Truyền thông Mỹ lặng tiếng kỳ lạ về vụ va chạm tàu ngầm ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vụ tai nạn tàu ngầm Mỹ USS Connecticut ở Biển Đông nên là hồi chuông cảnh tỉnh với khu vực Đông Á và toàn thế giới.
Vụ va chạm của tàu USS Connecticut ở Biển Đông làm dấy lên nhiều quan ngại (Ảnh: US Navy)
Vụ va chạm của tàu USS Connecticut ở Biển Đông làm dấy lên nhiều quan ngại (Ảnh: US Navy)

“Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”, như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng cảnh báo trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 22/9/2020. Ông ám chỉ tới những hậu quả mà khu vực Đông Á phải gánh chịu nếu như xảy ra một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đến ngày 2/10/2021, khoảng 1 năm sau đó, lời cảnh báo dường như có thể trở thành sự thật, khi một chiếc tàu ngầm nguyên tử tấn công của Mỹ đã gặp phải một vụ tai nạn nghiêm trọng ở Biển Đông, mà Hải quân Mỹ mô tả là va chạm với một vật thể dưới đáy biển. Sau khi chịu tổn thất, tàu ngầm này đã nổi lên mặt nước ở vị trí cách căn cứ tàu ngầm Yulin của Trung Quốc, thuộc tỉnh Hải Nam, chỉ khoảng 150 hải lý.

USS Connecticut là 1 trong số 3 tàu ngầm lớp Seawolf của Mỹ, được cho là đang trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ do thám. Chúng có thể được trang bị các tên lửa hành trình tầm trung Tomahawk (tầm bắn 1.250 – 2.500 km), có thể lắp được đầu đạn hạt nhân. Nhưng hiện tại, có nhiều thông tin rằng chúng không được trang bị như vậy do “những quyết định chính sách” của Hải quân Mỹ đã làm mờ nhạt vai trò hạt nhân của chúng.

Khi một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ với sức mạnh như vậy hứng chịu một vụ va chạm có thể giết hại nhiều thủy thủ của họ, cùng nguy cơ làm rò rỉ phóng xạ ở Biển Đông, đáng lẽ ra thông tin này phải lên trang nhất của các hãng tin Mỹ. Nhưng điều đó lại không xảy ra, thậm chí là ngược lại.

Tính đến ngày 30/10, tức gần một tháng kể từ sau vụ va chạm, tờ New York Times, vốn được xem gần như tiếng nói của giới tinh hoa chính sách ngoại giao Mỹ, vẫn chưa có bài viết chi tiết nào về sự việc, trên thực tế là không có bài viết nào. Có khả năng thông tin này không phù hợp để đăng tải trên tờ báo này.

Kiểu “câm lặng” này thực ra không có gì mới mẻ đối với những người từng theo dõi vụ việc liên quan tới “người thổi còi” Julian Assange hay cuộc chiến của Mỹ ở Syria…truyền thông Mỹ đã đồng hành cùng với Hải quân Mỹ trong vụ việc này, và chờ đến ngày 7/10 mới đăng tải thông tin về nó một cách cụt lủn.

Tan Kefei, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cũng đã lên tiếng để nói về vụ việc và việc phía Mỹ thiếu minh bạch trong vụ việc lần này.

“Hải quân Mỹ phải mất 5 ngày kể từ sau vụ tai nạn mới đưa ra một tuyên bố ngắn và không rõ ràng. Hướng tiếp cận như vậy là vô trách nhiệm, thiếu minh bạch…có thể dễ dàng dẫn tới sự đánh giá và hiểu sai. Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông buộc phải đặt nghi vấn về sự thực liên quan tới vụ tai nạn và ý định đằng sau nó.”

Ông cũng nêu quan ngại tương tự như lời cảnh báo mà Tổng thống Duterte từng đưa ra:

“Vụ việc này cũng cho thấy rằng, việc thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên mới đây giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) để phối hợp tàu ngầm nguyên tử đã gây ra rủi ro lớn về phổ biến hạt nhân, vi phạm nghiêm trọng tinh thần của Hiệp ước Chống phổ biến hạt nhân, ảnh hưởng tới cấu trúc khu vực phi hạt nhân ở Đông Nam Á và mang tới nhiều thách thức nghiêm trọng đối với an ninh và hòa bình khu vực.”

“Chúng tôi tin rằng những hành động đó của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới an toàn di chuyển trên Biển Đông, làm dấy lên những quan ngại nghiêm trọng và bất trắc trong số các nước trong khu vực, và gây mối đe dọa nghiêm trọng cho sự ổn định và hòa bình khu vực” – ông Tan nói thêm.

Vụ tai nạn tàu ngầm USS Connecticut có rủi ro gây ra rò rỉ phóng xạ tai hại ở Biển Đông, gây ảnh hưởng tới những nước xung quanh, trong đó bao gồm cả các ngư trường vốn có tầm quan trọng lớn đối với nền kinh tế khu vực. Hơn nữa, nếu Mỹ tiếp tục làm tăng nguy cơ xung đột ở những khu vực cách xa nhà họ, một vùng xung đột có thể hình thành và lan rộng tới Đông Á.

Vụ tai nạn tàu Connecticut có thể là hồi chuông cảnh tỉnh đối với toàn khu vực này. Thêm nữa, nếu tầng lớp hoạch định chính sách Mỹ cho rằng họ có thể áp dụng lại chiến lược như thời Thế chiến 2 – để cho sự hủy diệt chạm tới Á-Âu, và Mỹ là siêu cường công nghiệp duy nhất tránh khỏi – thì họ đã lầm. Giờ là thời đại của vũ khí liên lục địa, Mỹ chắc chắn sẽ không thoát khỏi dễ dàng như đã từng trong Thế chiến 2 nữa.

Như nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev từng viết cho John F Kennedy vào thời điểm khủng hoảng tên lửa Cuba: Nút thắt đang được thắt, và nếu nó được thắt quá chặt, không ai có thể gỡ nổi nó.