Từ Tài Hậu và sự bại vong của “Bè lũ 4 tên mới”

Cái chết của cựu Phó chủ tịch quân ủy trung ương Từ Tài Hậu trước phiên tòa xét xử ông ta về tội tham nhũng đã đánh dấu sự bại vong của “Bè lũ 4 tên mới” ở Trung Quốc.
Từ Tài Hậu và sự bại vong của “Bè lũ 4 tên mới”

"Bè lũ bốn tên" gồm Từ Tài Hậu, cựu Bí thư Ủy ban Chính Pháp Chu Vĩnh Khang, cựu Phó chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Lệnh Kế Hoạch và cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. 

Một người vừa qua đời, vì ung thư, một đang ngồi tù, hai người còn lại đang bị điều tra, Want Daily (Đài Loan) đánh giá.

 “Bè lũ 4 tên mới” được cho là do Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc lãnh đạo. Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ xét xử công khai Chu trong năm 2015. Trước đó, đã có ý kiến lo ngại về việc tội trạng của Chu Vĩnh Khang liên quan tới bí mật quốc gia nên cần xử kín. Tuy nhiên, cũng có khả năng tòa xử Chu sẽ được tường thuật trực tiếp trên blog như Bạc Hy Lai trước đây.

Theo cựu phó tổng biên tập Nhân dân Nhật báo Zhou Ruilin ngày 16/3, Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc liên quan đến các vụ án tham nhũng của Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu và Lệnh Kế  Hoạch. Một tờ báo ở đại lục dẫn ý kiến của ông Zhou Ruilin, trích ý kiến một nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng: “Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng Chu Vĩnh Khang khát tiền bạc đến mức điên rồ!”. Tờ báo trên cho biết, một sĩ quan để được thăng cấp đã hối lộ Từ Tài Hậu 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD). Người này lại nhận của một số sĩ quan cấp dưới 20 triệu tệ (3,2 triệu USD).

Tờ báo nhấn mạnh đằng sau bộ máy quan liêu tranh đoạt lợi ích, là quan hệ nhằng nhịt móc nối từ địa phương tới trung ương và các cơ quan đảng, các tổ chức tội phạm địa phương, các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, ngành công nghiệp năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng và thị trường tài chính cũng như trong lực lượng quân đội. Tờ báo cũng nêu rõ chủ nghĩa thân hữu và tham nhũng tập thể đặc biệt nổi bật trong vụ Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch. Thậm chí, ông Zhou Ruilin còn so sánh Từ Tài Hậu với viên quan tham nổi tiếng Hòa Thân thời nhà Thanh.

Reuters cho rằng Từ Tài Hậu chết cho phép đảng cộng sản Trung Quốc tránh được việc phải mở một phiên tòa đầy khó xử, có thể làm tổn hại hình ảnh quân đội Trung Quốc và hủy hoại sự ổn định quốc gia. Mặc dù hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua thông báo Từ Tài Hậu qua đời tại bệnh viện hôm 15/3, nhưng có thông tin lan truyền trên mạng rằng Từ đã chết từ hôm 7/3. Nhật báo Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đăng một bài phê phán Từ Tài Hậu sau khi ông ta chết, nhấn mạnh viên tướng này đã kết thúc cuộc đời một cách “thảm hại, đáng hổ thẹn” dưới sự giám sát trong bệnh viện.

Sau khi Từ Tài Hậu chết, rất nhiều ý kiến cho rằng vụ việc của ông ta sẽ được đình chỉ, cho qua. Theo luật pháp Trung Quốc, các vụ điều tra tham nhũng đối với quan chức sẽ kết thúc khi người đó qua đời. Chính quyền Trung Quốc vừa tuyên bố, mặc dù Từ Tài Hậu chết những việc điều tra những đối tượng liên đới với ông ta sẽ vẫn tiếp tục.

Theo: QPAN