chiến, cũng giống như không quân tiêm kích Nga.

Để bảo vệ các mục tiêu hạ tầng nhạy cảm nhất của Syria, sắp tới sẽ thực hiện một tổ hợp các biện pháp nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả của hệ thống phòng không của quân đội Syria, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Theo VNDefence