Tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 29/10 dẫn báo chí Nga cho hay Công ty động cơ Saturn Nga và phía Trung Quốc đã ký kết hai hợp đồng, trong đó có tổng cộng 224 động cơ D-30KP-2, có kế hoạch hoàn thành bàn giao trước năm 2020.
Tính theo giá cả tỷ giá hối đối đồng USD năm 2010, hai hợp đồng này có tổng trị giá khoảng 657 triệu USD, bình quân mỗi chiếc động cơ có giá 3 triệu USD.
Do đó, có quan điểm cho rằng những động cơ này ngoài được sử dụng một phần cho phi đội dòng máy bay IL-76/78 mua trước đây, phần lớn sẽ có thể dùng cho sản xuất máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 và máy bay ném bom chiến lược H-6K.
Nếu theo quan điểm của báo chí Nga, 170 động cơ trong hợp đồng sẽ dùng cho loại máy bay mới thì ít nhất có thể đáp ứng yêu cầu chế tạo 40 máy bay vận tải cỡ lớn Y-20.
Theo nội dung hợp đồng, hợp đồng động cơ D-30KP-2 giữa Trung Quốc và Nga lần này được ký kết được chia thành hai bộ phận, một bộ phận là 54 động cơ, giá 158 triệu USD.
heo quy định, năm 2017 bàn giao 10 chiếc; năm 2018 bàn giao 12 chiếc; năm 2019 bàn giao 12 chiếc; năm 2020 bàn giao 20 chiếc.
Phần còn lại là 170 động cơ có giá 499 triệu USD. Theo quy định, sẽ bàn giao 44 chiếc trong năm 2017; 40 chiếc năm 2018; 48 chiếc năm 2019; 38 chiếc bàn giao năm 2020.
Trước đây, Trung Quốc và Nga từng ký kết 2 hợp đồng động cơ D-30KP-2 vào năm 2009 và năm 2011, trong đó năm 2009 mua 55 chiếc, năm 2011 mua 184 chiếc. Hai hợp đồng này quy định hoàn thành bàn giao động cơ trước cuối năm 2015.
Hiện nay, những loại máy bay lắp động cơ D-30KP-2 của Không quân Trung Quốc gồm có: máy bay vận tải IL-76, máy bay tiếp dầu IL-78, máy bay ném bom chiến lược H-6K và máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 mới biên chế.
Vào thập niên 1990, Không quân Trung Quốc đã nhận được hơn 10 máy bay vận tải IL-76 của Nga. Sau khi bước vào thế kỷ 21, Trung Quốc từng có kế hoạch mua thêm 38 máy bay vận tải IL-76 và máy bay tiếp dầu IL-78 của Nga, nhưng do Nga không thể bàn giao, cuối cùng chuyển sang thay thế bằng mua động cơ D-30KP-2.
Sau năm 2010, Trung Quốc lại liên tục nhận được khoảng 10 máy bay vận tải IL-76 đã qua sử dụng của các nước như Nga, Ukraine, những máy bay này sau cải tạo, tân trang đã được tiếp tục sử dụng.
Sử dụng những động cơ D-30KP-2 mua của Nga, Trung Quốc đã sản xuất gần 60 máy bay ném bom chiến lược H-6K, đã trang bị cho quân đội; đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu bay thử và sản xuất giai đoạn đầu của máy bay vận tải cỡ lớn Y-20.
Hiện nay, ngoài đổi thành trang bị thử nghiệm động cơ, Trung Quốc sở hữu khoảng 24 máy bay vận tải IL-76 làm nhiệm vụ vận tải đường không, tương đương một trung đoàn vận tải đường không, còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu của Không quân Trung Quốc đối với khả năng điều động chiến lược.
Căn cứ vào thỏa thuận ký kết với Nga lần này, động cơ mua sắm ngoài thay thế cho động cơ đã hết hạn sử dụng trước đây, rõ ràng còn dùng để lắp cho lượng lớn máy bay vận tải mới.
Nếu đúng như phân tích của báo chí Nga, hợp đồng đầu tiên 54 động cơ chủ yếu dùng để đáp ứng yêu cầu duy tu, bảo dưỡng phi đội máy bay vận tải IL-76 và máy bay tiếp dầu IL-78 mua sắm trước đây, số 170 động cơ còn lại có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất 42 máy bay vận tải cỡ lớn Y-20.
Nếu mục tiêu này được thực hiện thì đội máy bay vận tải chiến lược của Không quân Trung Quốc sẽ được thay thế toàn diện bằng máy bay Y-20.
Trong khi đó, máy bay vận tải IL-76 hiện có có thể cải tiến thành máy bay tiếp dầu IL-76, bổ sung điểm yếu to lớn trên phương diện này của Không quân Trung Quốc.
Đồng thời, có vài máy bay vận tải Y-20 có thể cải tiến thành máy bay cảnh báo sớm trên không, tăng cường sức mạnh cho phi đội cảnh báo sớm của Trung Quốc.