Theo Bộ Tài chính, hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế thời gian qua chỉ mới được thí điểm. Một số dự án như đặt cược đua chó, đua ngựa đã được cấp phép thí điểm theo quy định của Luật đầu tư. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy nhiều hoạt động đặt cược bất hợp pháp đã được tổ chức lén lút dưới nhiều hình thức khác nhau và ngày càng trở nên tinh vi hơn thông qua cá độ trực tuyến qua mạng internet, cá độ bất hợp pháp với các nhà cái ở nước ngoài cung cấp dịch vụ không đúng quy định.
“ Tình trạng này gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm soát, ảnh hưởng tiêu cực tới trật tự, an toàn xã hội, không kiểm soát được tình trạng chuyển ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài” – thông cáo ủa Bộ Tài Chính nhấn mạnh.
Từ thực tế đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2017/NĐ-CP, ngày 24/1/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế (Nghị định số 06/2017/NĐ-CP) để quản lý, giám sát, xử lý vi phạm đối với lĩnh vực kinh doanh đặt cược đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh cá cược. Tuy nhiên, để Nghị định đi vào thực tế, góp phần dẹp bỏ tệ nạn cá cược chui đang tràn lan trong xã hội thì vẫn cần có thêm thời gian để kiểm chứng.
Theo Nghị định 06/2017/NĐ-CP, đối tượng được phép tham gia đặt cược là người đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó nghị định này cũng quy định rõ một số đối tượng không được phép tham gia đặt cược, cụ thể như: cán bộ quản lý, điều hành, nhân viên doanh nghiệp kinh doanh đặt cược; thành viên Hội đồng giám sát cuộc đua, nài ngựa, cầu thủ, trọng tài tham dự, điều khiển các cuộc đua, trận đấu, giải thi đấu…
Mức đặt cược tối thiểu là 10.000 đồng/lần và mức tối đa cho mỗi người trong một ngày cho từng sản phẩm đặt cược là 1.000.000 đồng tại một doanh nghiệp.
Về điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó: doanh nghiệp phải đầu tư trường đua (vốn tối thiểu là 1.000 tỷ đồng đối với đua ngựa và 300 tỷ đồng đối với đua chó) và phải đầu tư hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh đặt cược đáp ứng điều kiện quy định.
Riêng đối với điều kiện kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế, Điều 38 của Nghị định quy định khá rõ, Chính phủ chỉ cho phép 01 doanh nghiệp được tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế. Việc lựa thông qua đấu thầu áp dụng quy định của Luật đấu thầu, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu là 1.000 tỷ đồng hoặc tương đương và đầu tư hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh đặt cược đáp ứng điều kiện theo quy định.
Thời gian thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế là 05 năm kể từ ngày DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Sau thời gian này, Chính phủ sẽ tổng kết đánh giá để quyết định việc DN tiếp tục hoặc chấm dứt thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế.