Theo ông Ned Price, tham gia cuộc gặp gỡ làm việc này, về phía Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Phía Mỹ sẽ là Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.
Đây là cuộc hội đàm quan chức cấp cao Trung - Mỹ đầu tiên kể từ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền. Bài viết của ông Ned Price đăng trên trang mạng xã hội Twitter nói hai bên sẽ thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có những vấn đề mà hai bên có sự bất đồng.
Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ tham dự cuộc họp này khi trở về sau khi kết thúc chuyến thăm đến Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới. Trước đó, vào thứ Tư, các nguồn tin truyền thông Mỹ cho biết địa điểm cuộc gặp gỡ đã được lựa chọn ở Alaska thay vì Washington hoặc những nơi khác ở lục địa Mỹ, để tránh cho chuyến thăm của các đại diện Trung Quốc lần này trở nên quá nổi bật ở Trung Quốc.
Các cơ quan truyền thông Mỹ cũng dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng các chủ đề của cuộc họp sẽ bao gồm đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, lập trường của Trung Quốc đối với Hồng Kông và việc họ gây áp lực đối với Đài Loan và việc Trung Quốc “cấm vận kinh tế không chính thức” đối với Australia.
Điều trần trước Hạ viện hôm 10/3, ông Antony Blinken khẳng định sẽ hành động trước việc xâm phạm nhân quyền ở Hồng Kông (Ảnh: Đông Phương). |
Trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 11/3 bình luận, cuộc hội đàm lần này được tổ chức vào thời điểm quan hệ Trung-Mỹ vẫn đang căng thẳng; Tổng thống Joe Biden vào tháng trước có bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ của mình, tuyên bố rằng Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất (most serious)” của Mỹ, nhưng Mỹ vẫn sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc nếu phù hợp với lợi ích của mình.
Cũng theo Đông Phương, cùng ngày 10/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã xác nhận thông tin ông sẽ tham dự cuộc họp cấp cao Trung - Mỹ được tổ chức vào tuần tới và cuộc gặp sẽ thảo luận về vấn đề Hồng Kông. Hôm 10/3, ông cũng phát biểu về vấn đề Hồng Kông khi tham dự phiên điều trần của Ủy ban các vấn đề đối ngoại Hạ viện. Ông tuyên bố, Mỹ sẽ có hành động chống lại những người chiouj trách nhiệm về việc xâm phạm nhân quyền ở Hồng Kông.
Ông Blinken nói: “Nước Mỹ chúng ta, phải tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như đối với những người chịu trách nhiệm về vụ đàn áp ở Hồng Kông”. Trong thời kì chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Trump, ông đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) Giám đốc điều hành Hồng Kông và Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Nhược Hoa cùng nhiều quan chức Trung Quốc và Hồng Kông bị cáo buộc làm tổn hại đến quyền tự trị của Hồng Kông.
Hai ông Dương Khiết Trì và Antony Blinken đã từng gặp nhau năm 2015 ở Bắc Kinh (Ảnh: chinatimes). |
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 11/3, cuộc gặp gỡ quan chức cấp cao Mỹ - Trung đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden diễn ra trong bối cảnh các quan chức cấp cao của Mỹ sẽ có chuyến thăm các nước châu Á, và Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo nhiều nước châu Á. Các nhà quan sát nói rằng Mỹ không muốn hoàn toàn gạt Trung Quốc ra ngoài lề.
Theo nguồn tin được tờ South China Morning Post của Hong Kong ngày 9/3trích dẫn, Trung Quốc và Mỹ đang thảo luận về cuộc gặp được tổ chức tại Alaska giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương. Đây sẽ là cuộc tiếp xúc đầu tiên kiểu như vậy kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1 năm 2021.
Theo báo này, phái đoàn Trung Quốc có thể bao gồm hai nhân vật nặng ký, do ông Dương Khiết Trì dẫn đầu. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng có thể tham gia cuộc đàm phán.
Tờ Financial Times của Anh ngày 9/3 đưa tin, thời điểm Mỹ quyết định tổ chức cuộc gặp với Trung Quốc diễn ra vào thời điểm ông Biden đang chuẩn bị gặp các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Theo báo này, bốn quốc gia này đang cố gắng hợp tác chặt chẽ hơn để đối đầu với Trung Quốc, nhưng họ sẽ không hình thành quan hệ đối tác chống Trung Quốc một cách công khai.
Báo này cũng cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ tới thăm Tokyo và Seoul vào tuần tới. Ông Austin cũng sẽ đến thăm Ấn Độ. Hai nguồn tin thông thạo với vấn đề này cho biết, Washington muốn đảm bảo rằng trong khi thúc giục các đồng minh hợp tác với Mỹ và có lập trường cứng rắn hơn chống lại Bắc Kinh, họ sẽ không hoàn toàn gạt Trung Quốc ra ngoài lề.
Được biết, bà Jen Psaki người phát ngôn Nhà Trắng đã thông báo trong một cuộc họp báo vào ngày 9/3 rằng Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison sẽ tiến hành một cuộc gặp gỡ trực tuyến qua mạng vào ngày 12/3. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của lãnh đạo “Đối thoại An ninh Bộ tứ Kim cương” (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, dự kiến sẽ tập trung vào vấn đề Trung Quốc.
Bốn nhà lãnh đạo "Bộ tứ Kim cương" sẽ có cuộc gặp gỡ trực tuyến đầu tiên ngày 12/3 được cho là nhằm đối phó Trung Quốc (Ảnh: Ifeng). |
Mặc dù thời gian gặp gỡ đã được sắp xếp, nhưng hai bên vẫn chưa tiết lộ nội dung. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 10/3 khi được hỏi về thông tin cuộc gặp ở Alaska đã nói “tôi không có gì để thông báo với các bạn. Tổng thống Biden đã điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 10/2. Chúng ta chờ đợi hai bên có cơ hội tiếp xúc, nhưng vẫn chưa có thông tin chi tiết nào được hoàn thiện”.
Bà Jen Psaki nói rằng: “(cuộc gặp sắp tới) dự kiến sẽ không diễn ra dưới hình thức hội nghị thượng đỉnh. Tất nhiên, Tổng thống và đội ngũ an ninh quốc gia của ông sẽ có một loạt các cuộc tiếp xúc và tham gia trực tiếp với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực trong những tháng và mấy năm tới. Thông qua các hoạt động này, chúng ta tất nhiên sẽ thảo luận về một loạt vấn đề với Trung Quốc, và sẽ không lẩn tránh các vấn đề quan ngại của Mỹ, nhưng chúng ta cũng đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với Trung Quốc”.
Vào ngày 10/3, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói về thông tin này khi chủ trì cuộc họp báo thường kỳ: “Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi điện thành công cho Tổng thống Biden vào đêm giao thừa và hai bên nhất trí duy trì các kênh liên lạc thông suốt giữa Trung Quốc và Mỹ. Về các vấn đề cụ thể của cuộc họp này, hiện tại tôi không có tin tức gì để cung cấp cho bạn”.