Đánh giá về viễn cảnh quan hệ Trung Quốc - Đài Loan sau những tuyên bố của ông Tập Cận Bình ở Đại hội 19, bà Trương Tiểu Nguyệt nói bà hy vọng Bắc Kinh thôi những cuộc tập trận với những nỗ lực để cô lập đài loan trên vũ đài ngoại giao quốc tế. Tuy nhiên, bà cũng ghi nhận rằng những tuyên bố không đề cập tới vấn đề can thiệp quân sự tới Đài Loan và cũng không định một lịch trình cụ thể cho việc hợp nhất. Những giao lưu về kinh tế và văn hóa cũng được ông Tập Cận Bình đề cập đến.
Ngày 5.12, bà Trương Tiểu Nguyệt phát biểu "Đây là chiến lược phức hợp của Trung Quốc. Một chính sách cây gậy và củ cà rốt với Đài Loan. Đó là điều chúng tôi trông đợi sẽ giữ nguyên trong 5 năm tới".
Đài Bắc không muốn Mỹ dùng Đài Loan để đàm phán với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phá bỏ nguyên tắc ngoại giao trước đây của Mỹ bằng cách nhận điện thoại từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong quá trình ông chuẩn bị nhậm chức tổng thống vào cuối năm 2016. Ông cũng tìm cách viện dẫn chính sách "Một Trung Quốc" sẽ là một mối lợi tiềm năng để bảo đảm cho một số nhượng bộ của Bắc Kinh với Mỹ. Dù kể từ những năm 1970, Mỹ đã công nhận chính sách "Một Trung Quốc".
Ông Trump nói ông không hiểu tại sao Mỹ lại phải bị trói buộc với chính sách "Một Trung Quốc", "trừ phi chúng ta đàm phán để Trung Quốc phải làm những điều khác cho chúng ta bao gồm cả việc thương mại". Tuy nhiên, sau khi nhậm chức tổng thống ông lại quay lại nguyên tắc ngoại giao cũ và đồng ý yêu cầu của ông Tập Cận Bình về việc tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc".
Bà Trương Tiểu Nguyệt cũng xác nhận Đài Bắc đã "lobby" Mỹ trước chuyến thăm đầu tiên của ông Trump tới Bắc Kinh vào tháng trước về việc không đề cập tới vấn đề Đài Loan khi bàn thảo với ông Tập Cận Bình. "Về cơ bản chúng tôi nhắc họ nhớ là không dùng Đài Loan như một mối lợi... Từ những tính toán và phân tích của chúng tôi, chúng tôi không nghĩ Mỹ sẽ sử dụng Đài Loan để mặc cả với Trung Quốc khi đàm phán về kinh tế, thương mại hay vấn đề Triều Tiên".
Hải quân Mỹ sẽ không đến Đài Loan?
Tuần này, chính phủ của ông Trump một lần nữa xác nhận chính sách cán cân của họ trong vấn đề Đài Loan khi vẫn giữ những mối quan hệ với Trung Quốc trong khi cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Báo cáo mới của Nhà Trắng về chiến lược an ninh quốc gia cho biết "Chúng ta sẽ giữ mối quan hệ chặt chẽ với Đài Loan trong điều kiện phù hợp với chính sách "Một Trung Quốc", bao gồm cả những cam kết trong Đạo luật quan hệ với Đài Loan để cung cấp cho Đài Loan những phương tiện cần thiết cho quốc phòng".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu trong một cuộc họp báo về việc cung cấp vũ khí của Mỹ cho Đài Loan theo Dự luật Ủy quyền Quốc phòng của Mỹ năm 2017 có thể "gây nguy hiểm cho những lợi ích hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ và sự hòa bình, ổn định giữa 2 bên bờ eo biển".
Ông Lý Khắc Tân - công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cảnh báo mọi chuyến thăm của tàu Mỹ tới Đài Loan có thể khiến Trung Quốc hợp nhất Đài Loan bằng quân sự. Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và tình hình Quốc tế tại Washington, bà Bonnie Glaser viết trong email: "Tôi rất lo ngại nếu Hải quân Mỹ cập cảng Đài Loan. Theo quan điểm của tôi, rủi ro từ Đài Loan sẽ vượt quá những lợi ích đạt được. Có rất nhiều cách để Mỹ chứng minh cam kết về an ninh với Đài Loan và nên chọn một cách khác để làm. Dù cho cảnh báo của Trung Quốc có thể là một tuyên bố không có thẩm quyền vì chưa được nhắc lại bởi người phát ngôn Bộ Ngoại giao hay bất cứ ai".
Đài Loan không thể đối đầu với Trung Quốc
Euan Graham - Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế của viện Lowy thuộc Úc nói lời cảnh báo của ông Lý Khắc Tân sẽ đẩy lùi những cố gắng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hơn là quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan.
Trung Quốc đã có những bước cải tổ quân đội trong nhiều năm gần đây bao gồm cả việc mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. "Trong mọi hoàn cảnh tôi nghĩ Đài Loan không thể đối đầu với Trung Quốc về mặt quân sự hay làm lay chuyển cán cân lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc".
"Đài Loan có một lịch sử dựa trên nền tảng kỹ thuật hơn Trung Quốc phần lớn bởi vì họ có thể tự do nhập khẩu vũ khí từ Mỹ. Hiện tại tình thế đã đảo ngược. Và tôi nghĩ khả năng tồn tại của Đài Loan trong một cuộc chiến thông thường cần đánh dấu hỏi... Tôi đã ở Đài Loan 6 tuần trước và ngay cả những người đang phục vụ trong quân ngũ hay những sĩ quan cấp cao đã nghỉ hưu đều công nhận Đài Loan không thể đối đầu với Trung Quốc". Graham hàm ý Đài Loan cần suy nghĩ khác về việc bảo đảm an ninh và cần tự xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như quyền lực mềm "theo những cách linh hoạt trên mọi lĩnh vực".
Các cuộc tập trận của Trung Quốc ngày càng thường xuyên và mở rộng quy mô là «mối đe dọa lớn» đối với an ninh của Đài Loan. Đó là cảnh báo của Đài Bắc trong báo cáo quốc phòng hàng năm, được công bố ngày 26/12/2017.
Bản báo cáo quốc phòng của Đài Loan nghi nhận căng thẳng đang gia tăng rõ rệt giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Theo truyền thông Đài Loan, năm nay không quân Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 20 cuộc diễn tập xung quanh khu vực đảo Đài Loan, trong khi năm 2016 chỉ có 8 lần. Gần đây nhất là vào tuần trước, Bắc Kinh đã huy động nhiều máy bay chiến đấu bay lượn nhiều lần qua vùng eo biển Bashi ở phía nam Đài Loan.
Trong bản báo cáo thứ 14 công bố hôm qua, lãnh đạo quân sự Đài Loan Phùng Thế Khoan nhấn mạnh, các cuộc diễn tập quân sự thường xuyên như vậy «đã tạo ra một mối đe dọa lớn đối với an ninh trong eo biển Đài Loan» .
Thừa nhận cán cân lực lượng giữa Trung Quốc và Đài Loan có chênh lệch quá lớn, báo cáo khẳng định quân đội Đài Loan phải thích ứng với một «chiến lược răn đe liên tục» của một quân đội Trung Quốc đang ngày càng phát triển.
Trung Quốc hiện có tới hai triệu quân thường trực, trong khi Đài Loan chỉ có 210 nghìn binh sĩ. Ông Phùng Thế Khoan nhận định: «Đài Loan không thế so bì được với ngân sách quốc phòng cũng như sự phát triển quân sự của Trung Quốc». Vì thế «Đài Loan cần phải nghiên cứu nghiêm túc để soạn thảo một kế hoạch cho một kiểu chiến tranh không cân xứng, nhằm đối phó với sự phát triển của quân đội Trung Quốc».
Theo cơ quan quân sự Đài Loan, để đối phó với khả năng chiến tranh điện tử của Trung Quốc, Đài Bắc đã thành lập một sở chỉ huy chiến tranh mạng trong năm nay. Lực lượng này sẽ bao gồm khoảng 1.000 người. Đài loan cũng đã cho cơ cấu lại lực lượng không quân tập trung vào phòng không và chống tên lửa.
Về phía Trung Quốc, ngoài các hoạt động diễn tập quân sự, nhiều quan chức của Bắc Kinh gần đây cũng có những tuyên bố đe dọa khuất phục Đài Loan cả về kinh tế cũng như quân sự.