Từ một vụ thổi giá cổ phiếu đến những rủi ro buộc công ty chứng khoán đối mặt

Thị trường Việt Nam hẳn không thiếu những vụ giải chấp cổ phiếu nóng gây tổn thất nặng nề cho các công ty chứng khoán. Nhưng rủi ro đối với CTCK không chỉ là margin.
Từ một vụ thổi giá cổ phiếu đến những rủi ro buộc công ty chứng khoán đối mặt

Từ một vụ thổi giá

Năm 2013, thị trường chứng khoán Singapore xôn xao bởi một cái tên: Blumont Group. Đây là một công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore với ngành kinh doanh chính là khử độc, tiệt trùng và polymer hóa bằng tia gamma. Sau đó, công ty này chuyển hướng sang các lĩnh vực đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản và theo trào lưu, Blumont Group thông báo chiến lược mới là gia nhập thị trường khai khoáng. Đó cũng là thời kỳ thị trường nguyên liệu của Australia bùng nổ đến đỉnh điểm.

Một loạt các động thái của Blumont Group được dồn dập thực hiện ngay trong năm. Ngày 2/1/2013, Blumont mua 11,5% cổ phần của một công ty khai khoáng ở Kyrgyzstan. Tháng 7/2013, công ty mua lại 12,75% cổ phần Cokal Ltd– một công ty than cốc đang niêm yết, mua 44% cổ phần của công ty khai thác vàng Prospect Resources và 100% cổ phần của công ty khai thác Uranium có tên Powerlite Resources. Tiếp tục trong tháng 8, Blumont Group mua 10,7% cổ phần của công ty khai thác đồng Kidman Resources và đến tháng 9 năm đó, họ đã mua 15% cổ phần của Resource Generation với trữ lượng 700 triệu tấn than.

Ngày 19/09, Blumont Group tuyên bố đầu tư 108 triệu USD vào Discovery Metals Ltd – công ty trong lĩnh vực khai thác đồng.

Giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2013 này, giá cổ phiếu Blumont Group đã tăng 7,8 lần từ mức 0,25 USD lên 1,96 USD.

Nhưng bất ngờ vào ngày 01/10/2013, cơ quan quản lý đã tiến hành điều tra Blumont với nghi ngờ về hoạt động "thổi giá" tại đây. Trước động thái của cơ quan quản lý, ngân hàng Goldman Sachs ngay lập tức tiến hành giải chấp cổ phiếu Blumont vào ngày 02/10 – khởi đầu cho một làn sóng giải chấp ồ ạt đối với cổ phiếu này.

Giá cổ phiếu nhanh chóng rơi từ 1,96 USD xuống 0,1 USD trong vòng 5 ngày. Đương nhiên, với sự lao dốc của Blumont Group, khoảng 6,9 triệu USD vốn hóa thị trường đã bốc hơi và kéo theo sự lao đao của không ít công ty chứng khoán đã cấp margin cho nhà đầu tư để đầu tư cổ phiếu này. 3 công ty chứng khoán thông báo lỗ bao gồm Interactive LLC (US), Phillip Securities (Singapore) và AMFraser Securities (Singapore). Một công ty chứng khoán bị buộc tội làm giá theo lệnh của một “tay chơi” chứng khoán trên thị trường và bị nhà đầu tư gọi là hành vi chạy theo phí.

Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty chứng khoán đều lỗ. Có một công ty môi giới chứng khoán lớn đã không mất xu nào nhờ Bộ phận Quản lý rủi ro của công ty này cắt margin cổ phiếu Blumont ngay khi nó đang quá nóng.

Và bài học cho hoạt động quản trị rủi ro của công ty chứng khoán

Blumont Group không phải trường hợp duy nhất xảy ra trên thị trường chứng khoán Singapore hay bất kỳ thị trường nào. Tại Việt Nam hẳn cũng không thiếu những vụ giải chấp cổ phiếu nóng gây tổn thất nặng nề cho các công ty chứng khoán.

Nhưng rủi ro đối với CTCK không chỉ là margin.

Tại cuộc tọa đàm “Quản trị rủi ro tại Công ty chứng khoán về tài chính và môi giới” do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương tổ chức chiều ngày 21/04, ông Lim Meng Wee – chuyên gia của Chứng khoán  Kỹ thương đã trình bày về quản trị rủi ro từ cấp độ quốc tế như các tổ chức IOSCO, IMF, World Bank đến cấp độ quốc gia và cấp độ công ty.

Đối với các rủi ro tại CTCK, ông Meng Wee cho biết các CTCK phải đối mặt với rủi ro về kinh doanh (doanh thu và thị trường ngày càng cạnh tranh), rủi ro về an ninh mạng, nguy cơ mất an toàn hệ thống, rủi ro về pháp luật, rủi ro trong vận hành và lớn nhất là rủi ro do những biến động trên thị trường tài chính mang lại.

Ông Meng Wee cho rằng, các công ty chứng khoán trước hết cần xác định khẩu vị rủi ro của mình, tức xác định mục tiêu quan trọng nhất đối với hoạt động của công ty và mức độ rủi ro có thể chấp nhận được để đạt được những mục tiêu đó.

“QTRR không phải là chặn hết các rủi ro mà là tìm ra điểm cân bằng nhất giữa rủi ro và quản trị kinh doanh để đem lại một hoạt động bền vững cho Doanh nghiệp. Đã có nhiều trường hợp các công ty rất mạnh dạn kinh doanh và chấp nhận rủi ro lớn để đạt lợi nhuận cao, nhưng hãy nhìn xem các công ty đó còn tồn tại đến ngày nay không? Song nói thế cũng không có nghĩa rằng an toàn nhất có thể là tốt nhất.” – ông Meng Wee nói.

Theo đó, xác định khẩu vị rủi ro sẽ giúp CTCK có biện pháp phù hợp để giảm thiểu rủi ro, bao gồm xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tại doanh nghiệp, đào tạo nhân lực, nâng cao kiến thức về pháp luật và áp dụng thống nhất quy trình hoạt động nhằm giảm thiểu rủi ro. Sau đó là luyện tập phương án ứng phó với rủi ro cũng như xây dựng biện pháp khắc phục khi có những tình huống rủi ro xảy ra.

Ông Meng Wee khuyế nghị, các CTCK phải có quy chế QTRR tổng thể và nếu có điều kiện, nên thực hiện các chuẩn mực QTRR một cách hoàn thiện.

“Khi thị trường đang phẳng lặng, chúng ta nên ngồi lại rà soát những rủi ro có thể gặp và xây dựng phương án đối phó một cách hoàn thiện nhất có thể. Khi thị trường nóng lên, trước sức ép canh tranh gay gắt và các chỉ tiêu kinh doanh, chúng ta vẫn có thể đón nhận một cách bình tĩnh.”

Theo Trí thức trẻ