Tờ Les Echos Pháp ngày 30/11 cho rằng đầu thế kỷ 21 có 2 châu Âu: châu Âu cũ và châu Âu mới. Châu Âu cũ bảo thủ và đầy thành kiến, họ muốn giữ lại sự vĩ đại đã mất đi; còn châu Âu mới đang thay đổi, khát vọng tiến bộ, có rất nhiều nhu cầu, đồng thời mong muốn tìm được đối tác mới. Nước Trung Quốc mới yêu thích châu Âu mới.
Một phần của châu Âu mới này thống nhất với châu Âu cũ, có nước gia nhập liên minh, nhưng không nhất thiết tiếp nhận toàn bộ quan niệm giá trị của liên minh. Trung Quốc biết rõ điều này, lựa chọn châu Âu mới làm đối tác đặc biệt, tạo ra "lô cốt đầu cầu" để tiến vào châu Âu cũ, một khu vực đầy "kiêu kỳ".
Diễn đàn kinh tế Budapest ra đời từ năm 2011, được Trung Quốc tổ chức trong khuôn khổ khu vực các nước Trung và Đông Âu. Năm 2012, khuôn khổ này đã hình thành chế độ, đã xác lập cơ chế hợp tác 16+1 ở Warsaw.
Khi đó nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gặp gỡ 16 nhà lãnh đạo một bộ phận khu vực châu Âu: Trong đó 10 nước khi đó vừa gia nhập EU gồm Romania, Bulgaria, Ba Lan, Hungary, Czech, Slovakia, Slovenia và 3 nước biển Baltic.
Năm 2013, Croatia gia nhập EU. 5 nước còn lại là các nước ở bán đảo Balkan, không phải là thành viên của EU, bao gồm Serbia, Albania, Bosnia-Herzegovina, Macedonia và Montenegro. Về sau, cơ chế hội nghị 16+1 trở thành thông lệ hàng năm.
Hội nghị 16+1 lần gần nhất diễn ra ở Budapest từ ngày 27 - 28/11/2017. Năm 2013, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch toàn cầu có thể giúp Trung Quốc nâng lên thành người chiến thắng của toàn cầu hóa: sáng kiến "Vành đai, con đường".
Hợp tác 16+1 và "Vành đai, con đường" là "hợp tác cùng thắng". Con đường tơ lụa mới có nghĩa là những tuyến đường ô tô, đường sắt, cây cầu và trạm phát điện mới được thiết lập, nói chung đó chính là các công trình hạ tầng cơ sở được xây mới. Ngoài ra, còn có sự kết nối về tài chính.
Con đường tợ lụa này được nối liền từ Trung Quốc đến châu Âu, từ Trung Á đến Đông Âu, từ Kyrgyzstan đến Belarus. Sáng kiến "Vành đai, con đường" thực sự có sức hấp dẫn đối với các nước này.
Các nước thành viên EU ở Trung Âu có quỹ hỗ trợ phát triển của EU. Chẳng hạn, riêng Ba Lan mỗi năm nhận được 15 tỷ Euro. Nhưng, các khoản hỗ trợ bổ sung của Bắc Kinh luôn được hoan nghênh.
Trung Quốc không ép buộc các nước đối tác tiếp nhận người tị nạn hoặc tuân thủ nguyên tắc quốc gia pháp trị. Nhưng, Trung Quốc mong muốn các đối tác tôn trọng cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc – báo Pháp kết luận.