Tướng Mỹ Mark Milley tung cáo buộc mới nhằm vào Quân đội Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chủ tịch Hội đồng TMT liên quân Mỹ Milley cáo buộc các máy bay và tàu chiến Trung Quốc trong 5 năm qua đã thường xuyên ngăn chặn quân đội Mỹ và các đồng minh, gây ra các tương tác không an toàn...
Tướng Marr Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (Ảnh: AP).
Tướng Marr Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (Ảnh: AP).

Theo AP, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đang ở thăm Indonesia hôm Chủ nhật (24/7) tuyên bố số vụ các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc ngăn chặn các lực lượng Mỹ và đồng minh khác ở khu vực Thái Bình Dương trong 5 năm qua đã gia tăng đáng kể, số lượng các vụ tương tác không an toàn cũng tăng lên; Mỹ đang nỗ lực tăng cường quan hệ với các quốc gia Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Ông nói: “Thông tin cho thấy lực lượng không quân và hải quân của Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn đáng kể trong khu vực cụ thể này”. Ông Milley gần đây đã yêu cầu cấp dưới của mình biên soạn chi tiết về tương tác giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước trong khu vực.

Trung Quốc có ý đồ mở rộng ảnh hưởng

Ông Milley nói, Trung Quốc đều có xích mích với Nhật Bản, Canada, Australia, Philippines và Việt Nam. Ông cho biết đã có "sự gia tăng có ý nghĩa thống kê" về các vụ ngăn chặn với mỗi quốc gia trong số này, trong khi cũng có "sự gia tăng tương ứng" về số vụ "tương tác không an toàn". Ông Milley từ chối cung cấp số liệu cụ thể về điều mà ông gọi là "các tương tác không an toàn". Đồng thời với việc ông Milley đưa ra đánh giá này, Mỹ đang nỗ lực tăng cường quan hệ với các quốc gia Thái Bình Dương để đối trọng với Trung Quốc. Trung Quốc đang cố gắng mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng của mình trong khu vực, chính quyền Biden coi Bắc Kinh là "mối đe dọa ngày càng tăng" và là thách thức chủ yếu về an ninh lâu dài đối với Mỹ.

Máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc bay phía trên bãi Scaborough tranh chấp với Philippines (Ảnh: Deutsche Welle).

Máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc bay phía trên bãi Scaborough tranh chấp với Philippines (Ảnh: Deutsche Welle).

Ông Milley sẽ tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tổ chức tại Sydney, Australia vào tuần tới, để thảo luận về sự phát triển quân sự ngày càng leo thang của Trung Quốc và sự cần thiết duy trì một khu vực Thái Bình Dương tự do, cởi mở và hòa bình.

Trong một bài phát biểu tại Singapore vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đề cập đến "sự gia tăng đáng kinh ngạc" về số vụ ngăn chặn không an toàn của các máy bay và tàu quân sự của PLA. Ông Austin nêu ví dụ một tàu Hải quân PLA chiếu tia laser vào một máy bay tuần tra biển P-8 của Australia và vụ một máy bay trinh sát của Canada mới đây đã bị một máy bay quân sự Trung Quốc ngăn chặn trong không phận quốc tế. Ngoài ra, các tàu của Mỹ thường bị máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc quấy rối khi quá cảnh.

Quân đội Mỹ cảnh báo Trung Quốc tấn công Đài Loan; Trung Quốc yêu cầu chấm dứt cấu kết quân sự Mỹ-Đài Loan

Các quan chức quân sự Mỹ đã đưa ra cảnh báo về khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan. Các quan chức nói rằng Bắc Kinh hy vọng sẽ chuẩn bị tốt cho hành động trên hòn đảo mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của mình vào năm 2027. Hiện nay Mỹ vẫn là đồng minh chủ yếu và nhà cung cấp vũ khí phòng vệ của Đài Loan; luật pháp Mỹ yêu cầu chính phủ coi tất cả các mối đe dọa đối với hòn đảo này là vấn đề "quan ngại nghiêm trọng", nhưng vẫn không trả lời một cách rõ ràng liệu quân đội Mỹ có cung cấp sự bảo vệ cho Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công hay không.

Tên lửa đối hạm Harpoon Mỹ bán cho Đài Loan giúp đối phó với Trung Quốc (Ảnh: AFP).

Tên lửa đối hạm Harpoon Mỹ bán cho Đài Loan giúp đối phó với Trung Quốc (Ảnh: AFP).

Tướng Lý Tác Thành, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, trong một cuộc điện đàm vào ngày 7/7 nói với ông Milley rằng Bắc Kinh "không có chỗ cho sự thỏa hiệp" đối với các vấn đề như Đài Loan và Mỹ cần phải "ngừng cấu kết quân sự Mỹ- Đài Loan, tránh ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Mỹ và sự ổn định ở eo biển Đài Loan".

Liên minh NATO ở Châu Á?

Mỹ và các nước khác lo ngại về một hiệp định an ninh mà Bắc Kinh ký với Quần đảo Solomon hồi tháng 4, có thể dẫn đến việc Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương. Ông Milley nói với các phóng viên: “Đó là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang cố gắng bành trướng vì lợi ích của riêng họ. Việc này khiến người ta lo ngại vì Trung Quốc làm điều đó không phải xuất phát từ thiện ý, họ muốn mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này. Việc này có hậu quả tiềm tàng, không có lợi cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực."

Chính quyền Biden đã và đang thực hiện các bước để mở rộng quan hệ quân sự và an ninh với các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương, lên kế hoạch xây dựng một mạng lưới liên minh mạnh mẽ hơn ở sân sau của Trung Quốc và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chỉ trích Mỹ đang cố gắng tạo ra một "NATO châu Á". Ông Austin khi phát biểu ở Singapore vào tháng trước đã bác bỏ điều đó, nói: "Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, một NATO châu Á hoặc một khu vực bị chia thành các khối đối đầu nhau."

Ngày 24/7, ông Mark Milley tới Jakarta, gặp Tổng tư lệnh Quân đội Indonesia Andika Perkasa (Ảnh: Guancha).

Ngày 24/7, ông Mark Milley tới Jakarta, gặp Tổng tư lệnh Quân đội Indonesia Andika Perkasa (Ảnh: Guancha).

Vào ngày 24/7, ông Mark Milley đã đến Indonesia và gặp Tướng Andika, Tổng tư lệnh Quân đội Indonesia. Theo hãng tin AP, đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đến thăm Indonesia kể từ chuyến thăm của tướng Mike Mullen năm 2008 khi đó đang giữ chức này.

Ông Mark Milley tuyên bố rằng các quốc gia Thái Bình Dương như Indonesia muốn Mỹ tham gia vào các hoạt động khu vực, “chúng tôi muốn hợp tác với họ", phát triển khả năng tương tác và cùng nhau hiện đại hóa quân đội để đảm bảo “họ có thể ứng phó bất kỳ thách thức nào của Trung Quốc.”

Trước ý kiến của một số chính trị gia Mỹ về "mối đe dọa của Trung Quốc", ngày 5/5, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói, các quan chức cấp cao của Mỹ gần đây luôn nói rằng Trung Quốc trở thành một "thách thức ngày càng tới gần” và thường xuyên cáo buộc Trung Quốc cố gắng thay đổi "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ". Ông nói: “Điều họ lo lắng thật ra là ‘trật tự bá chủ’ kiểu Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, và các ‘luật lệ, quy định’ do chính Mỹ đặt ra, được xem là các quy tắc quốc tế và được sử dụng để kiềm chế và đàn áp các quốc gia khác, bị thách thức và phản đối”.

Triệu Lập Kiên nói: “Sự phát triển quân sự của Trung Quốc là để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển, không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Những gì Mỹ nên làm là từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và nỗi ám ảnh bá quyền, nhìn nhận sự phát triển quốc phòng của Trung Quốc một cách khách quan và lý tính, chấm dứt cường điệu thuyết ‘mối đe dọa của Trung Quốc’, ngừng nói xấu Trung Quốc và tìm cớ cho việc gia tăng chi tiêu quân sự và mở rộng lực lượng quân sự của mình”.