Truyền thông Ấn Độ: Quân đội Trung - Ấn đã khẩn cấp tăng viện ở cả ba tuyến tranh chấp

VietTimes – Báo chí Ấn Độ nói, Trung Quốc và Ấn Độ hiện không chỉ tập trung quân tại khu vực đang đối đầu ở Ladakh mà đã tăng viện tới cả ba tuyến biên giới đang có tranh chấp.
Trung Quốc bố trí pháo phản lực nhiều nòng hạnh nặng ở gần biên giới (Ảnh: Đa Chiều).
Trung Quốc bố trí pháo phản lực nhiều nòng hạnh nặng ở gần biên giới (Ảnh: Đa Chiều).

Từ đầu tháng 5 đến nay, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đang đối đầu căng thẳng tại Ladakh thuộc khu vực phía Tây của đường kiểm soát thực tế đang tranh chấp. Truyền thông Ấn Độ cho biết để đề phòng tình hình bất trắc, quân đội cả hai bên đã tăng cường sự hiện diện quân sự của họ ở cả ba khu vực tranh chấp trên biên giới khiến toàn tuyến biên giới Trung Quốc-Ấn Độ ở trong tình trạng căng thẳng.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều dẫn nguồn The Times of India ngày 12/6 đưa tin, từ đầu tháng 5, binh lính Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc xâm nhập khiến phía Ấn Độ ban đầu bị bất ngờ. Giờ đây, Ấn Độ đã tăng cường các hoạt động chuẩn bị quân sự cho biên giới phía bắc.

Nguồn tin ngày 11/6 cho biết rằng có ba khu vực trên 3.488 km đường kiểm soát thực tế trên biên giới Trung - Ấn có tranh chấp, gồm khu vực Ladakh ở phía Tây; bang Uttarakhand và Himachal Pradesh ở miền Trung; bang Sikkim và Arunachan Pradesh ở phía Đông. Trung Quốc cũng đặt tên Trung Quốc cho ba khu vực tranh chấp này. Hiện tất cả các đơn vị lục quân và các căn cứ không quân của Ấn Độ đều đã được báo động để đối phó với việc tập kết các đơn vị PLA tại các địa điểm khác nhau dọc biên giới.

Ba khu vực tranh chấp trên toàn tuyến biên giới Trung - Ấn ( Ảnh: Deutsche Welle).
Ba khu vực tranh chấp trên toàn tuyến biên giới Trung - Ấn ( Ảnh: Deutsche Welle).

Một nguồn tin cho The Times of India biết: "Chúng ta sẽ theo dõi chặt chẽ để đối phó với bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào, bao gồm việc Trung Quốc phô trương sức mạnh cơ bắp ở một số khu vực mới; không để rủi ro nào có thể xảy ra”.

Một nguồn tin khác nói: "Chừng nào PLA không rút quân khỏi đường kiểm soát thực tế (LAC), các đơn vị quân đội chúng ta từ biên giới Ladakh tới Arunachal Pradesh sẽ được duy trì tại các vị trí tiền duyên để ứng phó với tình hình”.

The Indian Express ngày 12/6 cũng đưa tin, các nguồn tin quân sự Ấn Độ hôm 11/6 tiết lộ, ngay khi Ấn Độ và Trung Quốc đang thảo luận về cách giảm căng thẳng dọc theo đường kiểm soát thực tế phía đông Ladakh, khi xảy ra cuộc đối đầu căng thẳng nhất vào tháng 5 năm nay, hai nước đã chuyển quân đội từ vị trí bình thường ra mặt trận và triển khai trên toàn tuyến biên giới Trung-Ấn.

Nguồn tin này cho biết, việc điều động quân đội được thực hiện ở các khu vực tung thâm của cả ba khu vực phía Tây, miền Trung và phía Đông của tuyến biên giới dài 3.488 km giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Trung Quốc đưa xe tăng ra biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Thanh niên Trung Quốc).
Trung Quốc đưa xe tăng ra biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Thanh niên Trung Quốc).

Nguồn tin này nói, mặc dù cuộc đối đầu giữa hai bên chỉ xảy ra ở phía đông Ladakh ở khu vực biên giới phía Tây, nhưng lực lượng quân sự của cả hai bên đã được tăng cường sức mạnh ở cả khu vực miền Trung và miền Đông. Việc này đã xảy ra vào tháng 5, trước khi diễn ra gặp gỡ hội đàm giữa Trung tướng Harinder Singh, Tư lệnh Tập đoàn quân 14 Ấn Độ với Thiếu tướng Lưu Lâm, Tư lệnh Quân khu Nam Cương ngày 6/6.

Tuy nhiên, quân đội ở các khu vực khác đã không mặt đối mặt như ở Ladakh vì đó là hoạt động "bố trí tung thâm”.

Họ nói: "Kể từ tháng 5, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở các khu vực khác. Do đó, Ấn Độ cũng đã tăng cường lực lượng quân sự ở các khu vực đó”. Điều này xảy ra trước cuộc hội đàm ngày 6/6 và quân đội không được triển khai trên tuyến kiểm soát thực tế.

Con đường Ấn Độ đang làm tại Ladakh khiến Trung Quốc đưa quân ra gây căng thẳng (Ảnh: indiandefencereview).
Con đường Ấn Độ đang làm tại Ladakh khiến Trung Quốc đưa quân ra gây căng thẳng (Ảnh: indiandefencereview).

Được biết, sau các cuộc ẩu đả và ném đá quy mô lớn giữa các lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc vào các ngày 5 và 9/5 tại hồ Pangong ở Ladakh và tuyến kiểm soát thực tế ở Sikkim, các cuộc đàm phán giữa hai bên đã bị phá vỡ và Trung Quốc tăng thêm 5.000 quân tới bốn hoặc năm điểm đối đầu ở hồ Pangong, Demchok và Galwan Valley thuộc đông Ladakh. Trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được giữa hai bên, tranh chấp ở bắc Sikkim đã được giải quyết tại chỗ, trong khi tranh chấp ở phía đông Ladakh bị trì hoãn chưa giải quyết được.

Về lý do của cuộc đối đầu này, hãng Bloomberg ngày 27/5 đưa tin một quan chức chính phủ Ấn Độ giấu tên, nói rằng căng thẳng hiện tại giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể là do việc Ấn Độ xây dựng đường cao tốc và làm cầu ở Thung lũng Galwan ở Ladakh.  

Sau nhiều vòng đàm phán thất bại, các chỉ huy quân đội cấp cao Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc hội đàm mới vào ngày 6/6. Mặc dù tuyên bố của hai Bộ Ngoại giao đưa ra sau sự kiện nhấn mạnh rằng hai bên sẵn sàng giải quyết vấn đề thông qua đối thoại; nhưng theo các cơ quan truyền thông Ấn Độ như Times of India, trong cuộc hội đàm vào ngày 6/6, Trung Quốc đã yêu cầu Ấn Độ ngừng việc làm đường. Tuy nhiên, Ấn Độ kiên quyết bảo vệ lập trường của mình, nói rằng việc xây dựng được thực hiện bên trong lãnh thổ Ấn Độ nằm ngoài tuyến kiểm soát thực tế, vì vậy Trung Quốc không có lý do gì để phản đối việc Ấn Độ làm đường. Phía Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc rút quân, trong khi Trung Quốc lại tuyên bố việc họ triển khai quân ở phía Trung Quốc của đường kiểm soát thực sự là "không có gì bất thường".

Lính hai bên đối đầu ven hồ Pangong (Ảnh: Đa Chiều).
Lính hai bên đối đầu ven hồ Pangong (Ảnh: Đa Chiều).

Các phương tiện truyền thông Ấn Độ cũng nói rằng cuộc đối đầu có thể tiếp tục và Ấn Độ đã chuẩn bị cho lâu dài.

Đồng thời, phiên bản tiếng Anh của Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc ngày 8/6 đưa tin các chuyên gia Trung Quốc dự đoán rằng do sự phức tạp của tình hình, cuộc đối đầu quân sự có thể sẽ tiếp tục trong một thời gian. Tiền Phong, giám đốc bộ phận nghiên cứu của Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, cho rằng tình trạng bế tắc hiện tại khó có thể chấm dứt ngay lập tức vì những vấn đề cụ thể vẫn cần được giải quyết. Ông nói rằng dây dẫn của vụ việc là việc Ấn Độ xây dựng cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ Trung Quốc cần phải dừng lại; nếu không Trung Quốc sẽ không chấp nhận tình trạng này.

Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ đang tiến hành nhiều cuộc đàm phán để làm dịu tình hình, hai bên cũng đã lui quân khỏi nhiều địa điểm đối đầu, nhưng cuộc đối đầu ở hồ Pangong vẫn tiếp diễn và là vấn đề khó khăn nhất.