Trung Quốc thực sự tăng trưởng bao nhiêu trong năm 2015?

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là năm 2015 sẽ kết thúc, nhưng ở thời điểm hiện tại Trung Quốc vẫn chưa công bố con số tăng trưởng của nước này trong năm nay là bao nhiêu.
Trung Quốc thực sự tăng trưởng bao nhiêu trong năm 2015?

Sau một năm đầy những biến động dữ dội, việc Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoàng 7% trong năm nay hay không đang bị đặt một dấu hỏi lớn. Vấn đề tốc độ tăng trưởng của năm 2015 với Trung Quốc quan trọng hơn bao giờ hết, vì đây là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, và kết quả này cũng sẽ tác động đến việc lên kế hoạch 5 năm tiếp theo kể từ năm 2016. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng trưởng 2015 sẽ có những tác động chính trị rõ rệt. Vậy, liệu Trung Quốc có thực sự đạt được con số 7% tăng trưởng trong năm 2015 hay không? Câu trả lời là: chưa chắc.

Không cần phải là một nhà kinh tế học uyên bác cũng có thể nhận ra được rằng, Trung Quốc đã có quá nhiều biến động dữ dội trong năm 2015 để có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 7% mà nước này đặt ra. Các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế kể từ đầu năm là tương đối xấu, sức mua giảm, chỉ số bán lẻ cũng giảm, đồng thời năng lực sản xuất công nghiệp cũng sụt giảm khá mạnh. Dòng vốn đầu tư nước ngoài rút ra khỏi thị trường vẫn tiếp tục gia tăng. 

Và đỉnh điểm là cú sốc trên thị trường chứng khoán (TTCK) hồi tháng Tám, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ USD và buộc chính phủ Trung Quốc bơm hơn 500 tỷ USD để vực dậy và ngăn không cho TTCK sụp đổ. Những tháng cuối năm chứng kiến các vụ phá sản của hàng loạt công ty, có cả một số tập đoàn nhà nước lớn, các vụ sáp nhập các doanh nghiệp nhà nước cũng tăng lên trông thấy như một cách để tăng cường sức sống. 

Năm 2014, Trung Quốc rất ít chịu những tác động xấu như thế, vậy mà Bắc Kinh vẫn phải chật vật mới đạt được tốc độ tăng trưởng 7,4% thông qua các gói đầu tư công vào cuối năm mà thủ tướng Lý Khắc Cường tung ra với dụng ý đạt được con số tăng trưởng được đặt mục tiêu từ đầu năm. Vậy thì trong một năm đầy biến động và sức ép như năm 2015, cơ hội để Trung Quốc đạt được tốc độ 7% quả thực là không nhiều.

Có lẽ các quan chức cấp cao Trung Quốc cũng hiểu điều này, khi những phát biểu trước truyền thông của họ về vấn đề tăng trưởng năm 2015 tỏ ra khá dè dặt. Sheng Laiyun, một quan chức của văn phòng thống kê quốc gia, tránh đưa ra bình luận về tốc độ tăng trưởng cả năm, mà chỉ phát biểu: “Nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì được nội lực mạnh cùng tiềm năng lớn của mình, và vẫn đang trong thời gian khá dư dật”. 

Trong khi đó, một cố vấn kinh tế thân cận của chủ tịch Tập Cận Bình là Liu Wei, hiệu trưởng đại học Nhân dân, khi được yêu cầu bình luận về việc tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2015 gần với con số 4,5% hơn là 7%, đã đưa ra một câu trả lời đầy ý nghĩa, dù vẫn còn khá mù mờ. Vị hiệu trưởng này phát biểu: “Đó có thể là con số tăng trưởng thực. Nhưng thành thật mà nói, dù nó có là 4,5% hay là 5% đi nữa, thì sức khỏe và tiềm lực của nền kinh tế là điều đã được minh chứng là có thể vượt qua khó khăn”.

Những lời phát biểu thiếu lạc quan như vậy là có cơ sở, nhất là ngay sau khi một vụ ồn ào lớn xảy ra vào đầu tháng 12/2015. Tân Hoa Xã đưa tin, một loạt các quan chức ở các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc đã thừa nhận giả mạo số liệu kinh tế trong những năm gần đây. Nó đang đặt ra những nghi vấn lớn về tốc độ tăng trưởng thực của Trung Quốc không chỉ trong năm 2014 mà còn của các năm trước. Điểm qua tốc độ tăng trưởng của một số tỉnh Đông Bắc, nơi các quan chức vừa thừa nhận giả mạo số liệu công tác, ta sẽ thấy được phần nào vấn đề. 

Chẳng hạn như Liêu Ninh, GDP của tỉnh này năm nay là 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức 9,5% cách đây ba năm. Điều đáng chú ý ở đây là thủ tướng Lý Khắc Cường là bí thư đảng ủy ở Liêu Ninh trong suốt những năm 90. Một tỉnh khác là Cát Lâm, hiện chỉ có mức tăng trưởng là 6,3%, chỉ bằng một nửa so với mức 12% cách đây ba năm. Khi mà tốc độ tăng trưởng của các tỉnh giảm từ một nửa đến ba phần tư chỉ trong ba năm, thì việc GDP toàn quốc chỉ sụt 0,4% từ 7,4% trong năm 2014 xuống còn 7% trong năm 2015 như chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu rõ ràng là đang đặt ra những dấu hỏi lớn. 

Trên thực tế, nếu chính phủ Trung Quốc muốn đạt được con số mục tiêu tăng trưởng, thì họ có nhiều cách để thực hiện được điều đó. Chẳng hạn như các gói đầu tư công trị giá gần 200 tỷ USD mà chính phủ nước này đã tung ra hồi quý bốn năm ngoái. Nhưng rõ ràng là các gói đầu tư được tung ra một cách vội vã, thiếu tính toán và chỉ nhằm đạt được con số tăng trưởng như vậy không có nhiều ý nghĩa thực sự với tình hình sức khỏe của nền kinh tế. Cho dù Bắc Kinh có thông báo GDP 2015 của Trung Quốc là 7% đi chăng nữa, thì có lẽ tốc độ tăng trưởng thực của nước này chỉ là 4,5 đến 5% như vị hiệu trưởng đại học Nhân dân, cố vấn kinh tế của Tập Cận Bình, đã ám chỉ một cách mù mờ.

Nếu tốc độ tăng trưởng thực của Trung Quốc trong năm 2015 dưới mức 6%, đó có thể sẽ là một cái gáo nước lạnh thực sự với giới lãnh đạo của nước này. Mục tiêu mà ban lãnh đạo Trung Quốc đặt ra trong những năm tới là sẽ tăng gấp đôi thu nhập đầu người của Trung Quốc, đến năm 2020 phải đạt trên 12.600 USD/người. 

Đây được xem là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế, từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tính toán, để đạt được mục tiêu này thì Trung Quốc cần đạt được tốc độ tăng trưởng 6,5% từ nay đến năm 2020. Và khi mà tăng trưởng thực của Trung Quốc trong năm 2015 nếu chỉ đạt khoảng 5% như Liu Wei thừa nhận, thì rõ ràng là mục tiêu trên đã không đạt.

Thậm chí, trong bối cảnh hiện tại, tốc độ tăng trưởng không như kỳ vọng có thể gây ra những hệ quả chính trị lớn. Năm 2015 là năm kết thúc của kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc, và là bản lề cho việc lên kế hoạch cho 5 năm tiếp theo từ 2016 – 2020. Khi không đạt được tốc độ tăng trưởng trong năm cuối cùng, nó có thể gây ra những hệ lụy không nhỏ. Thậm chí, nó có thể tác động tới chủ tịch Tập Cận Bình, người được cho là đã quá mải mê với việc chống tham nhũng và củng cố quyền lãnh đạo thay vì quan tâm đến các vấn đề phát triển kinh tế. 

Vụ đổ vỡ của TTCK hồi giữa tháng Tám vừa qua là một việc có thể khiến uy tín của ông Tập giảm sút mạnh trong vấn đề điều hành đất nước và nền kinh tế. Và khi mà những tin đồn về việc ngày càng nhiều các quan chức bất mãn với nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vẫn đang diễn ra, thì đây rõ ràng là một sự kiện có thể khởi động những xáo trộn chính trị lớn trong nội bộ Trung Quốc thời gian sắp tới.

Nhàn Đàm - Theo Bloomberg, Tri thức trẻ