Tờ Tin tức Liên hợp Đài Loan ngày 2/11 cho hay máy bay chiến đấu J-20 có thể trở thành chủ lực thế hệ tiếp theo của Trung Quốc, vào ngày 1/11/2016 đã lần đầu tiên tiến hành bay biểu diễn (2 chiếc) ở Triển lãm hàng không Chu Hải.
J-20 có thể bị F-16V vượt về sức mạnh
Ngày 2/11, tại cơ quan lập pháp (Quốc hội) Đài Loan, Đảng Dân Tiến đặt ra câu hỏi: Không quân Đài Loan chi ra một khoản tiền lớn để tiến hành nâng cấp máy bay chiến đấu F-16, nâng lên trình độ của F-16V, loại máy bay này có khả năng chống lại được máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc hay không?
Đối với vấn đề này, Tham mưu trưởng Không quân Đài Loan, tướng Phạm Đại Duy khẳng định, máy bay chiến đấu J-16 Đài Loan sẽ “có khả năng” đối phó. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, ông Phùng Thế Khoan cũng bày tỏ “tin tưởng” vào điều này.
Tiến bộ lớn nhất của kế hoạch cải tiến máy bay chiến đấu F-16V là đổi sang lắp radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) AN/APG-83, do đó, khả năng dò tìm sẽ tăng lớn; đồng thời đổi sang lắp hệ thống ngắm chuẩn mũ bay và lắp tên lửa AIM-9X Sidewinder thế hệ mới nhất.
Trong khi đó, hiện nay, dư luận còn biết ít về thiết bị điện tử hàng không của máy bay chiến đấu J-20, nhưng dự tính J-20 cũng sẽ trang bị radar AESA do Trung Quốc tự chế tạo.
Về tính năng, máy bay chiến đấu F-16 luôn nổi tiếng là linh hoạt, có thể tiến hành ngoặt ở mức 9G. Máy bay chiến đấu J-20 bị nghi ngờ có thể gặp vấn đề thiếu lực đẩy ở động cơ, khả năng cơ động không bằng các máy bay chiến đấu F-22 và F-35 của Mỹ.
Nhưng, về thiết kế thân máy bay, máy bay J-20 đã tính tới khả năng tàng hình trước radar, trong khi đó việc thiết kế F-16 chưa có tính năng này. Vì vậy, trong không chiến ngoài tầm nhìn, khả năng dò tìm của máy bay F-16V đối với J-20 sẽ là vấn đề mấu chốt quyết định thắng bại của hai bên.
Báo chí Pháp ngày 2/11 cũng cho rằng Trung Quốc đã bất ngờ phô trương máy bay chiến đấu tàng hình J-20 tại Triển lãm hàng không Chu Hải, gây chú ý cho dư luận quốc tế.
Đối với loại máy bay này, ngày 2/11, trả lời chất vấn của Quốc hội Đài Loan, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết về tính năng, máy bay chiến đấu F-16 cải tiến của Đài Loan có thể có khả năng bắn hạ máy bay chiến đấu mới J-20 của Trung Quốc.
J-20 có thể triển khai ở Biển Đông
Tờ Thời báo Tài chính Anh ngày 1/11 cho rằng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lực lượng không quân Mỹ vẫn đóng vai trò chủ đạo. Việc Trung Quốc phát triển máy bay J-20 đã thể hiện nước này có “tham vọng lớn” về quốc phòng và quân đội.
Máy bay chiến đấu J-20 mặc dù sẽ không thể làm thay đổi quy tắc trò chơi, nhưng nếu nó được biên chế thì chắc chắn sẽ tăng cường khả năng tác chiến cho Trung Quốc.
Mặc dù loại máy bay này có thể lắp vũ khí và vươn tới khu vực Biển Đông cũng như Thái Bình Dương, nhưng trước năm 2023, sẽ không có nhiều máy bay J-20 được biên chế.
Mấy ngày gần đây, báo chí Trung Quốc tuyên truyền nhiều về máy bay chiến đấu tàng hình J-20 khi nó lần đầu tiên được công khai chính thức, cho rằng loại máy bay này có thể "răn đe" Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Cũng có chuyên gia phân tích cho rằng, máy bay chiến đấu J-20 sẽ biên chế vào năm 2017, mục đích phát triển loại máy bay này là để thúc đẩy các yêu sách "chủ quyền" trên biển.
Tuy nhiên, hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa phát triển thành công các động cơ hàng không tiên tiến, đã tiếp tục phải nhập khẩu lượng lớn động cơ của Nga để lắp ráp cho các loại máy bay hiện có và tương lai của họ.
Báo chí Nga ngày 1/11 cho rằng các thông tin công khai cho thấy máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc rất có thể đã lắp động cơ AL-31FN do Nga nghiên cứu chế tạo.