Truyền thông Trung Quốc nói phi cơ chiến đấu của họ “đón tiếp nồng hậu” chiến hạm Canada

VietTimes -- 2 phi cơ chiến đấu của Trung Quốc đã bay áp sát một chiến hạm của Canada trên biển Hoa Đông hồi đầu tuần này, trong một động thái mà giới truyền thông Trung Quốc mô tả là "tiếp đón nồng hậu".
Tàu khu trục HMCS Regina của Canada (Ảnh: CNN)
Tàu khu trục HMCS Regina của Canada (Ảnh: CNN)

Sự việc giữa tàu khu trục HMCS Regina của Canada và 2 tiêm kích Su-30 của Trung Quốc xảy ra hôm đầu tuần này, trong lúc chiến hạm Canada đang di chuyển trên vùng biển quốc tế ngoài khơi thành phố Thượng Hải - theo ông Matthew Fisher, chuyên gia phân tích thuộc Viện Các vấn đề Toàn cầu Canada.

"Phi cơ chiến đấu do Nga chế tạo đã bay ở vị trí chỉ cách chiến hạm Canada có 300 m, cách mặt nước biển chỉ khoảng 300 m" - ông Fisher viết trên website chính thức của Viện nghiên cứu.

Thuyền trưởng tàu Regina nói với ông Fisher rằng các tiêm kích Trung Quốc không gây nguy hiểm cho tàu của ông, nhưng báo cáo của ông Fisher cho rằng chuyến bay này mang tính chất hung hăng nhất mà hải quân Canada từng gặp phải từ các phi cơ của Trung Quốc.

Theo ông Fisher, chiến hạm và phi cơ chiến đấu của Trung Quốc đã theo dõi tàu Regina của Canada cùng một tàu hộ tống khác rất sát sao kể từ khi nó kết thúc chuyến thăm Việt Nam và di chuyển qua Biển Đông, eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang hôm 27/6 cho hay ông đã biết về sự hiện diện của các tàu Canada.

"Chúng tôi hoàn toàn nắm rõ đường di chuyển của các tàu Canada trên eo biển Đài Loan và theo dõi sát sao các tàu này trên toàn bộ hành trình của chúng" - ông Ren nói.

Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc đã có bài viết đăng tải trên tài khoản mạng xã hội Weibo của họ, dường như châm chọc vụ chạm trán này: "Các tàu của Canada đã nhận được sự tiếp đón nồng hậu từ lực lượng không quân và hải quân của chúng ta".

Theo ông Fisher, trước khi sự việc hôm đầu tuần xảy ra, khoảng cách gần nhất mà các phi cơ chiến đấu Trung Quốc tiếp cận tàu Regina là vài km.

Phi cơ Su-30 của Trung Quốc bay trên biển Thái Bình Dương năm 2016 (Ảnh: CNN)
Phi cơ Su-30 của Trung Quốc bay trên biển Thái Bình Dương năm 2016 (Ảnh: CNN)

Canada là một trong số các đồng minh và đối tác của Mỹ- trong đó có Pháp, Nhật Bản và Anh - đã triển khai chiến hạm tới khu vực Biển Đông hoặc băng qua eo biển Đài Loan trong năm nay.

Tại Diễn đàn quốc phòng Shangri-La tổ chức ở Singapore hồi đầu tháng này, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã kêu gọi các nước thực hiện các hoạt động tương tự để thể hiện cam kết của họ đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, cởi mở.

Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích 1,3 triệu km vuông trên Biển Đông và thường xuyên áp đặt chủ quyền một cách hung bạo. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ "từ bỏ một ly lãnh thổ".

Vụ việc phi cơ chiến đấu Trung Quốc áp sát chiến hạm Canada xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc, sau vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu ở Canada hồi tháng 12/2018. Bà Mạnh đang đối mặt với khả năng dẫn độ tới Mỹ do các cáo buộc hỗ trợ Huawei né các đòn trừng phạt của mỹ với Iran. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng vụ bắt giữ này có động cơ chính trị và cố gắng ngăn chặn tiến trình dẫn độ.

Ngay sau khi vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu diễn ra, 2 công dân Canada cũng bị bắt ở Trung Quốc - bao gồm nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor. Cả hai người này đều chính thức bị bắt giữ hồi tháng 5 vừa qua do cáo buộc thu thập, đánh cắp "thông tin nhạy cảm và thông tin tình báo" từ năm 2017. Ngoài ra, công dân Canada khác là ông Robert Lloyd Schellenberg - từng bị kết án do vận chuyển ma túy tới Trung Quốc - đã nhanh chóng bị đem ra xét xử lại và bị tuyên án tử hình.

Chính phủ Canada cùng các tổ chức nhân quyền trên thế giới đang ra sức kêu gọi trả tự do cho ông Kovrig và Spavor, mô tả vụ bắt giữ hai người này là "độc đoán".

Theo CNN