Theo Đài tiếng nói Đức, tại Hội nghị an ninh Munich lần thứ 54 từ ngày 16 - 18/2, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia thu hút nhiều sự chú ý giống như các nước như Mỹ và Nga. Các bên tham dự hội nghị nhất trí cho rằng cùng với việc Mỹ "lạnh nhạt" với sân khấu thế giới và "lấp chỗ trống" của Trung Quốc, cục diện thế giới tiếp tục có sự chuyển ngoặt.
Ngày 17/2, tại hội nghị, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel trước hết đã thể hiện thái độ không hài lòng với Mỹ, thái độ này tương đồng với chính giới Đức. Ông Sigmar Gabriel đã tiếp tục nhấn mạnh đến tầm quan trọng việc đoàn kết thống nhất, hợp tác khẳng định sức mạnh với bên ngoài của châu Âu.
Nói đến Trung Quốc, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel không tán thành cách làm của Trung Quốc trong chính trị quốc tế hiện nay. Theo ông, Trung Quốc tìm cách xây dựng một "hệ thống khác" hoàn toàn không phù hợp với quan điểm của phương Tây về trật tự thế giới tự do.
"Nhưng khi khuôn khổ của trật tự tự do bắt đầu tan rã, người khác sẽ bắt đầu đóng cọc vào nền móng của tòa nhà - thế giới tự do này" - ông Sigmar Gabriel nói.
Cùng quan điểm với Ngoại trưởng Đức, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng đã đề cập đến cục diện ảnh hưởng quốc tế đang thay đổi, cho rằng Mỹ đang tiếp tục rút khỏi sân khấu quốc tế, trong khi đó Trung Quốc đang lấp đi "khoảng trống quyền lực" này. Ông Sebastian Kurz cho hay nếu nói trước đây điều gây lo ngại là “cá lớn nuốt cá bé”, thì hiện nay điều nguy hiểm là "cá nhanh nuốt cá chậm".
Trong bài phát biểu của mình tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker cũng đã nói đến Trung Quốc. Giống như Ngoại trưởng Đức Gabriel, ông cũng đã lo ngại về hiện trạng không thống nhất lập trường trong ứng xử với Trung Quốc của EU.
Ngoài ra, theo hãng tin CNA Đài Loan ngày 17/2, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng Trung Quốc đang thông qua triển khai sáng kiến "Vành đai, con đường" để gây ảnh hưởng đến thế giới, xây dựng một chế độ khác với quan niệm giá trị của phương Tây. Ông kêu gọi các nước phương Tây đưa ra đối sách.
Ông nói: "Hiện nay, Trung Quốc là nước duy nhất có và kiên định thực hiện mục tiêu địa - chính trị mang tính toàn cầu". Các nước phương Tây cần đưa ra đối sách.
Ông Sigmar Gabriel cũng cảnh báo về nguy cơ châu Âu bị chia rẽ, cho rằng sự đoàn kết của châu Âu đang bị sách lược "cà rốt + cây gậy" của Trung Quốc và Nga phá hoại. Đối mặt với "thế tấn công bằng tiền bạc" của Trung Quốc, ông kêu gọi châu Âu chủ động đầu tư ở Đông Âu, Trung Á và châu Phi.
Hội nghị an ninh Munich tập trung bàn về các vấn đề an ninh toàn cầu, nhiều năm qua luôn là một diễn đàn quan trọng tập hợp các chuyên gia quân sự, ngoại giao và tình báo các nước.
Hội nghị an ninh Munich năm nay có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Chủ tịch ủy ban đối ngoại Nhân đại Trung Quốc bà Phó Oánh...