Truyền thông Ấn Độ: đàm phán biên giới với Trung Quốc chưa giải quyết được vấn đề thực chất

VietTimes – Sau khi các chỉ huy quân sự Ấn Độ và Trung Quốc đàm phán, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói hai bên đã đồng ý giải quyết cuộc đối đầu quân sự ở biên giới một cách hòa bình. Liệu căng thẳng trên biên giới đã được tháo gỡ?
Trung Quốc tập trung nhiều binh lực ở gần biên giới để gây sức ép với Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều).
Trung Quốc tập trung nhiều binh lực ở gần biên giới để gây sức ép với Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều).

 Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm Chủ nhật (ngày 7/6) đã ra tuyên bố nói rằng Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý "giải quyết hòa bình" cuộc đối đầu quân sự ở biên giới hai nước.

Các đại diện của Trung Quốc và Ấn Độ đã gặp nhau ở biên giới giữa hai nước vào thứ Bảy. Đây là cuộc đàm phán song phương cấp cao nhất được tổ chức ở biên giới cho đến nay với sự tham dự của các chỉ huy cấp cao. Trong bốn tuần qua, các sĩ quan chỉ huy biên giới ở địa phương đã tổ chức một loạt các cuộc gặp gỡ, nhưng vẫn không thể hóa giải cục diện bế tắc.

Các khu vực hiện đang tranh chấp trên biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Ảnh: Dweutsche Welle)
Các khu vực hiện đang tranh chấp trên biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Ảnh: Dweutsche Welle)

Trang web của chính phủ Ấn Độ hôm thứ Bảy (6/7) đã công bố, phái đoàn Ấn Độ tại cuộc đàm phán do Tư lệnh Tập đoàn quân đoàn 14, Harinder Singh dẫn đầu và phía Trung Quốc do Thiếu tướng Liễu Lâm, Tư lệnh Quân khu Tây Tạng dẫn đầu. Nơi gặp gỡ là ở Moldo, Ladakh, trên phần đất Ấn Độ hiện đang kiểm soát ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo trang tin Deutsche Welle của Đức ngày 7/6, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói, các cuộc đàm phán được tiến hành trong một "bầu không khí chân thành và tích cực" và "hai bên đã đồng ý giải quyết hiện trạng khu vực biên giới một cách hòa bình". Tuyên bố nhấn mạnh sự đồng thuận đạt được của các nhà lãnh đạo hai bên là "hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện quan hệ song phương".

Tuyên bố cũng nói năm nay là kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Hai bên đã nhất trí trong cuộc đàm phán rằng việc giải quyết sớm vấn đề biên giới sẽ giúp phát triển hơn nữa quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ. Hai bên cũng bày tỏ sẽ "tiếp tục nỗ lực giải quyết tranh chấp ở lĩnh vực quân sự và ngoại giao để đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới".

Linhd Trung Quốc căng biểu ngữ đòi quân đội Ấn Độ rút khỏi khu vực họ cho là lãnh thổ Trung Quốc (Ảnh: Dweutsche Welle).
Linhd Trung Quốc căng biểu ngữ đòi quân đội Ấn Độ rút khỏi khu vực họ cho là lãnh thổ Trung Quốc (Ảnh: Dweutsche Welle).

Trước đó một ngày, các quan chức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã thảo luận về tình hình ở biên giới. Chính phủ Ấn Độ cho biết, ông Naveen Srivastava, một quan chức của Vụ Đông Á, Bộ Ngoại giao Ấn Độ, đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với ông Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao), Vụ trưởng ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào thứ Sáu (5/6). Hai bên đã nhìn lại sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc rằng mối quan hệ hòa bình, ổn định và cân bằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là một nhân tố tích cực trong việc ổn định tình hình toàn cầu hiện nay. Hai bên cũng đồng ý giải quyết sự bất đồng thông qua các cuộc thảo luận hòa bình. Đồng thời, “cần xem xét tôn trọng sự nhạy cảm, mối quan tâm và nguyện vọng của nhau, không để chúng diễn biến thành tranh chấp”.

Deutsche Welle cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cũng nói trong một tuyên bố: "Hai bên nhất trí cho rằng dưới sự chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo hai nước, hai bên không nên đe dọa lẫn nhau, tạo cơ hội phát triển cho nhau và không để bất đồng leo thang thành tranh chấp, cần biến quan niệm thành hành động thực hiện, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chiến lược, đi sâu hợp tác cùng có lợi và quản lý đúng đắn sự khác biệt”.

Lính Ấn Độ căng biểu ngữ đòi quân đội Trung Quốc rút khỏi khu vực họ cho là lãnh thổ Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều).
Lính Ấn Độ căng biểu ngữ đòi quân đội Trung Quốc rút khỏi khu vực họ cho là lãnh thổ Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều).

Tuy nhiên, theo Deutsche Welle, sau cuộc đàm phán biên giới hôm thứ Bảy (6/6), phía Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ thông tin chính thức nào.

Thông tấn xã Đức DPA nói, tuyên bố của Ấn Độ vào Chủ nhật 7/6 cho thấy các cuộc đàm phán ngày hôm trước đã không đạt được kết quả thực chất. Trước đó có tin nói rằng trọng tâm của các cuộc đàm phán mà bên ngoài quan tâm là liệu Trung Quốc và Ấn Độ có đồng ý rút quân và vũ khí đã tăng viện ra khỏi khu vực biên giới hay không.

Các quan chức Ấn Độ nói, cuộc đối đầu lần này bắt đầu vào đầu tháng 5, khi một số lượng lớn binh sĩ Trung Quốc tiến sâu vào khu vực Ladakh do Ấn Độ kiểm soát và đóng lại đây. Phía Ấn Độ cáo buộc các binh lính Trung Quốc phớt lờ các cảnh báo bằng lời nói của Ấn Độ, nhiều lần yêu cầu họ rời đi; hai bên nổ ra cãi vã, ném đá và xô xát ẩu đả nhau. Ấn Độ sau đó đã phái hàng ngàn binh sĩ và triển khai vũ khí tới. Ngoài ra, binh lính Trung Quốc và Ấn Độ hồi đầu tháng Năm cũng đối đầu ở bang Sikkim ở đông bắc Ấn Độ.

Trung Quốc đưa quân tập kết ở gần khu vực tranh chấp với Ấn Độ (Ảnh: CCTV).
Trung Quốc đưa quân tập kết ở gần khu vực tranh chấp với Ấn Độ (Ảnh: CCTV).

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 8/6 cũng đăng bài cho rằng, cuộc đàm phán giữa các chỉ huy cao cấp hai quân đội đã không mang lại sự đột phá, cuộc đối đầu hai bên vẫn tiếp tục.  

Tờ The Indian Express ngày 8/6 viết, các nhân sĩ thạo tin nói cuộc thảo luận giữa hai bên “diễn ra thẳng thắn”. Người này nói: “Đây là một quá trình lâu dài, cần áp dụng các bước đi nhỏ để giải quyết cục diện”. Trong cuộc đàm phán hôm 6/6, Ấn Độ đưa ra quan điểm cốt lõi là khôi phục hiện trạng khu vực Ladakh ở phía Đông đường kiểm soát thực tế (LAC). Phái đoàn Ấn Độ còn nêu rõ giới hạn tuần tra tại các khu vực khác nhau và yêu cầu khôi phục các giới hạn đó.

Tin cho biết, một vấn đề then chốt là khu vực hồ Pangong. Trung Quốc đã di chuyển ranh giới kiểm soát về phía Tây 8km, dựng lều bạt bố trí quân đội tại đó. Ngoài việc thay đổi hiện trạng biên giới, điều đó cũng có nghĩa là: các đội tuần tra của quân đội Ấn Độ không được tới đường kiểm soát thực tế mà Ấn Độ đánh dấu trên bản đồ của mình.

Nguồn tin cho biết, phía Ấn Độ nói với Trung Quốc: các đội tuần tra của Ấn Độ không thể bị ngăn cản. Trung Quốc nói sẽ nghiên cứu chuyện nay, nhưng cũng nêu ra vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng của Ấn Độ.

Trung Quốc đưa nhiều vũ khí, phương tiện quân sự ra khu vực biên giới tranh chấp (Ảnh: CCTV).
Trung Quốc đưa nhiều vũ khí, phương tiện quân sự ra khu vực biên giới tranh chấp (Ảnh: CCTV).

Theo Đa Chiều, vấn đề cốt lõi của cuộc đối đầu lần này là việc Trung Quốc tập kết quân đội ở khu vực Galwan Valley. Các sĩ quan và quan chức Trung Quốc nói, vệc họ bố trí lực lượng tại phía Trung Quốc của LAC “không có gì là bất bình thường”. Nguồn tin nói, việc Trung Quốc từ chối thừa nhận vấn đề, được coi là dấu hiệu của sự “không thỏa hiệp” ở khu vực Galwan Valley.

Được biết, cuộc đàm phán hôm 6/6 đã kéo dài hơn 6 giờ, nhưng nguồn tin nói với Đa Chiều: “Thực tế, cuộc đàm phán kéo dài hơn 3 tiếng, nhưng do phiên dịch nên mất rất nhiều thời gian”.

Có tin, sau hội đàm, phía quân đội Ấn Độ đã báo cáo tình hình cho Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao  và Văn phòng Thủ tướng. Đồng thời, để chuẩn bị cho tình hình bế tắc, quân đội đã bắt đầu đề ra kế hoạch bố trí lâu dài ở vùng núi cao.

Tờ The Times of India ngày 8/6 viết, mặc dù cuộc đối thoại giữa các sĩ quan cấp cao hai quân đội đã đưa cục diện phát triển theo hướng tích cực, nhưng để giải quyết cục diện căng thẳng với Trung Quốc ở phía Đông khu vực Ladakh, Ấn Độ đã chuẩn bị kế hoạch lâu dài. Tin cho biết, Ấn Độ quyết tâm khôi phục hiện trạng khu vực, nhưng điều này phải được quyết định bởi 3 nhượng bộ của phía Trung Quốc:

Thứ nhất, PLA phải rút khỏi 4-5 điểm mà họ đã cho quân xâm lấn lãnh thổ Ấn Độ ở hồ Pangong, khu vực suối Gogra Hot Springs và Galwan Valley.

Thứ hai, quân đội Trung Quốc phải dỡ bỏ các hầm hào, công sự đã xây dựng ở các địa điểm này; đặc biệt là từ Finger-4 đến Finger-8 ở Tả ngạn hồ Pangong. Từ đầu tháng 5 đến nay, PLA đã chiếm các khu vực ngoài Finger-4, ngăn cản mọi cuộc tuần tra của quân đội Ấn Độ từ phía Tây sang phía Đông.

Thứ ba, Trung Quốc phải rút lực lượng PLA khoảng từ 5 ngàn đến 7 ngàn quân với pháo binh và xe tăng chi viện khỏi khu vực gần các địa điểm đối đầu ven tuyến kiểm soát thực tế.

Binh lính hai nước đối đầu nhau ven hồ Pangong (Ảnh: Đa Chiều).
Binh lính hai nước đối đầu nhau ven hồ Pangong (Ảnh: Đa Chiều).

Cũng theo Đa Chiều, trong khi đó tờ Thời báo Hoàn cầu bản Anh Văn của Trung Quốc ngày 8/6 đưa tin: “Các chuyên gia Trung Quốc ngày 8/6 cho biết, các sĩ quan chỉ huy quân đội Trung - Ấn hôm 6 đã hội đàm, đạt được một thỏa thuận tích cực về việc giải quyếthòa bình vấn đề biên giới. Hiện nay vấn đề biên giới hai nước không có khả năng leo thang thành cuộc đối đầu như Donglang (Doklam) năm 2017”. Nhưng báo này cũng nói, do sự phức tạp của tình hình, việc đối đầu quân sự có khả năng kéo dài thêm một thời gian nữa.

Ông Tiền Phong (Qian Feng), Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu của Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia Đại học Thanh Hoa nói, cục diện bế tắc hiện nay không thể lập tức kết thúc, vì cần phải giải quyết các vấn đề thực tế...