Người ta cho rằng công nghệ mới dự kiến sẽ vượt qua "Qian Xuesen trajectory" trước đây. Đây là cụm từ chỉ “Đạn đạo Tiền Học Sâm” hay đạn đạo "tăng tốc + lướt", là một ý tưởng đạn đạo tên lửa mới được nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc Tiền Học Sâm đề xuất vào những năm 1940. Đặc điểm của quỹ đạo đạn đạo này là kết hợp quỹ đạo của tên lửa đạn đạo và tên lửa bay nên có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ và có tính linh hoạt.
Nếu công nghệ này được áp dụng thành công, khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực tên lửa siêu thanh sẽ ngày càng rộng hơn.
Ý tưởng về vũ khí lướt siêu thanh mới
Theo bài báo đăng trên tờ South China Morning Post (SCMP) xuất bản ở Hong Kong, vào tháng 6 năm nay, một nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học Trung Quốc đã xuất bản một bài báo trên Tạp chí Du hành vũ trụ Trung Quốc. Nội dung chính của bài báo chủ yếu giới thiệu về một loại vũ khí siêu thanh mới của Trung Quốc - một loại vật thể lướt siêu thanh mới.
Vật thể lướt siêu thanh truyền thống là một đầu đạn cơ động và lướt với tốc độ siêu thanh để kiểm soát quỹ đạo. Nhưng loại vật thể lướt siêu thanh mới này thì khác. Nó sử dụng quỹ đạo đạn đạo tương tự như trôi trên mặt nước. Với sự trợ giúp của một động cơ dùng nhiên liệu rắn mới có thể điểm hỏa (tái khởi động) nhiều lần, nó có thể liên tục đi vào và thoát ra khỏi bầu khí quyển với tốc độ bay vượt quá Mach 15.
Đây là một bước đột phá lớn, bởi không có loại vũ khí siêu thanh nào được biết đến hiện nay có thể liên tục ra vào bầu khí quyển, chưa kể tốc độ không đổi đạt tới Mach 15. Khi thoát ra khỏi bầu khí quyển, chúng sẽ tấn công trực diện vào giai đoạn cuối với quỹ đạo cơ động không theo quy tắc nào.
Bài viết trên cho thấy thế hệ vũ khí siêu thanh mới có thể tăng hơn 1/3 phạm vi sát thương của tên lửa nhờ đạn đạo (đường đạn) kiểu trôi. Chúng có những ưu thế đáng kể trong việc ứng dụng quân sự trong tương lai, cụ thể là tầm bắn xa, khả năng cơ động cao và khó dự đoán hơn.
Nếu công nghệ tên lửa siêu thanh mới giúp nó có thể liên tục đi vào và thoát ra bầu khí quyển ở tốc độ Mach 15, Mỹ và các nước khác sẽ càng khó phát triển và đánh chặn hoặc thậm chí phát hiện được loại vũ khí siêu thanh mới này trong tương lai.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng, công nghệ tên lửa siêu thanh mới được đề cập trong bài viết này dự kiến sẽ vượt qua sự tưởng tượng của nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc Tiền Học Sâm trong lĩnh vực tên lửa. Vào những năm 1940, nhà Khoa học được gọi là "Cha đẻ của tên lửa" Trung Quốc này đã đề xuất "Đạn đạo Tiền Học Sâm" với khái niệm cốt lõi là "tăng tốc cộng với lướt", thực chất là khái niệm tàu lượn siêu thanh. Quỹ đạo bay của tên lửa Dongfeng-17 (DF-17) của Trung Quốc chính là được thiết kế dựa trên nguyên tắc này.
Vào năm 1941, nhà khoa học người Áo Eugen Sanger, người từng làm việc cho Đức trong Thế chiến II, đã đề xuất một lý thuyết thiết kế đạn đạo cấp tiến hơn. Thiết bị bay "Silver Bird" do ông thiết kế được trang bị động cơ tăng áp cho phép nó di chuyển phía trên tầng khí quyển như nước.
Thông qua cái gọi là "quỹ đạo Sanger" này, tầm bắn và khả năng cơ động của vũ khí siêu thanh có thể được cải thiện. Bản thân Sanger cũng tin rằng “Silver Bird” có thể được phóng từ Đức, thả bom xuống New York, rồi hạ cánh xuống các đảo Thái Bình Dương do Nhật Bản kiểm soát. Trong trường hợp này, tầm tấn công của tên lửa dự kiến sẽ bao phủ một nửa trái đất. Tuy nhiên, đề xuất này quá cấp tiến và cho đến tận nay vẫn chỉ nằm trên giấy.
Trung Quốc đã vượt Mỹ về công nghệ vũ khí siêu thanh
Là tên lửa đạn đạo tầm trung, DF-17 mang đầu đạn siêu thanh và có thể thực hiện các cuộc tấn công lượn xuống với quỹ đạo phức tạp ở tốc độ trên Mach 5, giúp tăng cường mạnh khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có.
Khi DF-17 được bắn thử thành công và đưa vào sử dụng, chúng đã giúp Trung Quốc leo lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, đồng thời nó cũng tượng trưng cho việc PLA đã chuẩn bị và có “chìa khóa” quyết định chiến thắng trên chiến trường tương lai.
Trong khi đó, Mỹ - một cường quốc quân sự lâu đời - đã không đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này. Mặc dù bắt đầu sớm nhưng quá trình nghiên cứu và phát triển của Mỹ rất chậm và một số dự án lớn đã gặp nhiều trở lực.
Loại vũ khí siêu thanh duy nhất hiện nay của Mỹ là tên lửa thuộc chương trình Vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW) mang tên Dark Eagle, nhưng xét về mặt công nghệ, tên lửa này sử dụng cấu trúc hình nón kép tương tự như DF-15B Trung Quốc và tên lửa KH-47M2 Kinzhal của Nga.
Điều này đồng nghĩa với việc Dark Eagle là kiểu vũ khí siêu thanh tương đối lạc hậu, nhưng dù vậy, quân đội Mỹ vẫn quyết tâm mua loại thiết bị này với số lượng lớn và dự kiến sẽ trang bị hơn 300 tên lửa trong tương lai. Tuy nhiên, xét đến năng lực sản xuất quân sự “giật gấu vá vai” của quân đội Mỹ, sẽ chỉ có 10 tên lửa loại này sẽ được giao vào năm 2025, số còn lại phải đến năm 2030 mới có.
So sánh, kho vũ khí của Trung Quốc rất phong phú, không chỉ có các tên lửa đã được thử nghiệm như DF-17 và YJ-21, mà còn có loại tên lửa được coi là tiên tiến hơn và rất bí ẩn là DF-27.
Mới chỉ là công nghệ trên giấy
Tuy nhiên, xét từ thiết kế đạn đạo “kiểu trôi” được đề cập trong bài viết này, công nghệ vũ khí siêu thanh mới của Trung Quốc dường như có một số điểm tương đồng với “đạn đạo Sanger”, thậm chí có thể nói chúng tiến hành khác nhau nhưng công hiệu như nhau.
Bài viết trên SCMP cũng nêu rõ: Do phạm vi sát thương của vũ khí được gia tăng, mục đích sử dụng chính của vũ khí lượn siêu thanh đã từ ứng phó với các xung đột khu vực mở rộng chuyển sang tác chiến toàn cầu. Nói cách khác, loại vũ khí này có thể sử dụng để tấn công toàn cầu ở tốc độ Mach 15.
Theo các báo cáo quân sự được tiết lộ gần đây của Trung Quốc, nếu những vũ khí này được phóng từ sa mạc Gobi, chúng có thể phá hủy hiệu quả đội hình tàu sân bay ở Biển Đông và các căn cứ quân sự ở Mỹ.
Tuy nhiên, SCMP cho rằng công nghệ này hiện vẫn mới đang ở trên giấy. Nhóm nghiên cứu mới chỉ đề ra nguyên lý. Vẫn còn nhiều vấn đề kỹ thuật quan trọng cần được giải quyết trong quá trình thực thi. Ví dụ, thân đầu đạn có động cơ tăng cường lớn hơn và nặng hơn thân đầu đạn không có động cơ và hoạt động điểm hỏa nhiều lần của động cơ nhiên liệu rắn khó khăn hơn tên lửa nhiên liệu lỏng.
Tuy nhiên, SCMP nhận định rằng, xét từ quá trình nghiên cứu và phát triển vũ khí trong quá khứ của Trung Quốc, nếu đã có các tài liệu liên quan đến nghiên cứu và phát triển vũ khí được công bố thì cơ bản nó đều được thực hiện thực và cuối cùng có thể áp dụng được.
Trung Quốc: Phát hiện đường dây mua bán 4.000 thi thể người từ các lò đốt
Ông Trump nói các lãnh đạo đảng Dân chủ khiến Trung Quốc và Nga "xích lại gần nhau"
Chuẩn bị ứng phó hạn chế xuất khẩu của Mỹ, các công ty Trung Quốc ồ ạt tích trữ chip HBM của Samsung
Theo NetEasy, QQ
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu