Động thái trên đánh dấu lần thứ hai Trung Quốc bác đề nghị của Mỹ trong tháng này, khi trước đó họ từng từ chối cho 2 chiến hạm hải quân Mỹ tới thăm cảng Hồng Kông, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị ở thành phố này trở nên trầm trọng.
Vị quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói rằng tàu khu trục của họ dự kiến đến thăm cảng Thanh Đảo từ hôm Chủ nhật tuần trước, nhưng bị phía Trung Quốc từ chối. Chiến hạm Mỹ thỉnh thoảng thực hiện các chuyến thăm Trung Quốc mà lần gần đây nhất là vào năm 2017. Tàu chiến Mỹ gần đây nhất tới thăm Thanh Đảo là tàu khu trục Benford, vào năm 2016.
Khi được hỏi về nguyên nhân tàu Mỹ bị từ chối cập cảng, quan chức trên nói rằng câu hỏi này nên được đặt ra với Bắc Kinh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu trong buổi thông báo vắn tại Bắc Kinh rằng ông không hề biết thông tin gì về sự việc này và đề nghị báo giới chuyển câu hỏi qua phía quân đội. Tuy nhiên, cả Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng từ chối bình luận.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gây tổn hại tới đà tăng trưởng toàn cầu, reo rắc nỗi sợ hãi trên nhiều thị trường rằng nền kinh tế thế giới sẽ lao vào khủng hoảng. Tuy nhiên, trong hôm đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm tăng hy vọng đạt được thỏa thuận, giảm thang cuộc chiến áp thuế với Trung Quốc.
Đầu tháng này, Trung Quốc cũng từng bác đề nghị cho phép một tàu vận tải của hải quân Mỹ tên Green Bay và tàu tên lửa dẫn đường Lake Erie tới thăm Hồng Kông. Chuyến thăm này diễn ra giữa thời điểm mà làn sóng biểu tình chống chính quyền ở Hồng Kông gây ra thách thức lớn nhất cho chính quyền Bắc Kinh kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012. Chính quyền Bắc Kinh đã gửi đi một lời cảnh báo đanh thép rằng, nếu tình trạng bạo lực tiếp diễn, họ có thể dùng tới vũ lực.
Chi tiêu ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng tới 7,5% từ năm 2018, trong khi việc chính quyền Bắc Kinh đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự cũng làm dấy lên nhiều quan ngại ở các nước láng giềng và đồng minh phương Tây, đặc biệt là khi Bắc Kinh ngày càng tăng cường các tuyên bố chủ quyền trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông, biển Hoa Đông và Đài Loan.
Năm ngoái, quân đội Mỹ đã công bố chiến lược quốc phòng mới, trong đó chuyển dịch sự ưu tiên từ chống các nhóm phiến quân sang đối phó với Trung Quốc và Nga.
Theo Reuters