Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 10/3, hôm thứ Ba (9/3), Đô đốc Phil Davidson, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (United States Indo-Pacific Command, USINDOPACOM) đã trình bày báo cáo trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Liên bang, nêu rõ rằng Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" trong cuộc tập trận năm ngoái, mô tả động thái này là nhằm phát đi một "thông điệp đe dọa" và chỉ ra rằng “Trung Quốc đại lục có thể xâm lược Đài Loan trong sáu năm tới; chìa khóa để Washington chế ngự Trung Quốc đại lục là hợp tác với các đồng minh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia”.
Đô đốc Davidson đã đệ trình lời chứng bằng văn bản lên Ủy ban Quân lực Thượng viện, nêu rõ việc PLA sử dụng các hệ thống vũ khí tiên tiến để tiến hành huấn luyện và tập trận, cũng như mối đe dọa của Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là một trong những thách thức chính đối với Mỹ. Ông Davidson chỉ ra rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) không chỉ phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến mà còn thường xuyên sử dụng chúng trong huấn luyện và tập trận nhằm tăng sức mạnh chiến đấu và “gửi đi thông điệp” tới các quốc gia trong khu vực và thế giới. Ví dụ, Trung Quốc đã phóng một tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung ra Biển Đông vào tháng 8/2020, nhằm chứng tỏ họ có khả năng tấn công tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương và tỏ ý cho thấy khi Trung Quốc đối phó với cuộc khủng hoảng khu vực, PLA có đủ năng lực ứng phó với sự can dự của bên thứ ba. Ông Davidson nói tại cuộc họp rằng tên lửa này là Dongfeng-21D và việc PLA bắt đầu sử dụng tên lửa này trong cuộc tập trận là một "bước ngoặt".
Tháng 8/2020, Trung Quốc lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Dongfeng-21D ra Biển Đông khi diễn tập (Ảnh: Sina). |
Ngoài ra, trong lời chứng của mình, ông Davidson cũng chỉ ra rằng PLA đã tiến hành huấn luyện chung tấn công đổ bộ và tấn công hải quân mô phỏng cuộc xâm lược Đài Loan, đồng thời thông qua các cuộc tập trận quy mô lớn thể hiện khả năng can thiệp vào cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên và diễn tập lặp đi lặp lại để cải thiện khuyết điểm thiếu kinh nghiệm chiến đấu của PLA. Đây là sự chuẩn bị then chốt của PLA cho chiến tranh hiện đại.
Ông cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã triển khai quân sự ngày càng cứng rắn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, gây sức ép và mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt là đối với Đài Loan. Trong năm qua, Bắc Kinh đã tiến hành các hoạt động về ngoại giao, thông tin, kinh tế và ngày càng nhiều hành động quân sự, cô lập Đài Bắc và buộc Đài Loan thống nhất với Trung Quốc đại lục nếu cần thiết. Ngoài ra, PLA cho đến năm ngoái đã mở rộng việc triển khai quân sự xung quanh Đài Loan, bao gồm huy động máy bay ném bom H-6 bay quanh Đài Loan, vượt qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan và tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Các hoạt động này diễn ra thường xuyên nhất trong vòng 25 năm qua.
Tàu chiến Trung Quốc và Singapore diễn tập chung trên Biển Đông hôm 26/2/2021 (Ảnh: Dwnews). |
Ông Davidson chỉ ra tại cuộc họp rằng tham vọng của Trung Quốc trong việc thay thế quyền lãnh đạo quân sự của Mỹ ở châu Á đang tăng lên, mưu đồ thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ đảm trách duy trì trật tự quốc tế vào trước năm 2050; Davidson cũng chỉ ra rằng trước khi Đại lục đạt được mục tiêu này, Đài Loan rõ ràng là một trong những mục tiêu ngắn hạn. Ông tin rằng mối đe dọa của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan "sẽ hiển hiện trong 10 hoặc thậm chí 6 năm tới". Ông cũng cảnh báo rằng Guam cũng đã trở thành mục tiêu của Trung Quốc và đề cập rằng PLA đã phát hành các video clip về các cuộc tấn công mô phỏng các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam. Đô đốc Davidson kêu gọi triển khai nhiều vũ khí chính xác tầm xa trên đất liền ở Tây Thái Bình Dương để đảm bảo sự ổn định của khu vực này.
Davidson cũng đề cập, mạng lưới các đồng minh và đối tác của Mỹ là nền tảng quan trọng để Lầu Năm Góc chế ngự Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, những nước đang tham gia “Đối thoại An ninh Bộ tứ” (Quad) với Mỹ. Davidson mô tả rằng Quad có thể là một nền tảng cho các sáng kiến ngoại giao, chính trị và kinh tế, thậm chí cả các vấn đề quốc phòng trong việc ứng phó Trung Quốc đại lục.
Ông Davidson chỉ ra rằng tư thế răn đe của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương phải khiến cho Trung Quốc cảm thấy rằng cái giá phải trả để đạt được mục đích bằng sức mạnh quân sự là rất cao. Ông nhấn mạnh Mỹ gắng sức để ngăn chặn xung đột, nhưng đồng thời cần chuẩn bị đầy đủ sức mạnh để đối phó với chúng. Ông nói: "Công việc hàng đầu của chúng ta là giữ gìn hòa bình, nhưng chúng ta cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu và giành chiến thắng khi cạnh tranh biến thành xung đột".
Không quân Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông tháng 10/2020 (Ảnh: HQTQ). |
Theo trang VOA tiếng Trung ngày 10/3, Đô đốc Philips Davidson nói, Mỹ đã không thể chống chọi hoàn toàn với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, điều này khiến Bắc Kinh đẩy nhanh kế hoạch định hình lại hình ảnh của họ trên trường quốc tế hiện nay.
Ông cũng cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lớn nhất đối với Mỹ và cũng là mối đe dọa chiến lược lâu dài lớn nhất đối với an ninh trong thế kỷ 21. Mối nguy hiểm lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt khi cạnh tranh với Trung Quốc với tư cách là một cường quốc là sự suy yếu của khả năng răn đe thông thường. Ông cho rằng Mỹ phải áp dụng tư thế răn đe thông thường có "sức chiến đấu đáng tin cậy" để ngăn chặn xung đột, bảo vệ lợi ích của Mỹ và đảm bảo an toàn cho các đồng minh và đối tác của mình.
Về mặt quân sự, Đô đốc Davidson nói rằng khả năng phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng đã thể hiện rõ họ nỗ lực trở thành một nước lớn thống trị trong khu vực và có ảnh hưởng toàn cầu.
Ông nói: “Bắc Kinh đang ngày càng trở nên tự tin hơn và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận va chạm để theo đuổi các lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh rộng lớn hơn”.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ diễn tập trên Biển Đông hôm 8/2 (Ảnh: Dwnews). |
Ông nói rằng cách tiếp cận của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ trong việc ứng phó cạnh tranh nước lớn là thúc đẩy một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở bằng cách tập trung vào bốn lĩnh vực then chốt là: nâng cao khả năng sát thương của các hoạt động tác chiến liên hợp quân chủng; tăng cường thiết kế và thế trận quân sự; củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác; hiện đại hóa các chương trình tập trận, thử nghiệm và đổi mới của Mỹ.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương cho rằng Mỹ phải cố gắng hết sức để ngăn chặn xung đột với Trung Quốc, nhưng cũng phải chuẩn bị đầy đủ cho cuộc xung đột.
Theo ông, "Tư thế răn đe của chúng ta ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương phải thể hiện rõ năng lực, thực lực và ý muốn, triệt để khiến Bắc Kinh tin rằng cái giá họ phải trả để đạt được mục tiêu thông qua sức mạnh quân sự là rất lớn. Quả thực chúng ta phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn cuộc xung đột; nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là duy trì hòa bình, nhưng nếu cạnh tranh biến thành xung đột, chúng ta tuyệt đối phải chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu và giành chiến thắng”.
Không quân của Hải quân PLA diễn tập chống hạm trên Biển Đông tháng 10/2020 (Ảnh: Dwnews). |
Ngoài Trung Quốc, ông Davidson còn liệt kê Nga, Triều Tiên và các tổ chức cực đoan bạo lực là những đối thủ chính mà Mỹ phải đối mặt trong quá trình theo đuổi một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
VOA bình luận, bài phát biểu của Đô đốc Davidson tương tự tuyên bố của chính quyền Joe Biden về các vấn đề liên quan Trung Quốc.
Trong bài phát biểu trước đó, Tổng thống Joe Biden đã nói rằng Mỹ đang triển khai "sự cạnh tranh gay gắt" với Trung Quốc. Nhà Trắng trong "Phương châm chỉ đạo trung hạn Chiến lược An ninh Quốc gia" được công bố gần đây, nói Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chủ yếu" duy nhất có sức mạnh toàn diện tiềm tàng để thách thức hệ thống quốc tế.
Ngoại trưởng Antony Blinken cũng tuyên bố trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại rằng Trung Quốc là "quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tạo thành sự thách thức lớn đối với hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở - tất cả những quy tắc mà chúng ta muốn thế giới vận hành, các quan niệm giá trị và mối quan hệ".
Ông nói rằng, "phép thử địa chính trị lớn nhất" mà Mỹ phải đối mặt trong thế kỷ 21 là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nhấn mạnh “Mỹ cần phải đối phó với Trung Quốc với ưu thế vượt trội, cạnh tranh với Trung Quốc khi cần, hợp tác với Trung Quốc khi có thể và đối đầu với Trung Quốc khi cần thiết”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin mô tả Trung Quốc là một "mối đe dọa nhịp độ" (pacing threat) đối với Lầu Năm Góc, có nghĩa là nhịp độ phát triển quân sự của Trung Quốc ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển quân sự mà Mỹ phải thực hiện để duy trì ưu thế của mình.
Đô đốc Phil Davidson: "Chúng ta cần phải khiến cho Bắc Kinh thấy rằng cái giá của việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu là rất cao" (Ảnh: Dwnews). |
Đô đốc Phil Davidson dự kiến sẽ nghỉ hưu vào cuối năm nay. Trong vài tuần qua, ông đã tranh thủ để thu hút sự chú ý nhiều hơn đến những nguy cơ gây ra bởi một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Thứ Hai tuần trước (1/3), ông Davidson cũng cảnh báo khi tham dự một hội nghị trực tuyến: "Mối nguy hiểm lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là sự xói mòn của khả năng răn đe vũ khí thông thường trước Trung Quốc".
"Nếu không có biện pháp răn đe thông thường hiệu quả và thuyết phục, Trung Quốc sẽ trở nên càng hung hăng hơn", ông Davidson nói tại cuộc họp đó. "Chúng ta cần phải khiến cho Bắc Kinh thấy rằng cái giá của việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu là rất cao".