5 loại vũ khí Ấn Độ khiến Trung Quốc khiếp sợ

Sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Ấn Độ có thể làm cho Trung Quốc cực kỳ lo sợ nếu điều không thể tưởng tượng xảy ra một lúc nào đó.
Tên lửa Bramos của Ấn Độ
Tên lửa Bramos của Ấn Độ

Ấn Độ và Trung Quốc là hàng xóm trong mấy ngàn năm qua và có truyền thống quan hệ tốt. Chỉ mới gần đây trong lịch sử quan hệ song phương đã có hai mặt. Dù có lịch sử hòa bình lâu dài trước đó, cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi năm 1962 và những bất đồng sau đó về lãnh thổ đã làm băng giá quan hệ song phương.

Hoạt động mạnh mẽ gần đây của Trung Quốc nhằm tranh giành những gì họ coi là lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc đã không thể qua mắt Ấn Độ và New Delhi đã đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội. May mắn thay, địa hình trên biên giới chung của họ làm cho một cuộc chiến tranh trên đất liền giữa hai bên trở nên một việc làm khó khăn, nhưng không phải là không thể.

Chỉ mới đây, trong lịch sử quan hệ song phương, hai bên đã đi đến đụng độ vũ lực. Mặc dù Trung Quốc đánh bại oanh liệt Ấn Độ trong cuộc chiến năm 1962, quân đội của hai bên nay có sức mạnh cân bằng hơn và kết quả có thể dễ dàng là một sự bế tắc.

Nếu Ấn Độ và Trung Quốc phải đi đến nói chuyện bằng nắm đấm, cuộc chiến tranh thực sự sẽ diễn ra trên biển. Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn dầu từ các các nguồn cung cấp nước ngoài và 2/3 trong số đó phải đi qua Ấn Độ Dương. Ấn Độ nằm chắn ngang tuyến đường biển quan trọng cung cấp năng lượng cho Trung Quốc. Trong trường hợp căng thẳng gia tăng, Hải quân Ấn Độ có thể gây ra khá nhiều rắc rối trên tuyến đường biển sống còn này, thực chất là phong tỏa hoạt động vận tải tàu biển của Trung Quốc, từ vịnh Persique và châu Phi.

Một động thái như vậy có thể buộc hải quân Trung Quốc phải đi hàng ngàn hải lý vòng qua cực nam châu Á, vào Ấn Độ Dương để đối đầu với các lực lượng hải quân Ấn Độ. Số phận của nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị đưa vào thế bấp bênh. Với ý nghĩ đó, dưới đây là 5 loại vũ khí cho một cuộc xung đột tiềm năng như vậy mà Trung Quốc sẽ kinh sợ nhất.

Tàu sân bay Vikramaditya

Ấn Độ đã vận hành các tàu sân bay trong hơn 50 năm qua, kể từ năm 1961 với tàu sân bay INS Vikrant. Được đưa vào biên chế vào năm 2013, INS Vikramaditya là tàu sân bay mới nhất và mạnh nhất trong một chuỗi dài các tàu sân bay Ấn Độ.

Tàu sân bay này ban đầu được đóng cho Hải quân Liên Xô với tên gọi là Baku. Con tàu ban đầu là một tàu sân bay chống ngầm với vũ khí của một tàu tuần dương, gồm 2 ụ pháo 100 mm, 192 quả tên lửa hạm đối không đáng kinh ngạc SA-N-9 và 12 quả tên lửa chống hạm khổng lồ SS-N-12 Sandbox.

Bị Hải quân Nga xếp xó vào năm 1996, Baku đã được tặng cho Ấn Độ vào năm 2004. Thiết kế cải tiến đã bỏ toàn bộ trang bị vũ khí của tàu tuần dương và thay thế nó bằng một boong bay lệch, đủ dài và cầu bật để hỗ trợ máy bay cất cánh. Phi đoàn trên tàu sân bay INS Vikramaditya dự kiến sẽ gồm 30 tiêm kích MiG-29K hoặc Tejas và 12 trực thăng.

Việc nâng cấp Vikramaditya đã gặp vô vàn khó khăn. Con tàu lẽ ra phải hoàn thành vào năm 2008, nhưng các nhà máy đóng tàu đã gặp khó khăn và việc bàn giao bị trễ 5 năm. INS Vikramaditya hiện nay không có hệ thống phòng không chủ động mà dựa vào phòng thủ thụ động như phương tiện gây nhiễu và pháo sáng. Hệ thống phòng không tầm ngắn Barak-8, một chương trình hợp tác Israel-Ấn Độ bị chậm tiến độ nên các các hệ thống vũ khí tầm gần AK-630 dự định sẽ được lắp đặt vào giữa năm 2015.

Tàu sân bay của Ấn Độ
Tàu sân bay của Ấn Độ

Trung Quốc sợ hãi Vikramaditya vì tàu sân bay này có thể dẫn đầu một cuộc phong tỏa hoạt động của tàu bè Trung Quốc, các máy bay của tàu giúp tăng bán kính hoạt động của hạm đội Ấn Độ. Vikramaditya cũng có thể đóng góp sức mạnh tấn công đường không chống lại bất kỳ hạm đội Trung Quốc nào mưu toan đột phá vòng vây, phá vỡ sự phong tỏa.

Tiêm kích thế hệ 5 FGFA

Tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của Ấn Độ FGFA là sản phẩm hợp tác giữa Hindustan Aeronautics Limited và công ty Sukhoi của Nga. Là kết quả phái sinh của chương trình tiêm kích PAK FA của Nga, FGFA sẽ đánh dấu một bước nhảy vọt về khả năng của Không quân Ấn Độ và về lý thuyết sẽ cung cấp cho Ấn Độ một máy bay ở cùng lớp với F-22 của Mỹ và J-20 của Trung Quốc.

FGFA là một máy bay đa năng cỡ lớn, có khả năng tác chiến cả đối không và đối diện. Tiêm kích này sẽ có tất cả các đặc tính điển hình của tiêm kích thế hệ 5, gồm khả năng cơ động cao, tính năng tàng hình, khả năng bay siêu hành trình ở tốc độ trên 1M, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến và hệ thống radar mạng pha chủ động quét điện tử.

FGFA sẽ có các khoang bên trong lớn có thể chứa các vũ khí có điều khiển, gồm tới 6 tên lửa dẫn bằng radar. Tên lửa không đối không của FGFA có khả năng sẽ là tên lửa Astra do Ấn Độ sản xuất. Tên lửa này dẫn bằng radar, có tầm bắn lên tới 100 km và và đang đang được phát triển. FGFA nghe nói cũng có khả năng mang biến thể phóng từ máy bay của tên lửa hành trình siêu âm BrahMos có thể tấn công các mục tiêu cả trên mặt đất và trên biển.

Ấn Độ sẽ đầu tư tổng cộng 25 tỷ đô la vào dự án phát triển chung và sẽ nhận được tới 250 chiếc FGFA. Việc bàn giao máy bay được ấn định bắt đầu vào năm 2022.

Tuy nhiên, có tin FGFA đang gặp những vấn đề trong quá trình phát triển, khi các quan chức Ấn Độ phàn nàn rằng, chiếc máy bay đang phát triển có “những nhược điểm... về tính năng và các tính năng kỹ thuật khác”. Nhiều trong số những nhược điểm này là tạm thời, nhưng cũng có những nhược điểm khác, chẳng hạn như sự phàn nàn về việc tính năng tàng hình của máy bay được thiết kế kém, có thể tạo ra những trở ngại thực sự trong việc đạt được tất cả các mục tiêu thiết kế.

Trung Quốc lo sợ FGFA bởi vì nó sẽ cạnh tranh trực tiếp với tiêm kích J-20 của Trung Quốc. Mặc dù có những vấn đề được nêu, nhưng FGFA là sản phẩm của Viện thiết kế máy bay huyền thoại Sukhoi với hơn 70 năm kinh nghiệm thiết kế tiêm kích. Còn J-20, ngược lại, rõ ràng là một thiết kế hoàn toàn nội địa với ít hoặc không có sự tham gia kỹ thuật của nước ngoài. Nếu FGFA thành công, nó sẽ cho phép Ấn Độ đối phó với những tiến bộ trong không quân Trung Quốc trong tương lai gần.

Tên lửa chống hạm BrahMos

Là một dự án hợp tác Ấn-Nga, BrahMos là tên lửa hành trình tầm ngắn, có thể phóng từ mặt đất, trên không, từ tàu mặt nước và tàu ngầm. Brahmos là một trong những loại tên lửa tiên tiến nhất thế giới, có khả năng bắn trúng mục tiêu trên mặt đất và ở biển với độ chính xác cao.

BrahMos do Tổ chức Nghiên cứu và phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ và NPO Mashinostroyeniya của Nga phát triển. Tên của nó là sự kết hợp tên của hai con sông Ấn Độ và Nga là Brahmaputra và Moskva. Được phóng thử lần đầu tiên vào năm 2001, hiện nay, Ấn Độ đã đưa 3 biến thể phóng từ tàu nổi, tàu ngầm và mặt đất vào sử dụng. Biến thể phóng từ máy bay dự kiến sẽ được phóng thử vào cuối năm 2014.

Brahmos là tên lửa 2 tầng, tầng 1 là động cơ rocket khởi tốc và tầng 2 là động cơ phản lực không khí dùng để đưa Brahmos đạt tốc độ 3M. Ở chế độ chống hạm, tên lửa bay cách mặt sóng 3-4 m, khiến cho lực lượng phòng thủ trên hạm tàu đối phương có cực ít thời gian để phản ứng. Tên lửa mang phần chiến đấu xuyên-nổ mạnh nặng từ 200-300 kg. Tùy thuộc vào biến thể, tên lửa có tầm từ 300-500 km.

Sự đa dạng về phương tiện mang phóng có nghĩa là mối đe dọa BrahMos có thể đến từ bất kỳ hướng nào và phải được đối phó bằng nhiều tầng phòng thủ: ví dụ, để chống lại BrahMos phóng từ tàu ngầm, đối phương sẽ phải đầu tư vào cả khả năng tác chiến chống ngầm và chống tên lửa cao tốc. Với các phương tiện mang phóng như tiêm kích FGFA trên không, hạm tàu trên biển và xe bệ phóng trên mặt đất, Brahmos có thể đến từ bất cứ đâu.

BrahMos là một mối đe dọa tên lửa lớn đối với cho lục quân và hải quân Trung Quốc. Tốc độ cao của tên lửa có nghĩa là các hệ thống phòng không chưa được thử thách của Trung Quốc cả trên mặt đất và trên biển sẽ chỉ có vài giây để đối phó với một cuộc tấn công của BrahMos.

Tàu khu trục lớp Kolkata

Lớp Kolkata là thiết kế tàu khu trục tên lửa tối tân nhất của Ấn Độ. Chạy nhanh và tàng hình, với các hệ thống sensor tiên tiến và nhiều vũ khí đối không, đối đất và đối hạm uy lực mạnh, lớp Kolkata sẽ là một tàu chiến đáng gờm trong bất cứ lực lượng hải quân nào.

Các tàu khu trục lớp Kolkata thực sự là các tàu khu trục đa nhiệm, có khả năng bảo vệ các tàu sân bay Ấn Độ hoặc hoạt động độc lập. Hệ thống radar chính mạng pha quét chủ động do hãng Israeli Aircraft Industries cũng cấp được cho là tương đương với hệ thống radar Aegis của Mỹ. Radar có khả năng phát hiện các mục tiêu trên không, trên biển và dẫn đường cho các tên lửa dẫn bằng radar. Các tàu lớp Kolkata có các sonar ở mũi và kéo theo dùng để phát hiện tàu ngầm.

Tàu được trang bị vũ khí khá mạnh với ô phóng thẳng đứng chứa đến 64 quả tên lửa phòng không. Các tên lửa sẽ kết hợp các tên lửa phòng không tầm ngắn Barak 1 và tầm trung dẫn bằng radar Barak 8, có khả năng tương ứng phòng thủ điểm và phòng thủ khu vực. Các tên lửa phòng thủ như thế sẽ cho phép tàu bảo đảm phòng không cho các cụm tàu sân bay chiến đấu, các cụm tàu đổ bộ và các đoàn tàu vận tải.

Các tàu Kolkata sẽ có sức mạnh hỏa lực đối hạm cực mạnh 16 tên lửa hành trình siêu âm BrahMos trên mỗi tàu. Tàu còn được trang 1 pháo 76 mm, 4 hệ thống vũ khí tầm gần AK-630, các tên lửa chống ngầm và ngư lôi, và 2 trực thăng bố trí trong một hăng-ga.

Ba tàu khu trục lớp Kolkata đang được xây dựng, chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được đưa vào biên chế trong năm 2014. Một lô 4 tàu tiếp theo với tính năng tàng hình tốt hơn cũng đã được lên kế hoạch đóng.

Trung Quốc sẽ ngán sợ lớp Kolkata vì nó sẽ bảo đảm phòng không cho tàu như tàu sân bay INS Vikramaditya. Được trang bị 16 tên lửa BrahMos, các tàu lớp Kolkata cũng có thể hoạt động độc lập như phương tiện tập kích tàu buôn, đe dọa hoạt động của tàu bè Trung Quốc.

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn Arihant

Mặc dù Ấn Độ đã duy trì một kho vũ khí hạt nhân trong nhiều thập kỷ, họ vẫn thiếu khả năng đánh đòn phản công hạt nhân thứ hai đáng tin cậy. Khả năng đe dọa các tài sản chiến lược và thậm chí cả các thành phố của đối phương, một chính sách bảo hiểm chống lại cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ, cứ mãi lảng tránh Ấn Độ. Tàu ngầm INS Arihant (Người hủy diệt các kẻ thù) là bước đi thực sự đầu tiên hướng tới khắc phục vấn đề đó. Ấn Độ là nước thứ sáu trên thế giới xây dựng được tiềm lực răn đe hạt nhân dưới mặt biển.

INS Arihant là tàu ngầm tên lửa mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Ấn Độ, được thiết kế riêng để phóng các tên lửa hạt nhân. Arihant sẽ mang 12 quả tên lửa hạt nhân tầm ngắn K-15 hoặc 4 tên lửa hạt nhân tầm trung K-4.

Các tên lửa K-15 với tầm bắn 700 km không có khả năng từ Ấn Độ Dương bắn tới Trung Quốc. Các tên lửa K-4 với tầm bắn 3.500 km có thể với tới tận Bắc Kinh. Với Ấn Độ thì như thế có lẽ là đủ xa.

Arihant có vận dụng các yếu tố thiết kế tàu ngầm của Nga. Đây vừa là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo nội địa đầu tiên, vừa là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên tự đóng của Ấn Độ. Một cái đầu tiên khác là lò phản ứng 83MW cung cấp năng lượng cho tàu cũng là lò phản ứng hạt nhân trên tàu đầu tiên của Ấn Độ. Các hãng đóng tàu Nga đã tích cực giups đỡ các công ty đóng tàu Ấn Độ, và các chuyên gia Nga đã giúp Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Bhabha trong việc thiết kế lò phản ứng.

Trung Quốc không nên sợ Arihant vì Ấn Độ thi hành chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên, có nghĩa là họ sẽ không là bên trước tiên phóng tên lửa hạt nhân. Ngay cả khi chính sách đó bị thay đổi, thì một tàu ngầm Arihant thành công sẽ chỉ có nghĩa là khoảng 12 tên lửa hạt nhân trên biển. Tuy nhiên, 12 quả tên lửa đó đại diện cho khả năng làm được những điều không tưởng.

Arihant sắp được thử nghiệm trên biển. Ba chiếc tàu ngầm được cho là đã được lên kế hoạch đóng.

Theo VND