Trung Quốc thống trị nguồn nickel làm pin xe điện như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các công ty Trung Quốc đã tận dụng một phương pháp chế biến khiến cho loại quặng nickel ở Indonesia có thể được dùng để chế tạo pin xe điện.

Quang cảnh một khu khai thác nickel trên đảo Obi của Indonesia (Ảnh: WSJ)
Quang cảnh một khu khai thác nickel trên đảo Obi của Indonesia (Ảnh: WSJ)

Trên khắp quần đảo Indonesia, nhiều nhà máy công nghiệp mới đang xử lý lý những khối quặng nickel để chế tạo pin dành cho xe điện (EV). Cách đây 5 năm, không có gì trên những hòn đảo này. Vậy có điều gì đã thay đổi? Các công ty Trung Quốc đã đạt một bước đột phá.

Họ đã nắm được một quy trình tinh chế từng rất khó sử dụng, từ đó khai mở các mỏ quặng để phục vụ cho ngành công nghiệp EV đang “đói” nickel. Và nhờ điều này, họ đã thiết lập sự thống trị của Trung Quốc đối với nước được xem là có nguồn cung cấp nickel lớn nhất thế giới.

Điều này cho phép Trung Quốc đạt bước tiến dài trong cuộc đua nhằm đảm bảo nguồn cung khoáng sản đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng và là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Mỹ trong việc giảm bớt sự phụ thuộc của các công ty trong nước với Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy đa dạng hoá các chuỗi cung ứng năng lượng. Nhưng xét về nickel, các công ty Trung Quốc đang gia tăng sự kiểm soát.

Quyết định của Trung Quốc mới đây nhằm hạn chế xuất khẩu gallium và germanium – 2 kim loại đóng vai trò quan trọng trong sản xuất bán dẫn – đã cho thấy những rủi ro tiềm ẩn của việc phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu đầu vào của Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc đã xây dựng ít nhất 3 nhà máy chế biến liên quan tới EV tại Indonesia trong những năm gần đây, và nhiều nhà máy khác đang trong quá trình xây dựng. Một trong số đó thu hút được tiền đầu tư của Ford Motor hồi đầu năm nay, trong khi một nhà máy khác đang được xây dựng bởi tập đoàn thép Posco Holdings của Hàn Quốc. Cả hai đều có sự tham gia của các công ty Trung Quốc.

Từ một nhà cung ứng nickel nhỏ cho pin xe điện vào năm 2017, Indonesia đã trở thành nguồn cung cấp hàng đầu, chiếm gần một nửa nguồn cung toàn cầu vào năm 2022, theo CRU, công ty cung cấp thông tin hàng hoá có trụ sở tại London. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Indonesia sở hữu trữ lượng nickel thuộc hàng lớn nhất thế giới. Hàng triệu năm trước, các mảng kiến tạo va chạm khu vực ngày nay là phía Đông của nước này, đẩy đáy đại dương giàu khoáng sản lên trên bề mặt và tạo ra lượng lớn nickel. Nhiều loại quặng nickel của Indonesia – còn gọi là đá ong – được cho là rất khó xử lý để sử dụng cho EV, và chủ yếu được tinh chế để sản xuất thép không gỉ trong nhiều thập kỷ qua.

2.jpg

Các công ty Trung Quốc đã thay đổi điều đó. Phương pháp mà họ sử dụng, được gọi là lọc acid áp suất cao – hay HPAL – đã có từ nhiều thập kỷ trước, nhưng lại bị cho là không mang lại nhiều giá trị. Phương pháp này phụ thuộc vào nhiệt độ và áp suất cực lớn, thường làm hỏng trang thiết bị và cần nhiều đợt sửa chữa.

Các dự án trước đây ở Australia, New Caledonia ở Nam Thái Bình Dương và nhiều nơi khác – được thực hiện bởi các công ty cả Âu lẫn Á – đều gặp phải vấn đề đội vốn và chậm tiến độ.

Một nhà máy của Trung Quốc ở Papua New Guinea ban đầu cũng gặp vấn đề tương tự. Nhưng công ty ENFI Engineering của Trung Quốc, bên thiết kế nhà máy, và các đối tác sản xuất của họ đã dần dần khắc phục được vấn đề này.

Nhiều công ty khác của Trung Quốc cũng nhân rộng mô hình đó, một phần là nhờ mang đội ngũ kỹ thuật giàu kinh nghiệm từ Papua New Guinea tới Indonesia, theo Martin Vydra, trưởng chiến lược gia của Nickel 28, một công ty Canada sở hữu cổ phần trong nhà máy ở Papua New Guinea, cho hay.

Một trong những bên hưởng lợi từ mô hình là Lygend Resources and Technology của Trung Quốc. Vào năm 2018, công ty này hợp tác với công ty khai khoáng Harita Group của Indonesia để xây dựng nhà máy HPAL đầu tiên của Indonesia, phục vụ cho EV. Họ làm việc cùng với ENFI, bên thiết kế nhà máy ở Papua New Guinea.

3.jpg
Công nhân làm việc tại cơ sở Harita Nickel (Ảnh: WSJ)

Trong tháng 4, ENFI - một công ty con của một tập đoàn nhà nước Trung Quốc, đã đăng thông tin trên trang web chính thức khẳng định rằng việc thành công trong việc áp dụng công nghệ HPAL đã mang lại những chuyển biến tích cực cho các công ty Trung Quốc.

“Với những tiến bộ này, việc phát triển đá ong chất lượng thấp trên quy mô lớn đã trở nên khả thi, và các doanh nghiệp Trung Quốc được tiếp cận tốt hơn với các cơ hội phát triển nguồn lực”, tuyên bố cho hay.

Nhiều liên doanh do Trung Quốc dẫn đầu mọc lên. Nhưng do lịch sử không mấy tốt đẹp của HPAL, nhiều chuyên gia phân tích khai khoáng ban đầu cho rằng mô hình sẽ đổ bể. Thế nhưng, các dự án này lại nhanh chóng tăng tốc.

“Giai đoạn thông thường của việc phát triển, như tính khả thi, phê duyệt dự án, xây dựng và vận hành đã diễn ra trong thời gian kỷ lục”, Angela Durrant, chuyên gia phân tích đến từ công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenie, cho hay. “Trung Quốc có thể thực hiện dự án HPAL nhanh hơn và rẻ hơn so với phương Tây”.

Các chuyên gia môi trường thì lên tiếng cảnh báo về những rủi ro. Các cơ sở HPAL thường sinh ra nhiều khí thải carbon và rất nhiều loại rác thải khó có thể được bảo quản một cách an toàn ở những nước hay có động đất và thời tiết nhiều mưa như Indonesia. Vào năm 2019, chất thải chưa được xử lý từ nhà máy ở Papua New Guinea đã được phát hiện gây ô nhiễm cho các nguồn nước lân cận.

Harita cho biết công ty đã thiết lập các biện pháp để lưu trữ chất thải một cách an toàn trên đất liền. Chính phủ Indonesia đã thông báo rằng họ không cho phép việc xả thải HPAL ra biển.

Đối với các hãng sản xuất ô tô phương Tây, dòng chảy nickel của Indonesia đảm bảo nguồn cung ổn định loại khoáng chất mà họ cần trong thời gian ngắn. Nhưng trong môi trường địa chính trị ngày càng gay gắt, điều này cũng mang tới nhiều tác động tiềm ẩn.

5.jpg
Khu phức hợp chế biến nickel trực thuộc Harita Nickel (Ảnh: WSJ)

Chính sách năng lượng sạch của Tổng thống Biden - Đạo luật Giảm Lạm phát được thông qua trong năm ngoái, đã đặt ra quy định ràng buộc trợ cấp xe điện với các yêu cầu về nguồn khoáng sản. Có nghĩa rằng, việc khoáng sản được khai thác và tinh chế ở đâu, như thế nào và bởi ai...quan trọng hơn bao giờ hết.

Để được hưởng một số loại trợ giá nhất định, bộ luật này yêu cầu pin EV cần phải sớm có các thành phần khoáng sản chủ yếu đến từ Mỹ hoặc một quốc gia mà Mỹ có thoả thuận thương mại tự do. Indonesia không nằm trong số đó. Sự tham gia sâu của các công ty Trung Quốc vào hoạt động khai thác nickel của Indonesia cũng có thể thu hút thêm sự giám sát từ phía Mỹ.

Trong khi đó, các công ty không phải của Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn. Trong một thập kỷ, đơn vị địa phương của hãng khai khoáng Vale của Brazil đã hợp tác với Sumitomo Metal Mining của Nhật Bản để phát triển một dự án nickel trên đảo Sulawesi, miền Đông Indonesia. Theo kế hoạch, Vale sẽ khai khoáng trong khi Sumitomo chế biến quặng tại một cơ sở HPAL.

Dự án này gặp phải nhiều trở ngại, bao gồm tranh cãi về việc xả thải ở đâu và bên nào sẽ chịu trách nhiệm nếu như xảy ra vấn đề về lưu trữ rác thải. Các lãnh đạo của Vale ngày càng trở nên mất kiên nhẫn hơn trước tiến độ chậm, trong khi các công ty Trung Quốc lại tiến triển rất nhanh và giải quyết được nhiều vấn đề phát sinh.

Sumitomo đã rút khỏi dự án vào tháng 4/2022, nói rằng đại dịch COVID-19 đã làm chậm việc cấp phép và rằng họ biết phía Vale bắt đầu tìm kiếm một dự án thay thế. Hai ngày sau, Vale ký một thoả thuận phát triển cơ sở với công ty Zhejiang Huayou Cobalt của Trung Quốc./.

Theo Wall Street Journal