Từng phát hành lô trái phiếu lãi suất 20%/năm, Hồng Hoàng làm ăn ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Dữ liệu kinh tế được CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng cập nhật khi thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đã cho thấy nhiều thông tin.

CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (Hồng Hoàng) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận sau thuế đạt 286,6 tỉ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2021, công ty này báo lỗ sau thuế 177,1 tỉ đồng.

vt-hong-hoang-acb.PNG

Dữ liệu kinh tế được Hồng Hoàng cập nhật khi thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin cho thấy công ty này có nhiều năm hoạt động trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Ở thời điểm cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu của Hồng Hoàng âm tới 319 tỉ đồng. Nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm 2022, vốn chủ sở hữu của Hồng Hoàng ở thời điểm cuối năm ngoái chỉ còn âm 95 tỉ đồng.

Hạ tuần tháng 10/2019, Hồng Hoàng gây xôn xao giới tài chính và truyền thông trong nước khi phát hành thành công 1.402 tỉ đồng trái phiếu, với mức lãi suất lên tới 20%/năm. Đây cũng là mức lãi suất kỷ lục trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà công chúng từng được biết tới.

Một dữ liệu của VietTimes cho thấy, ít ngày sau khi phát hành trái phiếu, Hồng Hoàng đã thế chấp hơn 60,7 triệu cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu tại Saigon Asia Credit Limited – có trụ sở tại ‘thiên đường thuế’ Cayman Islands.

.

Hong Hoang ACB.jpg
(Sơ đồ hóa: Hải KAL)

Trước đó, Saigon Asia Credit Limited đã nhận bảo đảm 499.980 cổ phần Hồng Hoàng do CTCP Đầu tư Thương mại Nghi Lan (Nghi Lan) sở hữu, trong khi Vietnam Finance Limited – một pháp nhân khác cũng có trụ sở tại Cayman Islands - nhận đảm bảo tài khoản tiền gửi của Hồng Hoàng mở tại ACB.

Mà Saigon Asia Credit Limited và Saigon Asia Credit Limited đều có nhiều mối liên hệ với Mourant Governance Services (Cayman) Limited - một công ty chuyên tư vấn dịch vụ ủy thác tại thiên đường thuế Cayman Islands.

Thương vụ càng trở nên kín đáo hơn khi đơn vị tư vấn và lưu ký là Công ty Chứng khoán ACB (ACBS).

Ở thời điểm đó, như VietTimes từng phân tích, Hồng Hoàng chỉ là một trong các pháp nhân kín tiếng có mối liên hệ với giới chủ nhà băng này sở hữu lượng lớn cổ phiếu ACB. Mối liên hệ giữa Hồng Hoàng và Nghi Lan vẫn được duy trì, khi Tổng giám đốc Nghi Lan – ông Lê An, sinh năm 1976, cũng kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc của Hồng Hoàng.

Ở thời điểm cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu của Hồng Hoàng chỉ còn ở mức 1.083,6 tỉ đồng. Công ty này cho biết đã chi tới 431 tỉ đồng để thanh toán lãi trái phiếu trong năm ngoái.

Báo cáo tình hình tài chính năm 2022 của Hồng Hoàng không thuyết minh cụ thể về nguồn lợi nhuận và dòng tiền trả lãi trái phiếu, nhưng không loại trừ khả năng công ty này đã bán bớt một lượng cổ phiếu ACB.

Kể từ sau lô trái phiếu của Hồng Hoàng, ACB đã thực hiện 3 đợt chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, lần lượt vào tháng 11/2020 (tỷ lệ 30%), tháng 6/2021 (tỷ lệ 25%) và tháng 7/2022 (tỷ lệ 25%).

Trong trường hợp Hồng Hoàng chưa bán bất kỳ cổ phiếu ACB nào, theo tính toán của VietTimes, lượng cổ phiếu ACB mà doanh nghiệp này nắm giữ có thể đã tăng lên mức 123,4 triệu cổ phiếu.

Tạm tính theo giá cổ phiếu ACB trong phiên giao dịch hôm nay (22/5) ở mức 25.000 đồng/cp, số cổ phiếu ACB vừa nêu có giá trị hơn 3.000 tỉ đồng./.