Truyền thông Nga: Trung Quốc được gì từ khủng hoảng Ukraine?

Dù cho các thỏa thuận ký tại Minsk có được thực hiện toàn diện, cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn dẫn tới những hệ quả quân sự và chính trị mới: sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ giảm đi ở Đông Á.
Truyền thông Nga: Trung Quốc được gì từ khủng hoảng Ukraine?

Dù cho các thỏa thuận ký tại Minsk có được thực hiện toàn diện, cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn dẫn tới những hệ quả quân sự và chính trị mới: sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ giảm đi ở Đông Á, trong vòng vài năm Trung Quốc có cơ hội củng cố ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương, Tiếng nói nước Nga dẫn lời chuyên gia Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ nhận định.

Thực tế tình hình Ukraine hiện nay tạo hy vọng cho việc xúc tiến các thỏa thuận lần thứ hai tại Minsk, dù chỉ một phần. Rõ ràng, thỏa thuận mới này là kết quả sự thất bại của các lực lượng vũ trang Ukraine ở Debaltsevo.

Ukraine cũng như các đồng minh phương Tây đều không hài lòng với nội dung thỏa thuận, đó là những biện pháp miễn cưỡng. Bởi thế, mâu thuẫn giữa Nga và Hoa Kỳ ở Đông Âu vẫn sẽ còn tồn tại.

Có nghĩa, những kế hoạch được công bố như việc NATO tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu, viện trợ quân sự cho Ukraine, đều sẽ được thực thi và mở rộng.

Trong tình hình khủng hoảng ở các nước khu vực đồng euro, như thường lệ các nghĩa vụ sẽ do Hoa Kỳ đảm trách. Thêm vào đó, gánh nặng tài chính hỗ trợ Ukraine cũng thuộc về Hoa Kỳ.

Ngoài các khoản tín dụng đã cấp, người Mỹ muốn chuyển cho Ukraine cả vũ khí sát thương. Nhưng tất cả chỉ có thể thực hiện dưới hình thức viện trợ không hoàn lại, Ukraine lúc này đang hết sạch tiền.

Ukraine - một quốc gia lớn tiếp theo mà Mỹ và EU đang nỗ lực cải cách. Những cố gắng tương tự đã từng diễn ra ở Iraq nhưng không mang lại nhiều thành công. Iraq có thể tự đảm bảo các nhu cầu của đất nước nhờ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, còn Ukraine hôm nay hầu như không nắm những tài nguyên hữu dụng.

Dù cuộc xung đột có xuống thang thì Ukraine vẫn trở thành một điểm nóng của thế giới. Uy tín và ảnh hưởng quốc tế của Hoa Kỳ vốn dựa vào vai trò đặc biệt trong nền an ninh châu Âu. Nước Mỹ không thể cho phép mình bộc lộ sự yếu đuối. Nhưng khả năng tăng chi tiêu ngân sách của Mỹ vẫn đang bị hạn chế.

Cùng với những căng thẳng tăng lên ở Trung Đông nơi Mỹ gặp khó vào cuộc chiến với Nhà nước Hồi giáo, khủng hoảng kéo dài ở Đông Âu sẽ làm lung lay việc thực hiện chiến lược "trở lại châu Á" của Mỹ.

Huy động mọi nỗ lực hòng răn đe quân sự và cô lập Nga về ngoại giao, Hoa Kỳ khó có thể cùng lúc mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở Đông Nam Á. Như vậy, Trung Quốc sẽ có cơ hội tích lũy thêm tiềm lực và củng cố vị thế trong nền chính trị quốc tế.

Theo: BizLive