Truyền thông Mỹ: Chắc chắn Mỹ - Trung sẽ xảy ra chiến tranh nóng!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ và Trung Quốc đang đi dần đến chỗ đối đầu. Nếu xảy ra xung đột, địa điểm bùng nổ sẽ là Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan.
Tạp chí Time cho rằng quan hệ Mỹ - Trung đang dần đi tới đối đầu (Ảnh: cntt).
Tạp chí Time cho rằng quan hệ Mỹ - Trung đang dần đi tới đối đầu (Ảnh: cntt).

Theo trang tin Đài Loan ETtoday ngày 10/3, tuần báo Time của Mỹ ra ngày 9/3 đã đăng bài viết tiêu đề “Chúng ta làm thế nào để tránh từng bước sa vào một cuộc chiến tranh với Trung Quốc mà không hay biết như bị mộng du”; cho rằng Mỹ và Trung Quốc hiện đang đi tới đối đầu. Giờ đây, Trung Quốc và Mỹ có bất đồng rất lớn về tình trạng của Biển Đông, cũng như sự khác biệt về các quy tắc thương mại và thuế quan cùng sự thống trị của hai nước xung quanh mạng 5G mới nổi. Bài báo cho rằng, nếu Trung – Mỹ bùng nổ xung đột, nơi có khả năng xảy ra nhất là Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan.

Cơ quan truyền thông chính thức Trung Quốc Thời báo Hoàn cầu trích dẫn bài báo này cho biết, ông Henry Kissinger (cựu Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia thời Tổng thống Richard Nixon) hơn một năm trước đã tuyên bố rằng Mỹ và Trung Quốc đang ở “chân núi của Chiến tranh Lạnh”. Ước tính hai nước hiện đang nhanh chóng leo lên sườn ngọn núi này và rất có thể rơi vào trạng thái toàn diện giống như Chiến tranh Lạnh trong tương lai gần. Liệu điều này có dẫn đến một cuộc chiến tranh nóng, thậm chí một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai nước vào năm 2034? Thật không may, câu trả lời có lẽ là có.

Tàu chiến Mỹ thường xuyên hoạt động trên Biển Đông (Ảnh: AP).

Tàu chiến Mỹ thường xuyên hoạt động trên Biển Đông (Ảnh: AP).

Bài báo của Time nêu rõ hai nước có những bất đồng lớn về tình trạng của Biển Đông, cũng như khác biệt về các quy tắc thương mại và thuế quan khác, cũng như sự thống trị của hai nước đối với mạng 5G mới nổi. Trong lịch sử không thiếu những ví dụ về “bẫy Thucydides”. Mỗi khi có một cường quốc đang trỗi dậy (hiện nay là Trung Quốc) đối đầu với một cường quốc đã được khẳng định (hiện nay là Mỹ), kết quả thường là một cuộc xung đột toàn cầu. Trong hầu hết các trường hợp, chiến tranh đều không tốt cho cả hai bên, nhưng nó vẫn cứ xảy ra.

Bài báo chỉ ra rằng, điều cảm thấy khác biệt hiện nay là một loạt bất đồng ngày càng lớn hơn, cùng với áp lực chính trị trong nước lên cả hai bờ Thái Bình Dương (cả Mỹ và Trung Quốc). Đối với cả hai nước, trong tình huống này bên này rất dễ buộc tội bên kia là kẻ xâm lược kinh tế và quân sự. Cộng với sức ép thêm của đại dịch COVID-19, rõ ràng quan hệ giữa hai bên chất đầy mâu thuẫn.

Điểm có thể bùng phát xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ có thể xảy ra ở đâu? Bài báo phân tích cho rằng có thể nằm trên “vùng biển tranh chấp rộng lớn của Biển Đông”. Mỹ thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải, cho các tàu đi qua vùng biển tranh chấp, thường rất gần bờ biển Trung Quốc. Quan điểm của Trung Quốc về điều này giống như hầu hết mọi người cảm thấy khi các láng giềng đào hố trên bãi cỏ của nhà chúng ta. Hải quân và Không quân Trung Quốc thường đưa ra những phản ứng cứng rắn. Nhưng Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra như vậy và sẽ gây áp lực yêu cầu các đồng minh của họ phải tham gia.

Tháng 8/2020, Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Dongfeng-21D ra Biển Đông nhằm đe dọa Mỹ (Ảnh: Sina).

Tháng 8/2020, Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Dongfeng-21D ra Biển Đông nhằm đe dọa Mỹ (Ảnh: Sina).

Bài báo cho biết thêm, ở cả hai bên đều đã xuất hiện các nhà lãnh đạo quân sự tương đối trẻ. Chúng ta hiểu lòng dũng cảm, niềm tự hào và thái độ của những chiến binh trẻ tuổi này, họ sẽ không lùi bước. Bất cứ bên nào đều dễ đánh giá sai, trong khi bên kia sẽ có phản ứng quyết liệt, dẫn đến tình hình leo thang. Ví dụ, nếu một máy bay Trung Quốc bị (Mỹ) bắn hạ hoặc một tàu khu trục của Mỹ bị trúng tên lửa của Trung Quốc, đều có thể gây ra thương vong về người và khơi dậy chủ nghĩa dân tộc ở Bắc Kinh và Washington. Đặc biệt là sau cuộc bầu cử ở Mỹ, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều coi Trung Quốc như một mục tiêu.

Theo bài báo, một sự cố như vậy xảy ra có thể ở eo biển Đài Loan, cộng thêm nhân tố niềm tự hào và chủ nghĩa dân tộc của người dân Trung Quốc coi Đài Loan là một phần thuộc chủ quyền của Trung Quốc, rất dễ gây ra những phát súng cảnh cáo và đến gần cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn hơn mà chúng ta đã thấy. Nó giống như đạp đổ một cánh cửa để vào một căn phòng tối, kết quả càng trở nên khó đoán hơn. Một cuộc tấn công quy mô lớn hơn từ một trong hai bên đều có thể nối tiếp nhau, có thể là một cuộc tấn công mạng quy mô lớn hơn, cũng có thể là nhằm vào các cơ sở hạ tầng then chốt. Các nhóm tấn công tàu sân bay của cả hai bên có thể đối đầu trực diện. Nếu tổn thất nặng nề hơn, việc nóng nảy sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể tăng lên.

Trung Quốc đưa vào sử dụng tàu tấn công đổ bộ trực thăng 075 thứ hai đe dọa Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Trung Quốc đưa vào sử dụng tàu tấn công đổ bộ trực thăng 075 thứ hai đe dọa Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Bài báo nhấn mạnh, “cần phải tưởng tượng thảm họa chiến tranh có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ, như thế có thể đảo ngược và ngăn chặn nó xảy ra. Khi đối phó với những thách thức lớn nhất, thường không phải là thiếu thông minh, mà là thiếu trí tưởng tượng”. Bài báo đưa ra những ví dụ về những sự kiện không thể tưởng tượng nổi như sự kiện Trân Châu Cảng, sự kiện phá hủy Trung tâm Thương mại Thế giới ở Mỹ, cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan và đại dịch COVID-19 toàn cầu.

Cuối cùng, bài báo chỉ ra nguy cơ xảy ra chiến tranh bất ngờ ngoài ý muốn giữa Mỹ và Trung Quốc là có thật và ngày càng gia tăng. Chúng ta không chỉ cần trí tưởng tượng, mà còn cần sự chăm chỉ để tạo ra một chiến lược quốc gia có thể sử dụng tất cả các công cụ quan trọng của các quốc gia (ngoại giao, kinh tế, răn đe quân sự, văn hóa, giao lưu), nếu chúng ta muốn tránh mộng du một cách vô thức từng bước trượt tới một cuộc chiến tranh trong thế kỷ 21.